Núi mẹ với sử thi “Đẻ đất đẻ nước”

Buổi sinh hoạt Câu lạc bộ làng| Lú Khoen, Ngọc Lặc.
Buổi sinh hoạt Câu lạc bộ làng| Lú Khoen, Ngọc Lặc.

Tận bây giờ tôi vẫn nhớ câu nói của cố giáo sư, tiến sĩ Ðông phương học Niculin - khi ông trao đổi với tôi về cái gốc của "cây chu đá, lá chu đồng, bông thau, quả thiếc" trong Sử thi Mo Mường Ðẻ đất đẻ nước ; ông nói: "Núi không bao giờ câm lặng", núi có cuộc đời, núi có hơi thở, núi có kho tàng trên nghĩa báu vật, núi có mặt trên thế gian này như một chứng nhân vĩ đại. Cái núi Lai Li Lai Láng ở tận Mường Ống Việt Nam xứng đáng là núi Thần, núi Mẹ. Núi đồi biết hóa thân đẻ ra cái gốc của một sử thi Mường Việt...

Tôi sực nhớ đến ông nghệ nhân Mo Mường: Trương Nức quê ở bản Chiềng, Mường Ống. Giọng mo ca của ông Nức trầm vọng, thâm cung, rằng: "Vào Cửa Khổ, Răng Khò - Một bận qua núi Làn Ai - Hai tháng qua nơi Vận Chiếng - một hôm đến núi Khao Da - Ba hôm qua đồi Vận Chiếng - Chín đêm mười ngày mới đến đồi nhà ông Cai Da - Ðến núi sau nhà Ðạo Ký, Ống - Trông đi, ngó lại - Thấy sáng cả trời... Có đàn gấu đứng chầu - đàn trút, đàn hoẵng đứng đón - chớp đỏ, rồng vàng leo lên, leo xuống - Hoa vàng bảy, trái vàng ba - lá và hoa kêu ra nhạc ngựa - Rõ là cây bằng đá - lá bằng đồng - bông bằng thau - quả thì bằng thiếc..."

"Núi không bao giờ câm lặng...". Hai vị thẩm thấu Sử thi Mường ở hai phương trời đều si mê cốt truyện. Tôi cầm bản dịch trong tay như còn hơi ấm của núi ngàn nơi sinh ra Ðẻ đất đẻ nước . Tiếng lòng của đồng bào dân tộc ở Mường Ống, Mường Ai, Mương Khô, Mường Rặc, Mường Phấm, Mường Dồ, Mường Khang, Mường Khến, Mường Vó, Mường Vang, Mường Thàng, Mường Khọi... hòa cùng bài ca rước tang lễ vào không gian, thời gian vô bờ bến. Trường ca từ bi ai đến nhộn nhịp, từ khóc than đến trường thiên lịch sử nhân loại và cuộc sinh nở của vũ trụ là một chuỗi dài hoành tráng của sân khấu đời Người, Ðời vũ trụ bao la vĩnh hằng.

Lần giở từng trang, đọc lên từng câu, từng chữ của Sử thi Ðẻ đất đẻ nước, giáo sư, tiến sĩ Niculin nhận xét như một sự tâm phục, khẩu phục rằng: Ðẻ đất đẻ nước là một sử thi đồ sộ, là một sự kết hợp khéo léo các nguồn thần thoại với những biến cố chính trị, biến cố xã hội để sáng tạo nên tác phẩm; là một niềm say mê vô tận để quan sát và tái hiện cuộc sống, là một sức khái quát chiều sâu lịch sử, là một chuỗi diễn trình tỉ mỉ mọi sự kiện thời đại, để qua đó: nhìn thấu cái chân lý sống vẫn in hằn trong những thế kỷ xa xưa...

