Nơi đây, tòa soạn Báo Nhân Dân

Những người làm Báo Nhân Dân từ sau ngày giải phóng Thủ đô, tháng 10/1954, ít nhiều đều có những kỷ niệm đối với “mái nhà chung” 71 phố Hàng Trống, Hà Nội. Riêng tôi, qua hai giai đoạn công tác ở báo, đến, đi, rồi trở lại, tổng cộng gần tròn ba mươi năm. Từ lâu, tôi đeo đuổi một ý nguyện muốn biết rõ “lý lịch” ngôi nhà mà mình được vinh dự đến đây làm việc sau khi từ miền nam tập kết ra bắc.

Trụ sở Báo Nhân Dân. Ảnh: MẠNH HÀO
Trụ sở Báo Nhân Dân. Ảnh: MẠNH HÀO

Sách “Hà Nội nửa đầu thế kỷ 20” của Nguyễn Văn Uẩn (Nhà xuất bản Hà Nội, 1995) cho biết: Bờ phía tây Hồ Gươm về cuối thời Tự Ðức (nửa sau thế kỷ 19) là đất của mấy thôn cũ: Bảo Khánh, Tự Tháp, Nam Hương, Vũ Thạch, Phúc Tố. Khi thực dân Pháp làm con đường quanh hồ, dân các làng phải dời đi nơi khác, những di tích cũ đã bị xóa gần hết. Trong số di tích đó có khu trường học Hồ Ðình của ông nghè Vũ Tông Phan (1804 - 1862). Ðây là một trường nổi tiếng của Thăng Long.

Thầy mất, học trò để tang ba năm như bố mẹ, làm nhà thờ chỗ đền Hồ Ðình để thờ. Hồ Ðình chính là nơi có trụ sở Báo Nhân Dân ngày nay.

Chiếm đất Hồ Ðình, chính quyền thực dân xây ở đây mấy tòa nhà lớn trong đó có trụ sở Ngân hàng Ðông Dương, nhà Ngân hàng Ðông Dương dọn đi thì Nha Tài chính Ðông Dương đến đóng, sau nữa là Tổng cục Bưu điện rồi Tổng cục Bưu điện cũng dọn đi.

 Nhân dân Hà Nội quen gọi khu dinh thự này là dinh phó toàn quyền vì ngôi biệt thự hai tầng nằm sát bờ hồ là chỗ ở riêng của viên bí thư phủ toàn quyền, một chức vụ khi cần thiết thì được cử làm toàn quyền để chờ bổ người thay - mà chức toàn quyền thì cứ vài ba năm thay một lần. Viên phó toàn quyền cuối cùng ở tại 71 Hàng Trống trước năm 1945 là Gô-chi-ê. Do đó mãi về sau nhiều người còn gọi ngôi nhà này là biệt thự Gô-chi-ê.

Trước ngày 9/3/1945, có hai vợ chồng viên tướng Pháp chỉ huy quân đội Pháp đến ở đây và đã bị quân Nhật làm đảo chính đến bắt bỏ tù. Cho đến những tuần lễ đầu sau Cách mạng Tháng Tám 1945, ngôi nhà này vẫn do quân Nhật quản lý. Trong tháng 9/1945, Nhật đã dành cho nhóm tình báo chiến lược OSS của Mỹ do thiếu tá L.A.Pát-ty cầm đầu đến ở. Pát-ty là người đã gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Côn Minh trước Cách mạng Tháng Tám, và những ngày mới đến Hà Nội, đã được Bác Hồ mời nghe bản dự thảo Tuyên ngôn độc lập do Bác viết ở 48 Hàng Ngang, Hà Nội trước khi công bố. Pát-ty là tác giả sách “Tại sao Việt Nam” nổi tiếng, xuất bản ở Mỹ năm 1980, nêu lên những sai lầm của Mỹ tiến hành chiến tranh xâm lược chống Việt Nam và phải chịu thất bại thảm hại.

