Thời điểm đầu tháng 4, khi những chồi bí xanh vươn ngọn trong nắng sớm cũng là lúc bà con nông dân xã Tượng Sơn (Thạch Hà) ra đồng dựng giàn cho cây bí leo. Nhờ chuẩn bị sẵn các vật dụng nên chẳng mấy chốc hàng chục giàn chữ A làm bằng tre, nứa đã được các hộ dân ở thôn Sâm Lộc (Tượng Sơn) dựng lên, trông rất thẳng hàng, đẹp luống. Vừa thu dọn những thanh tre còn sót lại trên bờ ruộng, ông Dương Kim Cử, thôn Sâm Lộc cho biết, nếu không có dịch bệnh Covid-19 thì việc dựng giàn cho cây bí tại cánh đồng màu của thôn Sâm Lộc đã được hoàn tất từ hôm trước, tuy nhiên, trong bối cảnh vừa tham gia sản xuất, vừa bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng, chúng tôi đã sắp xếp, bố trí lại công việc của mỗi người nhằm bảo đảm lịch thời vụ nhưng tránh tập trung đông người. Chẳng hạn, sáng nay tôi ra đây để dựng giàn cho cây bí thì vợ tôi lại xuống đồng kế bên để chăm sóc lúa. Ở giai đoạn lúa làm đồng - trổ bông, việc phòng trừ sâu dịch hại cho cây lúa cũng vô cùng bức thiết. Ban đầu, việc đeo khẩu trang cũng gây ra những khó chịu nhất định, tuy nhiên đeo dần rồi cũng quen. Đồng ruộng mênh mông nhưng dịch dã có chừa ai đâu. Trước đây, sau mỗi giờ làm, chúng tôi thường nán lại để nghe ngóng chuyện làng trên, xóm dưới, Nhưng từ khi dịch Covid-19 bùng phát, mỗi người đều tự ý thức không tụ tập, la cà.
Theo Giám đốc HTX Hoàng Hà (Tượng Sơn) Nguyễn Viết Sơn, để ứng phó với tình hình dịch bệnh, những ngày qua, việc sản xuất của bà con đã được tổ chức một cách linh hoạt. Dựa theo lịch thời vụ, chúng tôi đã điều phối sáu tổ sản xuất luân phiên ra đồng thực hiện các công đoạn chăm sóc cây trồng, tránh việc huy động nhiều người cùng làm một việc, trên một cánh đồng nhất định. Ngoài ra, thông qua hệ thống camera giám sát, chúng tôi sẽ kịp thời phát hiện việc tụ tập đông người và yêu cầu bà con thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch bệnh trên hệ thống loa phát thanh của xã.
Được biết, xã Tượng Sơn là địa phương đầu tiên ở Hà Tĩnh lắp đặt hệ thống camera để giám sát nhật ký đồng ruộng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và bảo đảm an ninh. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tượng Sơn Bùi Văn Đức, ngoài 22 ha diện tích đất sản xuất ở ba vùng chuyên canh sản xuất rau màu hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, địa phương còn có gần 50 ha diện tích trồng màu tại 634 vườn hộ, bình quân mỗi năm cho thu hoạch gần 1.000 tấn rau, củ quả các loại. Thực tế sản xuất cho thấy, hệ thống camera giám sát không chỉ mang lại chỉ số truy xuất nguồn gốc sản phẩm bảo đảm, tạo điều kiện để các bà con nông dân tạo lập kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm ổn định bền vững mà còn giúp địa phương có thêm dữ liệu để tăng cường công tác tuyên truyền, sắp xếp, bố trí lao động hợp lý trong giai đoạn cả nước đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Nhằm ứng phó với dịch bệnh Covid-19, ngoài việc bố trí, sắp xếp mật độ, cự ly lao động hợp lý, tỉnh Hà Tĩnh cũng có những thay đổi trong quá trình chỉ đạo, hướng dẫn sản xuất nông nghiệp. Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh Ngô Trí Hà cho biết, thay vì tổ chức các cuộc tập huấn, hội thảo, phổ biến kiến thức cho người dân như mọi năm, chúng tôi đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị thay đổi cách thức truyền đạt bằng hệ thống loa phát thanh, phát tờ rơi nhằm hạn chế tụ tập đông người nhưng vẫn đạt được mục đích đề ra. “Hiện nay tình hình dịch hại trên cây lúa đang có những diễn biến phức tạp, số diện tích nhiễm bệnh đạo ôn lá, bệnh khô vằn… khá cao. Để chủ động phòng trừ dịch hại, bảo vệ an toàn sản xuất vụ Xuân 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phân công cán bộ bám sát cơ sở, phối hợp chặt chẽ với các địa phương kiểm tra tình hình sinh trưởng, tiến độ trổ bông của lúa vụ Xuân, diễn biến tình hình thời tiết để tập trung chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn phòng trừ dịch hại cây trồng vụ Xuân, đặc biệt chú trọng bệnh đạo ôn cổ bông. Ngoài việc hướng dẫn bà con thực hiện các giải pháp kỹ thuật, thuốc bảo vệ thực vật và công tác điều tra, khoanh vùng xử lý dịch hại, công tác tuyên truyền, hướng dẫn bà con tuân thủ nghiêm các quy định, giải pháp phòng chống dịch Covid-19 như thường xuyên đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn trong quá trình chăm sóc, bảo vệ cây trồng vật nuôi…” - ông Ngô Trí Hà cho biết thêm.
Thực tế sản xuất nông nghiệp ở Hà Tĩnh thời gian qua cho thấy, tạo lập chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ khép kín là xu hướng tất yếu bảo đảm cho sản xuất nông nghiệp phát triển vững. Đối mặt với những thời điểm dịch bệnh bùng phát, gây hại trên cây trồng, vật nuôi dễ dàng nhận thấy, phương thức sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, tự cung tự cấp bao giờ cũng là đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp và phải gánh chịu nhiều tổn thất nhất trước tác động của dịch bệnh. Thời gian qua, tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo, hỗ trợ các địa phương, đơn vị khảo sát, hướng dẫn, phối hợp các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn có xác nhận, tuy vậy so với tiềm năng, số lượng chuỗi sản xuất và cung ứng thực phẩm an toàn có xác nhận, gắn với truy xuất nguồn gốc trên địa bàn còn khiêm tốn. Thành ra, sức đề kháng của nền sản xuất nông nghiệp địa phương vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng. Do đó, việc tìm kiếm các giải pháp để tăng cường liên kết, phát triển bền vững chuỗi giá trị nông nghiệp có lợi thế của Hà Tĩnh đang là nhu cầu, nhiệm vụ bức thiết đối với cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương.