Những kết quả bước đầu
Cuộc vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục" được Bộ Giáo dục và Ðào tạo chính thức phát động vào ngày 31-7-2006 tại Hội nghị toàn quốc của ngành giáo dục. Ðây có thể coi như một giải pháp đột phá nhằm chấn chỉnh nền nếp, kỷ cương trong ngành giáo dục. Từ khâu đột phá này, sẽ tạo nên những bước phát triển mới như một quá trình tự nhiên tất yếu, phá vỡ các vòng tiêu cực luẩn quẩn đang tồn tại hiện nay, đưa giáo dục nước ta phát triển lành mạnh, bền vững và từng bước hội nhập quốc tế.
Kết quả nổi bật mà cuộc vận động đem lại là tạo nên sự chuyển biến trong nhận thức của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh ở các cơ sở giáo dục. Sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Ðào tạo về việc tổ chức lễ ký cam kết cùng với việc trao đổi ý kiến, thảo luận ở ba đối tượng: cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh đã được các trường nghiêm túc thực hiện. Cuộc vận động đã thật sự trở thành đợt sinh hoạt chính trị tạo nên sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động.
Nhiều biện pháp nhằm góp phần chống tiêu cực trong thi cử được các trường học triển khai ngay từ đầu năm học như thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chương trình nội dung giảng dạy; kiểm tra việc thực hiện quy chế đánh giá cho điểm; kiểm tra việc thực hiện quy định về đổi mới phương pháp dạy học; phát động phong trào đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới thi cử và kiểm tra; cải tiến công tác quản lý đào tạo, áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý đào tạo... Việc chống tiêu cực trong thi cử được gắn với việc chống bệnh thành tích đã tạo nên các cuộc trao đổi ý kiến, bàn bạc về việc dạy thật, học thật. Nhiều trường có kế hoạch phụ đạo cho học sinh yếu kém để chuẩn bị cho một mùa thi thật sự nghiêm túc tại các kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào đại học, cao đẳng năm 2007.
Theo báo cáo của một số sở giáo dục và đào tạo, việc đánh giá chất lượng học sinh đã nghiêm túc, đúng thực chất trình độ học sinh hơn những năm trước như các sở giáo dục và đào tạo: Hải Phòng, Hà Giang, Nghệ An, Nam Ðịnh, Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc, Bình Ðịnh. Ðặc biệt ngành giáo dục và đào tạo Bình Ðịnh nhìn thẳng vào sự thật, đưa ra những con số đáng suy nghĩ: Ở bậc tiểu học có 5.940 học sinh ngồi nhầm lớp, chiếm tỷ lệ 5,32%; ở THCS có 7.851 học sinh ngồi nhầm lớp, chiếm tỷ lệ 7,48% và ở THPT (hệ bán công tư thục) có 2.992 học sinh ngồi nhầm lớp, chiếm 26,84%.
Vướng mắc trong quá trình triển khai
Cuộc vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục" tuy đạt được một số kết quả bước đầu như đã nêu nhưng cũng còn bộc lộ một số vướng mắc. Tâm lý chạy theo thành tích, báo cáo không đúng thực chất đã thành căn bệnh kéo dài; vì vậy, sự chuyển biến nhận thức ở nhiều đối tượng có khác nhau. Cuộc vận động "Hai không" phải thực hiện kiên trì trong nhiều năm mới có kết quả bền vững. Một số cơ sở giáo dục và đào tạo còn lúng túng trong việc đề ra các biện pháp cụ thể, chưa gắn với tình hình thực tế ở cơ sở, do vậy việc thực hiện cuộc vận động chưa có chiều sâu. Một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên còn yếu kém về năng lực sư phạm, thậm chí có một số chưa chú trọng đề cao đạo đức nghề nghiệp, dẫn đến vi phạm về chuẩn mực đạo đức nhà giáo, làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục, cản trở đến kết quả của cuộc vận động. Ðiều kiện cơ sở vật chất của nhà trường ở nhiều nơi, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn nghèo nàn, thiếu thốn (thiếu phòng học, phòng ở giáo viên; thiếu sách báo tham khảo...), ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động dạy học, chất lượng giáo dục toàn diện.
Trong nhiều năm qua, do tác động của bệnh thành tích cho nên việc đánh giá chất lượng học chưa đúng thực chất, có tác động đến thói quen, nếp nghĩ của nhiều giáo viên, học sinh, gia đình học sinh, thậm chí của cả các cấp lãnh đạo. Vì vậy, việc tiên liệu về tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT sẽ thấp đi, đòi hỏi phải có giải pháp chuẩn bị kịp thời cho tình huống nhiều học sinh sẽ trượt tốt nghiệp hơn so với năm học 2006. Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động thi cử, hoạt động thực hiện quy chế chuyên môn chưa được các cơ sở giáo dục và đào tạo quan tâm đúng mức, việc xử lý các hiện tượng tiêu cực chưa có tác dụng răn đe những đối tượng vi phạm các quy định trong đánh giá, thi cử. Công tác thi đua đòi hỏi phải có sự cải tiến về tiêu chí đánh giá nhằm có chuẩn đánh giá thi đua phù hợp tinh thần của cuộc vận động.
Giải pháp mới
Ðể cuộc vận động đạt được kết quả bền vững làm cơ sở cho công cuộc đổi mới giáo dục Việt Nam trong giai đoạn từ nay đến năm 2010, cần tiếp tục tập trung vào một số giải pháp sau. Rà soát, đôn đốc tất cả các cơ sở trường học để 100% số cơ sở giáo dục và đào tạo có kế hoạch cụ thể chi tiết thực hiện cuộc vận động. Tổ chức đợt sinh hoạt chính trị đầu học kỳ cho giáo viên, học sinh và tổ chức trao đổi trong phụ huynh bàn biện pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện cuộc vận động.
Trước mắt, cần chuẩn bị thật tốt các biện pháp để tổ chức các kỳ thi trong năm 2007 (cả thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ÐH, CÐ) là mùa thi thật sự nghiêm túc. Ðặc biệt chú trọng các biện pháp giúp đỡ học sinh yếu kém có kiến thức và tâm thế tham dự kỳ thi một cách trung thực. Tiếp tục cải tiến thi cử, đổi mới cách đánh giá nhằm phát huy tinh thần ham học hỏi, tính chủ động sáng tạo của học sinh, sinh viên bảo đảm thi cử nghiêm túc, khách quan.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý kiên quyết triệt để các hiện tượng tiêu cực trong thi cử. Tiếp nhận các thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng, xử lý kịp thời các vụ việc tiêu cực được phản ánh.
Xây dựng tiêu chí thi đua sát hợp với cơ sở, cải tiến cách đánh giá thi đua năm học 2006-2007, thí điểm việc bình xét thi đua theo từng vùng, tạo điều kiện để cho các địa phương tự suy tôn đơn vị dẫn đầu và học tập kinh nghiệm của nhau.
Chỉ đạo các trường học, các cấp sở, phòng, giáo dục - đào tạo đánh giá rút kinh nghiệm việc triển khai thực hiện cuộc vận động, chuẩn bị tốt cho Hội nghị tổng kết một năm thực hiện cuộc vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục".
TRẦN BÁ GIAO
Phó Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Ðào tạo