Nơi đào tạo công cụ hỗ trợ đặc biệt

Trong những năm gần đây, những chú chó nghiệp vụ tinh anh, dũng cảm đã cùng các cán bộ, chiến sĩ công an lập nên những chiến công xuất sắc trong các chuyên án ma túy, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, trấn áp tội phạm hay trong công tác phối hợp bảo đảm an ninh, an toàn các nguyên thủ quốc gia, đoàn khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam. Để có thể cho “ra lò” những “chiến binh” quả cảm, đội quân cảnh khuyển đã được chăm sóc, rèn luyện, đào tạo bài bản tại ngôi trường đặc biệt: Trung tâm Huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ (Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an).
0:00 / 0:00
0:00
Các chú chó cùng huấn luyện viên luyện tập không kể nắng mưa trên thao trường.
Các chú chó cùng huấn luyện viên luyện tập không kể nắng mưa trên thao trường.

Chúng tôi tới thao trường Trung tâm Huấn luyện đóng quân trên địa bàn xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội vào một ngày cuối tháng 9 khá oi ả. Hàng chục chú chó đạt tiêu chuẩn huấn luyện đang cùng các cán bộ, chiến sĩ hăng say luyện tập từ 6 giờ 30 phút sáng, dù đã trải qua gần bốn tiếng luyện tâp, qua nhiều động tác, bài tập trườn, bò, vượt chướng ngại vật, tấn công tội phạm, cứu hộ, cứu nạn nhưng tất cả vẫn luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu khi nghe hiệu lệnh của huấn luyện viên.

Giờ giải lao, chứng kiến tình cảm gắn bó, thân thiết giữa huấn luyện viên và cảnh khuyển, chúng tôi cảm nhận sâu sắc về sự kết nối đặc biệt này. Trung úy Lã Ngọc Long, Đội sử dụng chó nghiệp vụ, đã có 6 năm gắn bó với “đồng đội”, kiêm “học trò” tên Alex của mình, cho biết: Mỗi chú chó sẽ gắn bó với một quãng thời gian công tác của cán bộ, chiến sĩ từ 5-7 năm.

Bất kỳ một nhiệm vụ hay một chiến công đạt được, tới 50% là do có sự đóng góp đắc lực từ chú chó của mình. Câu dặn dò của vị chỉ huy đầu tiên trong những ngày chân ướt chân ráo nhận nhiệm vụ tôi sẽ ghi nhớ đến hết cuộc đời binh nghiệp của mình: Các chú chó dành cả cuộc đời chỉ để gắn bó, xông pha “chiến đấu” cùng mình.

Vì vậy hãy dành tình cảm chân thành, hãy đối xử và tôn trọng như một người chiến sĩ! Chính vì lẽ đó, không hề ngạc nhiên khi thời gian dành cho “học trò” của cán bộ, chiến sĩ nơi đây còn nhiều hơn thời gian ở nhà với gia đình, vợ con...

Thượng tá Hoàng Đức Thân, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: Chúng tôi luôn xác định rõ, động vật nghiệp vụ là công cụ hỗ trợ quan trọng, cần thiết, tăng cường và bổ sung lực lượng chiến đấu cho công an, đơn vị, địa phương. Công tác huấn luyện, sử dụng động vật nghiệp vụ là nhiệm vụ chính trị quan trọng, do vậy trên thao trường, bất kể nắng mưa, các huấn luyện viên và những “học trò” của mình luôn sát cánh bên nhau trong tất cả các bài tập, để cho “ra lò” những chú chó thiện chiến nhất.

Hiện, Trung tâm huấn luyện đào tạo 5 giống chó chính: Berger, Malinois, Labrado, Rottweiler, Cocker với 5 chuyên khoa: bảo vệ và truy tìm dấu vết mùi hơi người; phát hiện ma túy; phát hiện thuốc nổ; tìm kiếm cứu nạn: Giám biệt mùi hơi người.

Các giống chó được chọn đào tạo, huấn luyện đều có đặc tính ưu việt như tai thính, mắt tinh, mũi nhạy, hàm răng sắc nhọn, sức khỏe dẻo dai. Tất cả đều được tuyển chọn kỹ lưỡng, sắp xếp phù hợp từng nhiệm vụ. Để công tác huấn luyện, sử dụng động vật nghiệp vụ ngày càng hiệu quả, năm 2019, Ban Giám đốc Trung tâm đã tiến hành cải tạo, nâng cấp sân tập; bổ sung mô hình tập cứu nạn, hệ thống cầu tập, mô hình tập tìm kiếm, cứu nạn.

