Đổi mới trong tuyên truyền và tập hợp hội viên
Tỉnh Bắc Ninh hiện có 168 nghìn hội viên nông dân sinh hoạt tại tám đơn vị Hội Nông dân huyện, thị xã, thành phố. Để việc học tập và làm theo Bác trở thành việc làm thường xuyên, liên tục, có tầm ảnh hưởng rộng rãi trong đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo các cấp Hội Nông dân trong tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch, đẩy mạnh công tác tuyên truyền việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thông qua các buổi sinh hoạt chi bộ, tổ hội, sinh hoạt chuyên đề, cán bộ, hội viên, nông dân được tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng cũng như cốt cách, tinh thần, phong cách bình dị của Người. Từ đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hành động của hội viên, tham gia thực hiện các phong trào thi đua yêu nước do Hội phát động; qua đó, đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, nhiều tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến.
Công tác xây dựng, củng cố tổ chức Hội Nông dân các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Hội Nông dân tỉnh quan tâm, với nhiều giải pháp đổi mới, đồng bộ. Trước hết từ công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết nông dân tham gia vào tổ chức Hội. Toàn tỉnh với 121 cơ sở, 674 chi hội và 1.429 tổ hội, công tác kết nạp hội viên mới được quan tâm cả về số lượng và chất lượng, tỷ lệ tập hợp hội viên đạt 88% so với tổng số hộ nông nghiệp toàn tỉnh. Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Trần Đăng Sâm cho biết, để thu hút, tập hợp nông dân, Hội Nông dân các cấp đẩy mạnh tuyên truyền giúp hội viên thấy rõ được ý nghĩa, quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia sinh hoạt trong tổ chức Hội Nông dân. Các cấp Hội đã chủ động phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể, hợp tác xã; tập trung phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển hợp tác xã, nhất là Luật Hợp tác xã. Đồng thời, tăng cường các hoạt động đem lại lợi ích thiết thực cho hội viên, như tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý trong việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên nông dân, tổ chức các hoạt động dịch vụ, cung ứng vật tư nông nghiệp, hỗ trợ vốn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân trong sản xuất, kinh doanh...
Với vai trò là đoàn thể chính trị - xã hội của cán bộ, hội viên và nông dân, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã tổ chức phát động và triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước; gắn việc học và làm theo Bác với thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua trong các cấp Hội. Hội Nông dân tỉnh đã đề ra chương trình thực hiện phù hợp, sát thực, trọng tâm là thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Qua đó, phong trào ngày càng phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, thu hút sự tham gia của đông đảo hội viên nông dân.
Chương trình hành động thiết thực, hiệu quả
Các chương trình hành động, phong trào thi đua của Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh thời gian qua đã hướng mạnh vào mục tiêu để nông dân vươn lên xóa đói, giảm nghèo, đổi mới tư duy, làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương mình. Các cấp Hội đi vào tuyên truyền, vận động nông dân tích cực học tập, nâng cao kiến thức hiểu biết xã hội, có khả năng và năng lực ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nhất là ứng dụng những thành quả của nông nghiệp 4.0. Qua đó, từng bước thay đổi tư duy, tác phong làm việc, cách thức quản lý; có khả năng thích ứng và bắt kịp với xu thế chung. Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã chủ động tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành chỉ thị, nghị quyết và phê duyệt các đề án... nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nông dân và quan tâm hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống...
Hội Nông dân từng địa phương vừa vận động hội viên, nông dân chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, cơ cấu ngành nghề vừa hỗ trợ về vốn và kinh nghiệm sản xuất, triển khai tổ chức nhiều hoạt động tư vấn, dịch vụ và hỗ trợ nông dân. Qua đó, đã vận động, hướng dẫn nông dân xây dựng 254 mô hình kinh tế tập thể. Tăng cường mối “liên kết bốn nhà” trong sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm nông sản cho nông dân. Hội Nông dân tỉnh phối hợp các doanh nghiệp triển khai thí điểm một số mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị như: Ớt, măng tây xanh, khoai tây Atlantic, lúa nếp Phu thê, lúa tẻ Ngọc nguyệt... và tổ chức thu mua, bao tiêu sản phẩm cho nông dân sau khi thu hoạch, tạo đầu ra ổn định cho nông sản, cung cấp thông tin về giá cả thị trường, các biện pháp phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi cho nông dân. Hội thường xuyên phối hợp các ngành chức năng tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân giúp nâng cao trình độ canh tác, tăng năng suất, chất lượng và sản lượng cây trồng, vật nuôi. Từ đó, toàn tỉnh đã xuất hiện nhiều cách làm hay, mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả kinh tế cao, đem lại thu nhập ổn định, giúp giải quyết việc làm, nâng cao đời sống của nông dân, như mô hình phát triển cây con đặc sản, cây, con giống mới, mô hình sản xuất, ứng dụng công nghệ cao bước đầu được triển khai và đem lại hiệu quả tích cực. Điển hình như hộ gia đình anh Nguyễn Văn Đẩu (phường Đồng Nguyên, thị xã Từ Sơn), Nguyễn Chí Hải (xã Vạn Ninh, huyện Gia Bình), mô hình trang trại tổng hợp của hội viên Nguyễn Xuân Thu (xã Thái Bảo, huyện Gia Bình), chăn nuôi gà của hội viên Nguyễn Văn Ái (xã Hòa Tiến, huyện Yên Phong), Nguyễn Văn Chiến (xã Đông Thọ, huyện Yên Phong), mô hình chuyển đổi trồng cây ăn quả của nông dân xã Đình Tổ (huyện Thuận Thành), xã Việt Đoàn, xã Tân Chi (huyện Tiên Du)...
Hưởng ứng phong trào thi đua “Nông dân Bắc Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới”, nông dân trong tỉnh đã đóng góp hàng chục tỷ đồng và hàng trăm nghìn ngày công lao động tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Hội Nông dân các cấp tăng cường các hoạt động truyền thông về bảo vệ môi trường, phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội... Các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao thường xuyên được đẩy mạnh. Từ các hoạt động tập thể này, đã tạo sân chơi bổ ích, mở rộng mối quan hệ đoàn kết, cổ vũ, nâng cao đời sống tinh thần cho hội viên, nông dân, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Phát huy tinh thần đoàn kết “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, giúp đỡ hội viên, nông dân nghèo ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, 5 năm qua các cấp Hội đã vận động được gần 31 tỷ đồng, đóng góp 51.312 ngày công lao động, hỗ trợ cây, con giống trị giá 16,9 tỷ đồng... giúp đỡ 4.491 hộ hội viên nông dân thoát nghèo ổn định cuộc sống.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động Hội Nông dân với triển khai, thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị trong nông dân toàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp Hội Nông dân dồn sức cho mục tiêu đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tập hợp hội viên, nông dân, nâng cao chất lượng hoạt động. Đồng thời, các cấp ủy phối hợp các cấp Hội tập trung chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng; có trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị; có ý thức chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, nông dân.
Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã và đang phát huy vai trò trung tâm kết nối giữa nông dân với doanh nghiệp, liên kết hợp tác sản xuất theo chuỗi; xây dựng và tập hợp các mô hình, hộ sản xuất kinh doanh giỏi, trang trại, gia trại, thành lập hợp tác xã để nông dân cùng nhau hỗ trợ phát triển sản xuất.