Nỗ lực tìm kiếm những cá thể sao la cuối cùng tại Việt Nam

NDO - Liên minh Châu Âu, tổ chức Re:wild và WWF-Việt Nam sẽ tăng cường các nỗ lực nhằm tìm kiếm và cứu sao la - một trong những loài thú quý hiếm nhất thế giới, thuộc họ trâu bò và ước tính chỉ còn vài cá thể - khỏi bờ vực tuyệt chủng.
0:00 / 0:00
0:00
Sao la. Ảnh: Toon Fey, WWF.
Sao la. Ảnh: Toon Fey, WWF.

Sao la hiện đang là trọng tâm của những nỗ lực bảo tồn của Quỹ Phản ứng nhanh vì Hệ Sinh thái, Loài và các Cộng đồng đang trong tình trạng khẩn cấp (Rapid RESCUE). Quỹ được Liên minh châu Âu (EU), nam diễn viên Leonardo DiCaprio và tổ chức Re:wild thành lập năm 2020 với mục tiêu thực hiện những hành động khẩn cấp nhằm giải quyết những mối đe dọa đối với đa dạng sinh học đang ngày càng nhiều.

Quỹ sẽ hỗ trợ Re:wild và WWF-Việt Nam trong việc tìm kiếm những cá thể sao la cuối cùng còn tồn tại ở Việt Nam, để từ đó thực hiện chương trình nhân giống bảo tồn loài này.

Trong hai năm qua, những nỗ lực tìm kiếm sao la đã phải dừng lại hoàn toàn do tác động của đại dịch Covid-19. Do đó, việc tìm kiếm và thực hiện các biện pháp bảo tồn loài này đang là một nhiệm vụ cấp thiết.

Ông Andrew Tilker, cán bộ phụ trách về các loài châu Á của Re:wild, cho biết: “Chúng ta đang có một cơ hội tuyệt vời để tìm kiếm và cứu sống những cá thể sao la cuối cùng của Việt Nam”.

“Trong quá trình tìm kiếm sao la, chúng tôi cũng sẽ tìm kiếm một số loài đặc hữu và nguy cấp khác của dãy Trung Trường Sơn. Dự án cũng sẽ làm việc với các cơ quan chức năng tại địa phương để thực hiện chương trình nhân giống bảo tồn cho một số loài nguy cấp, với mục đích một ngày nào đó có thể tái thả chúng về tự nhiên khi đủ an toàn”, ông nói thêm.

Sao la, được các nhà khoa học phát hiện lần đầu tiên vào năm 1992, là loài hiếm đến mức chưa có nhà sinh học nào từng tận mắt nhìn thấy chúng ngoài tự nhiên. Chính sự quý hiếm này đã khiến sao la có biệt danh là “Kỳ lân” châu Á. Giống như các loài khác của dãy Trường Sơn, một dãy núi hiểm trở dọc biên giới Việt Nam và Lào, sao la là nạn nhân của nạn săn bắt bằng các loại bẫy dây bất hợp pháp. Mặc dù các loại bẫy này không nhắm vào sao la, nhưng chúng giết hại hầu như tất cả các loài thú sống trên mặt đất bao gồm sao la.

Ông Giorgio Aliberti, Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam, cho biết: “Bảo vệ hệ sinh thái là chìa khóa để giúp các loài hoang dã sinh sôi, phát triển. Tất cả chúng ta đều phụ thuộc vào đa dạng sinh học bởi nó đóng vai trò tối quan trọng trong đảm bảo hệ thống thực phẩm toàn cầu và đặc biệt là an ninh lương thực. Liên minh châu Âu tự hào đóng góp vào những nỗ lực bảo tồn để cứu những loài như sao la khỏi tuyệt chủng, phù hợp với chiến lược đa dạng sinh học của EU”.

Nỗ lực tìm kiếm những cá thể sao la cuối cùng tại Việt Nam ảnh 1

Bức ảnh chụp gần đây nhất của sao la là vào năm 2013 tại miền Trung Việt Nam do một máy bẫy ảnh của WWF ghi lại.

Kể từ khi phát hiện ra sao la, các nhà sinh học mới chỉ chụp được ảnh loài động vật này năm lần bằng máy bẫy ảnh ngoài thiên nhiên - hai lần ở Lào và ba lần ở Việt Nam. Bức ảnh chụp gần đây nhất của sao la là vào năm 2013 tại miền Trung Việt Nam do một máy bẫy ảnh của WWF ghi lại.

Tại Đại hội thể thao Đông Nam Á năm nay, diễn ra tại Việt Nam từ ngày 12/5 đến ngày 23/5, sao la đã được chọn làm linh vật chính thức của sự kiện.

Ông Nguyễn Văn Trí Tín, Quản lý Chương trình Bảo tồn các Loài hoang dã WWF-Việt Nam, phát biểu: “Với nguồn tài trợ từ Liên minh châu Âu thông qua Re:wild và dự án Bảo tồn Đa dạng Sinh học của USAID, WWF-Việt Nam sẽ tập trung các nỗ lực để tìm kiếm những cá thể sao la cuối cùng. Dự án sẽ tận dụng các kiến thức sinh thái địa phương kết hợp với công nghệ hiện đại như kỹ thuật phân tích gen trong môi trường (eDNA) và đặt các bẫy ảnh chuyên dụng”.

Ông cho biết thêm: “Chúng tôi mong rằng những nỗ lực tìm kiếm và các chương trình nhân giống bảo tồn sẽ có thể phục hồi quần thể loài Sao la ở Trung Trường Sơn, điều này cũng sẽ giúp gìn giữ và bảo tồn một phần di sản thiên nhiên quan trọng của Việt Nam”.

Những nỗ lực này là một phần của một tầm nhìn rộng hơn: thiết lập trung tâm nhân giống bảo tồn đầu tiên không chỉ cho sao la, mà còn cho các loài đặc hữu quý hiếm khác của dãy Trường Sơn như mang lớn, thỏ vằn Trường Sơn và trĩ sao.

Re:wild và WWF-Việt Nam hiện đang hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và nhiều nhóm chuyên gia về loài của IUCN SSC để biến mục tiêu này thành hiện thực.