Nỗ lực ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lây lan

NDO -

NDĐT- Để ngăn chặn, khống chế dịch tả lợn châu Phi, tỉnh Lào Cai đã lập 30 chốt dã chiến, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn từ nơi khác vào địa bàn và trong nội tỉnh, huyện, xã.

Lập chốt trên các tuyến giao thông để kiểm soát việc vận chuyển lợn. (Ảnh: QUỐC HỒNG)
Lập chốt trên các tuyến giao thông để kiểm soát việc vận chuyển lợn. (Ảnh: QUỐC HỒNG)

Các chốt dã chiến bao gồm chốt cố định có barie chặn đường và chốt lưu động, có công an, kiểm dịch động vật, dân quân địa phương hoạt động 24/24 giờ, chốt chặn tại các trục đường giao thông ở chín huyện, thành phố. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Lào Cai đã huy động các lều bạt dã chiến của lực lượng chức năng để lập chốt kiểm dịch trên các xã, huyện vùng có dịch.

Tính đến nay, sau gần 20 ngày kể từ khi phát hiện ổ dịch đầu tiên tại xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, dịch tả lợn châu Phi đã lây lan rất nhanh sang 140 hộ, ở 43 thôn, tổ của 18 xã, phường thuộc sáu huyện, thành phố của tỉnh Lào Cai. Hậu quả, dịch đã làm 1.233 con lợn bị ốm chết cùng với đàn bị tiêu hủy, với tổng trọng lượng 71 tấn.

Nguyên nhân gây ra dịch là do ba hộ dân ở xã Bản Lầu, huyện Mường Khương mua lợn giống “chui” từ tỉnh ngoài mang về chăn nuôi nhưng không có kiểm dịch thú y.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Lào Cai, dịch lây lan nhanh, khó kiểm soát còn do người chăn nuôi mua bán, vận chuyển, sử dụng thức ăn thừa từ các nhà hàng, mua cám từ hộ bị dịch về sử dụng, làm lây lan, phát tán dịch bệnh ra diện rộng.

Để ngăn chặn, khống chế dịch tả châu Phi, bên cạnh việc lập chốt kiểm soát, tỉnh Lào Cai đã sử dụng hơn 11 nghìn lít hóa chất, 611 tấn vôi bột để khử trùng, tiêu độc chuồng trại chăn nuôi và môi trường chung quanh.

Được biết, toàn tỉnh Lào Cai có hơn 500 nghìn con lợn, trong đó huyện Bảo Thắng, Bảo Yên, Mường Khương, Văn Bàn là vùng trọng điểm nuôi lợn nhưng đều đã có dịch, hiện tỉnh Lào Cai chỉ còn ba huyện chưa có dịch nhưng đang phải “vật lộn” để ngăn chặn dịch xâm nhập vào địa bàn.

* Hiện nay, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xảy ra tại 2.045 hộ thuộc 613 thôn, 213 xã, 26 huyện, thành phố trong tỉnh Thanh Hóa, có sáu xã ở TP Thanh Hóa và các huyện Thiệu Hóa, Đông Sơn, Yên Định tái phát DTLCP.

Tại huyện Quảng Xương, trong vòng một tháng qua, DTLCP đã xảy ra tại 371 hộ thuộc 96 thôn của 27 xã, buộc phải tiêu hủy 3.406 con lợn, tổng trọng lượng 230.122,7 kg. Trên địa bàn huyện Thiệu Hóa, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 212 hộ chăn nuôi ở 71 thôn, 22 xã. Toàn huyện đã thành lập 13 chốt kiểm soát ra, vào các xã có dịch, một tổ kiểm tra lưu động liên ngành; huy động tại chỗ 54 tấn vôi, 700 lít hóa chất, 25 bình phun cộng với 3.248 lít hóa chất, hai tấn vôi bột, trang thiết bị được tỉnh cấp phục vụ phòng, chống dịch.

Nỗ lực ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lây lan ảnh 1

Chốt kiểm dịch Dốc Xây ở thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh: MAI LUẬN)

Dù vậy, DTLCP vẫn tái phát ở các xã Thiệu Phúc, Thiệu Vũ. Ở TP Thanh Hóa, DTLCP không chỉ tái phát ở xã Đông Lĩnh mà đến thời điểm này dịch bệnh đã xảy ra trên 342 con lợn của 55 hộ chăn nuôi ở 37 thôn, 13 xã. Tại các huyện trọng điểm chăn nuôi như Hậu Lộc, Thọ Xuân, Hoằng Hóa, nơi nông hộ, nhất là các chủ trang trại luôn có ý thức chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh cho đàn gia súc, DTLCP vẫn xâm nhập, dần lây lan. Thêm nữa, dịch bệnh này đã xâm nhập, lây lan ở 11 huyện miền núi vùng thượng du Thanh Hóa. Trong bối cảnh chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị, virus DTLCP lại có sức đề kháng cao, mầm bệnh lây lan qua nhiều hình thức, nhất là hoạt động của con người, phương tiện vận chuyển, hiện trạng giết mổ, buôn bán lợn, sản phẩm của lợn đang rất khó kiểm soát, tình hình dịch và vùng phân bố DTLCP tiếp tục diễn biến phức tạp ở Thanh Hóa.

