Bắc Kạn đã xây dựng kế hoạch di dân ra khỏi vùng thiên tai, có nguy cơ sạt lở đất đá cao nhưng vì không có kinh phí nên đến nay, số hộ được di dời rất ít.Thời điểm mùa mưa bão 2022 đã cận kề, hàng nghìn hộ dân lại nơm nớp nỗi lo.
Nguy cơ cao
Chỉ sau vài trận mưa lớn trong tháng 3/2022, những ngày này, người dân ở thôn Thôm Tà, xã Thuần Mang và tổ dân phố Nà Khoang, thị trấn Nà Phặc (huyện Ngân Sơn) lại lo bị sạt lở đất, đá lăn vào nhà.
Phía sau ngôi nhà của anh Đào Trung Nghĩa, thôn Thôm Tà, trên ta-luy dương đã hình thành một vết nứt lớn. Dù đã xây kè đá nhưng nguy cơ đất sạt, tràn qua kè đang hiện hữu. Anh Nghĩa cho biết, sau trận mưa lớn ngày 23/3, trên núi hình thành vết nứt rộng, kéo dài vài trăm mét phía sau nhà anh và sáu hộ dân bên cạnh. Một lượng lớn đất tràn qua kè đá, xô vào nhà, may chưa làm bục tường. Nhà anh và nhà bên cạnh đều vừa mới xây xong, nhưng đứng trước nguy cơ có thể bị vùi lấp bất cứ lúc nào.
Trưởng thôn Thôm Tà Đào Tuấn Oai cho biết, sau khi tình trạng nứt đất, có nguy cơ sạt lở xảy ra, thôn đã báo cáo lên chính quyền xã. Lãnh đạo tỉnh, huyện, xã cũng đã vào kiểm tra ngay, ngành chức năng cũng đang cho khoan địa chất để kiểm tra, tìm biện pháp giải quyết. Trước mắt, thôn tuyên truyền, vận động các hộ theo dõi sát diễn biến thời tiết, di chuyển sang ở tạm nhà người thân khi có mưa to trong lúc chờ triển khai giải pháp xử lý dứt điểm.
Trong khi đó, tại tổ dân phố Nà Khoang, thị trấn Nà Phặc, trong những ngày qua, hiện tượng đá lăn xuống các hộ dân bắt đầu xảy ra. Nguy hiểm hơn là trên núi vẫn còn những tảng đá có đường kính khoảng 1,5m có dấu hiệu sắp bị lăn xuống phía dưới. Tình trạng này đang đe dọa sự an toàn của bốn hộ dân sinh sống dưới chân núi. Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ngân Sơn Phạm Kim Hiểu cho biết, đối với điểm nguy cơ sạt lở tại thôn Thôm Tà, huyện đã chỉ đạo UBND xã Thuần Mang khẩn trương có phương án bảo đảm an toàn.
Đối với điểm nguy cơ tại tiểu khu Nà Khoang, huyện chỉ đạo thị trấn Nà Phặc vận động nhân dân, huy động lực lượng hỗ trợ làm đường băng, đào hào cản đá lăn. Đồng thời, trồng tre làm hàng rào ngăn đá tự nhiên trong mùa mưa bão. Tuy nhiên, ông Hiểu cũng cho biết, đây chỉ là các biện pháp ứng phó đối với từng điểm có nguy cơ sạt lở cụ thể. Còn hiện tại, trên địa bàn huyện Ngân Sơn có tới 14 điểm nguy cơ sạt lở khác, đe dọa tới 43 hộ dân nhưng hiện chưa có kinh phí để xử lý.
Hầu hết ở các huyện, thành phố của Bắc Kạn đều xuất hiện nhiều điểm nguy cơ sạt lở cao, rất nguy hiểm. Rất nhiều khu vực có nền địa chất chủ yếu là đá phiến sét, sét vôi... với độ dốc khoảng 70-800, mức độ phong hóa khá mạnh. Sản phẩm phong hóa chủ yếu là sét, bột bở rời nên dễ bị chảy nhão khi gặp nước. Điều đáng lo ngại nhất là nhiều điểm sạt lở khó dự báo, chỉ xuất hiện khi có mưa bão hoặc xuất hiện bất ngờ. Ngay như điểm sạt lở mới xuất hiện ở thôn Thôm Tà (Ngân Sơn) cũng chưa được đưa vào diện nguy cơ sạt lở. Trung bình mỗi năm ở Bắc Kạn xuất hiện mới khoảng 100 đến 150 hộ có nguy cơ hứng chịu sạt lở đất, đá.
Nguyên nhân dẫn tới số điểm nguy cơ sạt lở đất, đá ngày càng tăng là do tình trạng san ủi tạo mặt bằng diễn ra nhanh, trong khi công tác quản lý chuyển đổi mục đích sử dụng đất còn yếu kém. Với địa hình chủ yếu là đồi núi, khi làm nhà người dân buộc phải san ủi vào các vị trí này để tạo mặt bằng. Quá trình san ủi làm mất chân các triền đồi, núi, khi có mưa lớn, kéo dài, đất bở rời lập tức hình thành các điểm sạt lở. Hầu như năm nào ở Bắc Kạn cũng xảy ra sạt lở đất ở những vị trí dạng này.