Cũng như nhiều dân tộc: những người lao động cổ đại ở xứ này mặc nhiên biết được vạn vật hình thành từ vật chất. Trong quá khứ xa xôi, cuộc sống thời hỗn mang hiện lên lung linh, mờ ảo, nửa thực, nửa hư. Những hình tượng của Ðẻ đất đẻ nước xa lạ với các xu hướng bi quan, yếm thế. Bởi ngay từ dòng đầu cuộc sống đã có sự hòa hợp nhất thể: Ðất đẻ cây si, cây đẻ ra quê Mường, làng xóm, một bọc trứng thiêng sinh ra cả gia đình ruột thịt; lại có cả cảnh uyên ương trống mái chim Trùng, chim Tót: báo trước rằng sự sống, giống nòi sẽ nảy nở sinh sôi trong khung cảnh hồn nhiên không có những vui buồn ước lệ. Những chất liệu không có gì bỡ ngỡ với huyền thoại gốc Việt Nam. Ðó là những quả Bầu Mẹ, những chiếc trứng thần.

Trong sử thi Ðẻ đất đẻ nước cái đặc sắc của hình tượng là nó không ngừng lại đó, mà phát triển mãi ra, tiếp nối nhau, nhưng cuộc sống vẫn luôn tiếp nối: có đất, có nước - tức là có đất nước - có con người thì phải có sinh hoạt và cải thiện sinh hoạt bằng cuộc sống xây dựng và bằng chiến tranh. Họ đã kéo thiên nhiên lại gần mình và thiên nhiên như khuất phục trước lòng ham muốn, ham sống để xây dựng cuộc sống với con người! Thần thánh trong Ðẻ đất đẻ nước khác với thần thánh nhiều nơi trên trái đất: Ví như thần Dớt có tài nghệ cao cường, uy quyền rất lớn nhưng vẫn phải chịu phép tuân theo số mệnh, không cứu nổi con mình là Xácpêđông. Pơrômêtê ăn cắp lửa, một việc làm vì nghĩa, vẫn cứ bị trừng phạt thảm thê, đau đớn. Thần ngự trị hoành hành...

Còn với Ðẻ đất đẻ nước, các thần thánh lùi lại sau "hậu cung" kín đáo để cho con người và muôn vật tự do đi tìm cái sống, tự quyết định lấy vận mệnh của mình. Ðó là Tà cắm cọt cố ý làm cho tắt ngọn lửa vừa ban và Viếng Ku Linh không hoàn thành nhiệm vụ thì đã có Tun Mun gánh vác đi thay, hỏng keo này, bày keo khác phải học cách chế tạo ra lửa: cái bí quyết thần tiên cố dấu đến đâu vẫn bị bộ óc thông minh của trần gian khám phá, và sau đó không hề có sự trừng phạt ma giáo nào đuổi theo.

Những Mụ Húng, Mụ La, Ông Pồng Pêu... đã mờ đi sau những bước lăn lộn nghiệt ngã, chịu thương, chịu khó của những nhân chứng sống đi tìm ra: lửa, nước, rượu, trâu, bò, gà, lợn, giống lúa. Cuộc sống trong Ðẻ đất đẻ nước là cụ thể gần gũi, rất quen thuộc, nhưng vẫn chất chứa bao nhiêu cái mới, tinh khôi của những sự vật rất bình dị. Thật là hiện thực hơn nữa của ảo mà như thực mới là cốt cách dẫn chuyện của Ðẻ đất đẻ nước, mà hiện thực lại âm vang gõ cửa cuộc sống như truyền thuyết vậy.

Hình tượng đốn chặt cây Chu, kéo cây Chu minh họa cho nghệ thuật tái hiện lại cuộc sống đồng trinh. "Cây Chu đá, lá chu đồng, bông thau, quả thiếc" là tượng trưng cho sự giàu có, sung túc, hạnh phúc, cho cả lao động phát minh, cả đấu tranh, xây dựng để trường tồn. Kéo cây Chu khổng lồ, vĩ đại từ đồi Lai Li Lai Láng ở Mường Ca Da đi dọc dài tận Cầu Nóc, Cầu Rồn nơi Ðồng Chì tam quan kẻ chợ quả đó là một cuộc viễn chinh. Ðó chính là sức mạnh tổng hợp, đoàn kết một lòng, mà con người lao động tỏa sáng, con người anh hùng lao động cũng đồng thời xuất hiện từ buổi bình minh của nền văn hóa - văn minh. Ðừng nghi vấn hoặc nghi ngờ rồi tìm hiểu có thật hay không có thật đoạn chuyện kể phải giết chết Tặm Tạch và lấy máu Tặm Tạch bôi vào rìu, xương cốt Tặm Tạch làm đòn bẩy, kê làm đà trượt để kéo cây Chu... Lịch sử nhân loại chưa ghi được tên ai đã gục ngã dưới chân các Kim tự tháp huyền bí, hoặc Vạn Lý trường thành.

