Nỗ lực ngăn chặn nhập lậu đường cát qua biên giới

Thời gian gần đây, tình trạng nhập lậu đường cát qua biên giới đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Đường lậu sau khi “tuồn” qua vùng biên vào trong nước được bày bán công khai, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp đường trong nước.

Lực lượng chống buôn lậu tỉnh Long An bắt giữ xe chở đường cát nhập lậu qua biên giới. Ảnh: THÚY PHƯỢNG
Lực lượng chống buôn lậu tỉnh Long An bắt giữ xe chở đường cát nhập lậu qua biên giới. Ảnh: THÚY PHƯỢNG

Hiện nay, vận chuyển đường lậu, kinh doanh đường không rõ nguồn gốc xuất xứ có những diễn biến phức tạp. Ở nhiều địa phương, đường lậu hoạt động công khai, gia tăng hơn. Đường cát nhập lậu sau khi tập kết dọc các tỉnh biên giới Lào và Cam-pu-chia sẽ được vận chuyển bằng ô-tô thẳng về các điểm tiêu thụ là kho của doanh nghiệp, thương nhân trong nước. Trong quá trình vận chuyển và buôn bán, hàng được để luôn bao bì, nhãn mác của nước ngoài để tiêu thụ.

Nếu như trước đây, đường nhập lậu chủ yếu qua biên giới tỉnh An Giang thì nay đã mở rộng ra nhiều địa phương khác. Đồng thời, phương thức, thủ đoạn nhập lậu cũng được các đối tượng thay đổi thường xuyên và ngày càng tinh vi hơn. Ngoài vận chuyển bằng xe tải nhỏ, các đối tượng còn “tuồn” đường cát nhập lậu qua xe khách, ô-tô gia đình hay xe máy để đưa vào trong nước tiêu thụ. Các đối tượng còn dùng thủ đoạn để hợp thức hóa lượng đường nhập lậu, sau đó công khai bán ngoài thị trường.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam Phạm Quốc Doanh, những năm gần đây tình trạng đường nhập lậu, gian lận thương mại và hàng giả không giảm đi mà đang có chiều hướng gia tăng, thậm chí bày bán công khai. Qua thống kê, bình quân mỗi năm đường nhập lậu, gian lận thương mại và hàng giả xâm nhập vào nước ta khoảng 500 nghìn tấn gây thiệt hại không nhỏ đến các doanh nghiệp sản xuất đường trong nước.

Nhằm ngăn chặn tình trạng này, trong tháng 6-2018, Hiệp hội Mía đường Việt Nam phối hợp Cục Quản lý thị trường và Tổ công tác đặc biệt 334 của Bộ Công thương khảo sát ở các địa phương: TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Kiên Giang, Hậu Giang, Long An, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị về tình hình buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại trong lĩnh vực đường cát.

Ngày 14-6, trong khi đi khảo sát tại tỉnh Quảng Nam, tổ công tác đã phát hiện một xe tải biển kiểm soát tỉnh Quảng Trị đang bốc dỡ 25 tấn đường nguyên bao nhãn mác Thái-lan của Công ty TNHH nông sản Hải Vinh. Tổ công tác đã thông tin cho Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Nam đến lập biên bản tại chỗ thu giữ hàng hóa, phương tiện, đồng thời kiểm tra kho hàng của công ty, phát hiện thêm 76 tấn đường nguyên bao nhãn mác Thái-lan. Trong khi đó, công ty chỉ xuất trình được hóa đơn xuất bán 25 tấn đường của một hộ kinh doanh cá thể ở tỉnh Quảng Trị cho công ty.

Cũng qua khảo sát tại một số điểm ở TP Đà Nẵng, Tổ công tác phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh đang bán công khai đường nguyên bao Thái-lan. Tổ công tác đã báo cáo Chi cục Quản lý thị trường TP Đà Nẵng kiểm tra một cơ sở kinh doanh, phát hiện tại kho có 59 tấn đường bao bì Thái-lan. Còn tại TP Hồ Chí Minh sau khi được Tổ công tác cung cấp thông tin, Chi cục Quản lý thị trường thành phố đã đồng loạt kiểm tra 10 điểm, kết quả lập biên bản hơn 100 tấn đường không rõ nguồn gốc...

Để ngăn chặn tình trạng đường nhập lậu ngày càng gia tăng, bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đường trong nước cũng như người tiêu dùng, lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát khu vực giáp biên giới; các tuyến đường từ biên giới vào trong nước, trên cả tuyến đường bộ và đường sông; chú trọng địa bàn giáp ranh, điểm tập kết, điểm buôn bán, các cơ sở đóng gói, kinh doanh mặt hàng đường nhằm phát hiện, ngăn chặn đường nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhất là khu vực biên giới cửa khẩu Lao Bảo, khu vực biên giới tây nam (giáp ranh giữa các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Tây Ninh, Long An với các tỉnh biên giới Cam-pu-chia). Từ đó, ngăn chặn kịp thời việc buôn bán, vận chuyển đường nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ về Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tiêu thụ.

Đồng thời đẩy mạnh kiểm tra, giám sát các kho chứa đường, các cơ sở đóng gói đường tại khu vực biên giới; kiểm tra hồ sơ nhập khẩu, hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp, việc thực hiện các quy định về ghi nhãn hàng hóa. Kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển các loại bao bì cũ của các nhà máy đường trong nước lên khu vực biên giới nhằm tránh việc sang bao hợp thức hóa đường nhập lậu, không rõ nguồn gốc; kịp thời phát hiện, ngăn chặn các trường hợp quay vòng hóa đơn, sử dụng hóa đơn từ đường mua trong nước, đường nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan, đường bán đấu giá từ đường nhập lậu bắt được trước đó để hợp thức cho việc vận chuyển đường nhập lậu, không rõ nguồn gốc vào trong nước tiêu thụ.

Kết hợp công tác kiểm tra với tuyên truyền các quy định của pháp luật, chế tài xử phạt các hành vi liên quan đến vận chuyển, kinh doanh, buôn bán đường nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Cùng với đó, các địa phương, doanh nghiệp cần đầu tư dây chuyền thiết bị hiện đại, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng để hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của mặt hàng đường trong nước. Như vậy, mới mong tình trạng đường nhập lậu không còn “cửa” để xâm nhập vào nước ta.