Thiếu kinh phí
Quyền Chi cục trưởng Thủy lợi tỉnh Đới Văn Thiều cho biết, qua rà soát thực hiện Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, giai đoạn 2021-2025 thì toàn tỉnh hiện có 58 xã, phường, thị trấn có nhiều nguy cơ rủi ro cao, phải đưa vào diện ưu tiên thực hiện đề án. Bắc Kạn hiện mới dừng ở mức ứng phó khi xảy ra, chứ chưa xử lý dứt điểm được do không có kinh phí.
Trước mùa mưa bão năm 2022, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã hoàn thành việc kiểm tra, đôn đốc các địa phương sẵn sàng ứng phó. Toàn tỉnh đã thành lập 108 đội xung kích cứu hộ, cứu nạn với hơn 7.000 thành viên. “Trong tháng 4, chúng tôi sẽ tiến hành tập huấn cho các xã có nguy cơ cao xảy ra rủi ro thiên tai, để bảo đảm chuẩn bị tốt nhất các phương án ứng phó”, ông Thiều cho biết thêm.
Để bảo đảm an toàn cuộc sống cho nhân dân, tỉnh Bắc Kạn phê duyệt Dự án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch bố trí dân cư, giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2025 để triển khai 79 dự án bố trí ổn định dân cư cho 2.609 hộ dân với tổng vốn hơn 600 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến 2021, tỉnh mới chỉ bố trí được vài chục tỷ đồng xây dựng sáu dự án bố trí dân cư tập trung, năm phương án bố trí dân cư xen ghép, ổn định chỗ ở cho 244 hộ dân.
Nếu so với thực tế thì chưa thấm vào đâu vì kết quả thực hiện các dự án bố trí tập trung đạt rất thấp, mới chỉ hơn 26%. Số hộ dân chưa có chỗ ở an toàn thật sự còn rất lớn, là điều đáng lo ngại trong mùa mưa sắp tới. Để khắc phục, Bắc Kạn tập trung thực hiện hình thức hỗ trợ ổn định dân cư xen ghép. Nhưng cách này cũng không thật sự hiệu quả vì để thực hiện người dân phải có đất, Nhà nước chỉ hỗ trợ 70 triệu đồng/hộ là điều không khả thi vì phần lớn các hộ đều nghèo, thiếu đất.
Nguồn lực để xử lý các điểm sạt lở chính dành cho Bắc Kạn là từ Chương trình bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020 theo Quyết định 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, hiện chương trình này đã kết thúc và chưa có chính sách mới thay thế. Do đó, tỉnh cũng không có nguồn lực để triển khai Dự án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch bố trí dân cư, giai đoạn 2015-2020.
Không có kinh phí, rủi ro dồn lên vai người dân sống trong vùng nguy cơ, ngành chức năng cũng sốt ruột nhưng “lực bất tòng tâm”. Năm 2021, Bắc Kạn ban hành kế hoạch thực hiện bố trí dân cư xen ghép giai đoạn 2021-2022 cho 143 hộ dân cần di dời ngay với số kinh phí hơn 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, đã hết quý I năm 2022 tỉnh vẫn chưa cân đối được nguồn nào để bố trí thực hiện kế hoạch.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Kim Oanh cho biết, để xử lý cơ bản các điểm nguy cơ sạt lở, trung bình mỗi năm phải cần khoảng 50 tỷ đồng trở lên, đây là nguồn vốn quá lớn. Ngoài ra, do đặc thù địa lý nhiều đồi núi, để tìm đất cho dự án bố trí dân cư xen ghép cũng là điều rất khó khăn. Người dân đến nơi ở mới thiếu đất rừng, đất sản xuất do vậy thường không muốn di dời.
Chưa kể, mức hỗ trợ di chuyển chỉ được khoảng 70 triệu đồng/hộ là rất thấp, khiến người dân khó khăn khi tới nơi ở mới. Để khắc phục hạn chế về nguồn lực, Bắc Kạn tập trung ưu tiên xử lý những điểm nguy cơ cao, cấp bách; yêu cầu các địa phương cắm biển cảnh báo, quan trắc thường xuyên, khuyến cáo nhân dân và chuẩn bị tốt phương án bốn tại chỗ.
Từ 2009 đến nay, hầu như năm nào ở Bắc Kạn cũng xảy ra sạt lở đất, đá làm chết người. Nguy cơ này ngày càng tăng lên khi tình trạng san ủi đất đồi để làm nhà tăng theo mật độ dân cư. Về lâu dài nếu không có giải pháp bố trí kinh phí xử lý dứt điểm các điểm có nguy cơ sạt lở, tăng cường quản lý tốt việc san ủi, chuyển đổi đất rừng, thì người dân vẫn phải tiếp tục gánh chịu rủi ro từ tình trạng sạt lở đất, đá.