Bên cạnh đó, nhà giám biệt mùi hơi được bổ sung đầy đủ phương tiện, các nhà tập tình huống đa năng có hệ thống hầm dưới đất, hệ thống băng chuyền, bể bơi... để huấn luyện cảnh khuyển với các nội dung ngày càng đa dạng, phong phú, trên cả phương diện bảo vệ, phòng ngừa, tấn công trấn áp tội phạm và hỗ trợ công tác điều tra, truy xét tội phạm…

Thời gian qua, công tác sử dụng chó nghiệp vụ giám biệt mùi hơi người đã mang lại hiệu quả cao trong điều tra làm rõ nhiều vụ án. Nhiều vụ trọng án phức tạp, thông qua sử dụng chó nghiệp vụ giúp cho cơ quan điều tra nhanh chóng phá án. Bên cạnh đó, công tác sử dụng chó nghiệp vụ phát hiện các chất ma túy, thuốc nổ đạt nhiều kết quả tốt.

Chính vì lẽ đó, những chú cảnh khuyển đã có mặt ở hầu hết các điểm nóng như: Tham gia phối hợp Công an tỉnh Bắc Kạn truy tìm, giám biệt mùi hơi đối tượng Nguyễn Đình Oong nghi phạm vụ án giết người bỏ trốn tại xã Thanh Vận, huyện Chợ Mới (An Giang); tham gia truy bắt đối tượng Lê Quốc Tuấn phạm tội giết người, cướp tài sản, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng tại xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh; truy tìm đối tượng phạm tội bỏ trốn tại địa bàn xã Sơn Tình, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ...

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, đơn vị đã thành lập kíp chiến đấu gồm 38 cán bộ, sử dụng 22 chó nghiệp vụ trực tiếp tham gia bảo đảm an ninh trật tự tại một số địa bàn điểm nóng về an ninh trật tự; góp phần hỗ trợ các lực lượng nghiệp vụ nhanh chóng ổn định tình hình.

Để có thể cung cấp những chú chó đủ tiêu chuẩn nghiệp vụ là nhờ làm tốt ngay từ công tác nghiên cứu khoa học, công tác chăn nuôi, thú y. Thượng tá Tạ Minh Đàn, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: Những năm gần đây, Trung tâm không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động nghiệp vụ. Công tác tuyển chọn, huấn luyện chó nghiệp vụ được đặc biệt chú trọng. Từ việc chọn nguồn, nuôi dưỡng, sinh sản, lai tạo giống, bảo tồn nguồn gien, bồi dưỡng năng lực chó hậu bị, khảo sát, tuyển chọn đủ tiêu chuẩn đưa chó vào huấn luyện được quan tâm thỏa đáng.

Mỗi chú chó, chỉ sau 20 ngày chào đời, đã được thống kê để “nhập” vào tài sản của đơn vị. Công tác sàng lọc theo từng giai đoạn của mỗi chú chó được tiến hành thường xuyên, liên tục, bảo đảm đến khi 11 tháng tuổi đủ điều kiện, để đưa vào huấn luyện.

Các chú chó sau khi được tuyển chọn huấn luyện sẽ được một cán bộ, chiến sĩ nhận huấn luyện theo từng bài tập, chuyên khoa, thời gian đào tạo là 6 tháng. Kết thúc thời hạn, chú nào đủ điều kiện được thi tốt nghiệp, trở thành cảnh khuyển, nếu không sẽ phải huấn tuyện tăng cường hay bị thải loại, thay thế.

Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng sử dụng động vật nghiệp vụ, đồng thời tăng cường phát triển lực lượng tại các đơn vị nghiệp vụ, nhất là các khu vực trọng điểm, phức tạp về tình hình an ninh-trật tự, trại giam để tăng tính bảo vệ, răn đe, giữ vững vai trò, biện pháp nghiệp vụ ngành; tiến hành mở rộng đối tượng đào tạo một số lĩnh vực chuyên ngành, như: Trấn áp tội phạm, tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ điều tra...