Chiều 11/7, mưa lớn kéo dài kèm theo dông gió mạnh đã làm triều cường dâng cao, kết hợp những con sóng dữ đã bao trùm qua dãy kè phòng hộ tấn công trực diện vào chân đê biển Tây, đoạn thuộc khu vực Đá Bạc.
Tại khu vực nêu trên, triều cường được cơ quan chức năng ghi nhận có cao độ khoảng 1,7 mét, kéo nước dâng tràn qua mặt đê. Một số đoạn bên ngoài không còn rừng phòng hộ, sóng dữ gây sạt lở nhiều vị trí.
Thông tin nhanh với phóng viên tại hiện trường khi triều cường tràn qua đê, ông Bùi Văn Đông, Hạt Trưởng Hạt quản lý đê điều thuộc Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Cà Mau, cho biết: Ven biển xã Khánh Bình Tây xuất hiện 2 vị trí sạt lở nguy hiểm, tổng chiều dài khoảng 120m, thân đê bị sóng đánh trực tiếp gây sạt lở nghiêm trọng.
Tại những đoạn này không còn rừng phòng hộ, sóng đánh tràn lên mặt đê, kéo theo nhiều cây cối, vật cản gây ảnh hưởng lớn đến giao thông trên tuyến đê biển.Tuy vậy, sản xuất của nhân dân vùng ngọt bên trong đê không bị ảnh hưởng bởi nước biển tràn qua chưa nhiều.
“Lực lượng chức năng đang phối hợp với chính quyền địa phương cảnh báo người dân hạn chế lưu thông qua đoạn đê nêu trên, đồng thời đang tiến hành dọn dẹp, trả lại hiện trường mặt đường khi tình hình thời tiết ổn định hơn”, Ông Đông chia sẻ.
Chiều muộn cùng ngày, Phó Giám Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, cho biết: Hiện tượng mưa lớn kèm triều cường dâng cao còn gọi là “nước ùn”, chỉ thỉnh thoảng xảy ra tại khu vực ven đê biển Tây tỉnh Cà Mau nhưng nếu không có sự chuẩn bị trước sẽ ảnh hưởng đến thân đê biển.
“Chúng tôi đã chỉ đạo lực lượng chuyên trách của sở ứng trực, kiểm tra kỹ lưỡng những thiệt hại gây ra do triều cường bất thường chiều cùng ngày”.
Vào chiều ngày đầu tháng 8/2019, khu vực đê biển Tây tỉnh Cà Mau cũng xảy ra hiện tượng nước ùn, sóng biển tràn qua đê biển gây sạt lở nghiêm trọng chân đê, đoạn khu vực Kênh Mới-Đá Bạc của huyện Trần Văn Thời.
Trước tình hình trên, tỉnh Cà Mau phải ban bố tình huống hộ đê khẩn cấp, huy động hàng trăm lực lượng cùng lượng lớn thiết bị, máy móc để gia cố đê, ứng phó sạt lở.