Khi quân Pháp được phép đóng một số quân ở miền bắc vĩ tuyến 17 trở ra, theo Hiệp định 6/3/1946, viên tướng chỉ huy quân Pháp Mooc-li-e đã đến đóng ở đây. Ðêm 19/12/1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, các chiến sĩ tự vệ ta đã tập kích vào 71 Hàng Trống để diệt tướng giặc. Rất tiếc, khi quân ta vượt qua được cổng sắt thì súng máy bị tắc. Nhân cơ hội đó, Mooc-li-e chạy trốn. Tự vệ ném lựu đạn theo, đến quả thứ năm mới nổ. Xe đã chạy xa, tuy vậy một sĩ quan cấp cao Pháp ngồi trên xe đã bị thương.

Khi trung tướng Cô-nhi được cử làm chỉ huy quân Pháp ở miền bắc Ðông Dương, ông ta đã đến ở đây và được canh phòng rất cẩn mật, có lính gác suốt ngày đêm. Người dân đi qua trước nhà 71 Hàng Trống không được đi sát cổng chính mà phải sang bên kia đường. Ðến ngày ta tiếp quản Thủ đô, bên trong cổng chính còn có bốt gác. Cũng chính nơi đây, Cô-nhi đã điện cho Ðờ Cát ở Ðiện Biên Phủ ‘tùy nghi di tản”.

Thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, trước khi quân Pháp rút khỏi Thủ đô, một phái đoàn của Chính phủ ta do đồng chí Trần Danh Tuyên dẫn đầu đã vào Hà Nội họp với phái đoàn Pháp để bàn bạc cụ thể việc phía Pháp giao lại Hà Nội cho ta tiếp quản. Cuộc họp để ký biên bản bàn giao nói trên đã diễn ra trong ngôi nhà 71 Hàng Trống.

Ngày 14/10/1954, Tòa soạn Báo Nhân Dân từ Sơn Tây dời về Hà Nội, tạm thời đóng ở Bệnh viện Ðồn Thủy (phần của Bệnh viện Hữu Nghị hiện nay). Sau đó khoảng mười ngày thì dời về 71 Hàng Trống. Số báo Nhân Dân hằng ngày đầu tiên là số 241, ngày 20/10/1954. Bắt đầu từ số 246, ngày thứ ba 26/10, trên măng-sét có ghi rõ: “Tòa báo 71, Hàng Trống, Hà Nội”.

Từ khi dời về 71 Hàng Trống, cho đến nay, cơ quan đã vinh dự được Bác Hồ đến thăm mùa xuân năm 1957, và đã đón tiếp các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước đến thăm và làm việc.

Ngoài những sự kiện lịch sử nói trên, ngôi nhà 71 Hàng Trống được nhiều người chú ý là cây đa. Ðây là cây đa lâu năm đứng giữa Thủ đô bên cạnh hồ Hoàn Kiếm, rất hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước.

Có lần, một đoàn khách quốc tế rất quan trọng đi thăm phố phường Hà Nội, có công an dẫn đường, bỗng nhiên rẽ ngoặt vào sân Báo Nhân Dân. Hóa ra là đoàn khách Liên Xô thấy cây đa đẹp, rẽ vào xem một lát rồi đi ngay.

Trước mặt, bên phải, bên trái 71 Hàng Trống có những công trình được nhiều người biết đến như Nhà thờ Lớn, chùa Bà Ðá, đền Hàng Trống, tượng vua Lê Thái Tổ, bia kỷ niệm Nguyễn Du, Nhà khai trí Tiến Ðức sau là Câu lạc bộ Thống Nhất, Tòa soạn báo AJS (Amis de la JeunesseStudieuse - báo Bạn của tuổi trẻ hiếu học ở số 10 cũ đường Bảo Khánh)... có di tích đang còn, có cái đã mất. Nếu có dịp tìm hiểu kỹ sẽ biết rõ thì rất bổ ích.