Ðẻ đất đẻ nước độc nhất vô nhị có Tặm Tạch một con người lao động bình thường trong cộng đồng người để đánh dấu sự hy sinh bất tử, vĩ đại ấy là điều hoàn toàn chính đáng. Tặm Tạch vẫn như một Xpactaquýtxơ, một Tạ Ngọc Lân... với vẻ đẹp hùng tráng của một anh hùng nhân dân thật sự. Tặm Tạch có lòng nhân đạo, tình bạn bè và cả sự thực thà nhẹ dạ. Sức mạnh của anh là sức mạnh vạn năng. Có anh mới có nổi cây Chu thần và cái chết của anh cũng có khả năng duy nhất mở cánh cửa cho đời tiến đến khung cảnh mới hơn.

Hồi kết Ðẻ đất đẻ nước còn có những chương Ðánh quạ điên, đánh cá điên, lo xống áo cho vua, đưa vua về Ðồng Chì tam quan kẻ chợ. Hay phân tích rõ quan niệm vua chúa? Vua đây của Sử thi không phải là ông vua mũ áo, cân đai triện vàng hoặc ai thích duy danh định nghĩa - Vua của cộng đồng Mường bản. Vua của Ðồng Chì tam quan kẻ chợ vẫn là một tượng trưng của ý thức dân tộc. Ðó là người "cầm binh cho sang, cầm mường cho giàu có". Vua xuất hiện đúng vào lúc tinh thần làm chủ đất nước sơ khai phải được sáng ngời. Các nhân vật Dịt Dàng, Tà Cái, Cun Cần, Cun Khương, v.v. vẫn chỉ là ông Lang. Bây giờ mới đến lúc phải nhấn thêm sự tập trung ý chí vào cuộc sống mới, cuộc sống của một cộng đồng thấp nhất nay bước lên giai đoạn văn minh. Họ đã mượn từ "Vua" để làm biểu tượng linh thiêng, tượng trưng cho ước vọng và cuộc sống mới.

Giáo sư, tiến sĩ Niculin phần nào lĩnh hội được cốt lõi và tính cách độc đáo của cốt truyện Ðẻ đất đẻ nước, ông dịch ra tiếng Nga và làm tài liệu bổ sung cho bộ sưu tập văn học dân gian phương Ðông của ông. Cũng như nhà nghiên cứu dân tộc học Sugino, ở Tokyo Nhật Bản có dịp được tiếp cận với vùng văn hóa dân gian Mường Chẹ, Mường Rặc, cũng các vỉa quặng lộ thiên của Sử thi Ðẻ đất đẻ nước , ông tách ra phần dựng cây bông trong chương "Mừng nhà Chu", để nghiên cứu cấu trúc của cây gỗ Chạng Bạng tạo tác từ bàn tay nghệ nhân Mường tài hoa dựng nên cây bông từ chín đến mười lăm tầng.

Mỗi nhà nghiên cứu trong nước và nước ngoài đều có một tâm trạng hồ hởi, say mê khi đã lạc vào "mê cung" với các vị mo sư Mường để nghe diễn xướng Ðẻ đất đẻ nước .

Trong xu thế phát triển và hội nhập hiện nay, việc chọn lọc giới thiệu các tinh hoa văn hóa của các dân tộc anh em, của đất nước Việt Nam ra thế giới đã và đang là mục tiêu rộng mở. Sử thi Ðẻ đất đẻ nước của dân tộc Mường sẽ cùng hàng trăm sử thi Tây Nguyên, với Xống Chụ Son Sao của dân tộc Thái, Khảm Hải của dân tộc Tày... có dịp mở mang trong hội nhập: tự tin và phát triển. Với xứ Thanh và Hòa Bình tầm nhìn cho Ðẻ đất đẻ nước còn ở phía trước, nên chăng việc tạo dựng vùng văn hóa du lịch Ðẻ đất đẻ nước từ đồi Lai Li Lai Láng... đặng sớm được lên ngôi.