Cơ quan chức năng nhận định, với hiện trạng chăn nuôi lợn nhỏ, lẻ, phân tán trong nông hộ, DTLCP còn diễn biến rất phức tạp, lây lan với tốc độ rất nhanh, trên diện rộng, khó kiểm soát và có thể gây thiệt hại lớn về kinh tế. Tính từ thời điểm phát sinh ổ dịch đến nay, nông hộ và lực lượng phòng, chống dịch ở Thanh Hóa đã tiêu hủy 18.767 con lợn, tổng trọng lượng gần 1.223 tấn.

Ngoài bảy trạm, chốt kiểm dịch động vật ở các đầu mối giao thông huyết mạch liên thông với tỉnh bạn, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn có 438 chốt kiểm soát của 27 huyện, thị xã, thành phố, ba chốt kiểm soát tại các cửa khẩu: Tén Tằn, Khẹo, Na Mèo và 32 tổ kiểm soát lưu động thực hiện việc tuần tra, kiểm tra các hoạt động vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào địa bàn huyện, tỉnh. Dù vậy, vẫn có phương tiện chở lợn vượt trạm kiểm dịch theo tuyến đường mòn khu vực núi Cánh Chim thuộc phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn; có trạm kiểm soát không rải vôi bột, chỉ phun, tẩm hóa chất vào rơm rạ rải trên tiết diện nhỏ vắt ngang lòng đường.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo lực lượng chống buôn lậu, gian lận thương mại các cấp thường xuyên tuần tra, kiểm soát, đấu tranh, xử lý nghiêm hoạt động vận chuyển trái phép lợn, sản phẩm lợn. Đặc biệt chú trọng đến các đối tượng vận chuyển lợn, sản phẩm lợn trái phép bằng các hình thức rất tinh vi như: vận chuyển lợn, sản phẩm lợn bằng xe có thùng đông lạnh, container, xe tải không chuyên dụng phủ kín bạt...

* DTLCP hiện chưa xuất hiện trên địa bàn tỉnh Bến Tre nhưng nguy cơ lây lan, bùng phát rất lớn do nhiều tỉnh lân cận đã phát dịch. Chính quyền địa phương và người dân đang khẩn trương thực hiện nhiều giải pháp cấp bách nhằm phòng tránh và xây dựng các biện pháp ứng phó nếu DTLCP xuất hiện.

Tỉnh Bến Tre là địa phương có tổng đàn lợn lớn nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long với hơn 536 nghìn con, tập trung nhiều nhất ở ba huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc và Giồng Trôm. Hiện tại, bệnh DTLCP đã xuất hiện tại 45 tỉnh, thành trong cả nước với diễn biến phức tạp, lây lan nhanh và chưa có dấu hiệu dừng lại. Đặc biệt dịch xảy ra tại bảy tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Trên địa bàn tỉnh Bến Tre chưa xuất hiện DTLCP nhưng địa phương có nhiều xe từ các tỉnh lân cận vào mua lợn nên nguy cơ cao mầm bệnh qua các phương tiện vận chuyển này. Trước tình hình DTLCP diễn biến phức tạp, tỉnh Bến Tre đang tập trung triển khai thực hiện nhiều giải pháp cấp bách nhằm phòng ngừa và ứng phó.

Nỗ lực ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lây lan ảnh 2

Người dân chủ động phòng, chống DTLCP.

UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo Phòng, chống DTLCP và chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai ngay các giải pháp cấp bách để ứng phó. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre Nguyễn Văn Buội cho biết: Hiện nay, tỉnh đang tập trung các phương án phòng, chống bệnh DTLCP như: kiểm soát chặt chẽ tám chốt kiểm soát tạm thời dịch bệnh động vật tại các cửa ngõ ra vào tỉnh hoạt động 24/24 giờ và phun xịt khử trùng các phương tiện chở động vật trên cạn, kiểm tra hồ sơ giấy tờ...

Hiện tại, tỉnh chủ trương tạm ngưng không cho nhập lợn từ vùng dịch về nuôi. Trường hợp lợn được phép nhập về giết mổ thì phải từ cơ sở nuôi an toàn dịch bệnh, được xét nghiệm âm tính với bệnh DTLCP. Các địa phương đã xây dựng kịch bản ứng phó. Khi xuất hiện DTLCP sẽ tổ chức xử lý ổ dịch đúng theo quy định như: xử lý kịp thời, triệt để ngay khi phát hiện ổ dịch đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Triển khai ngay các giải pháp để khống chế, giảm thiểu tố đa nguy cơ virus nhân lên và phát tán rộng nhằm mục đích khống chế, kiểm soát nhanh dịch bệnh, không để dịch lây lan trên diện rộng. Đồng thời vận động người chăn nuôi thực hiện năm không: không giấu dịch, không vận chuyển lợn mắc bệnh; không giết; không vứt xác ra môi trường và không sử dụng thức ăn dư thừa trong chăn nuôi lợn…

* Để phòng, chống dịch DTLCP, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã tập trung đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng nghiêm ngặt quy trình thực hành chăn nuôi an toàn sinh học; vệ sinh khử trùng tiêu độc cổng ra vào chuồng trại, người, phương tiện dụng cụ vật tư; kiểm soát và xử lý thức ăn, nước uống cho lợn bảo đảm nguyên tắc “cho ăn chín uống sôi”; thành lập 111 chốt kiểm dịch động vật tạm thời cấp xã để kiểm soát việc vận chuyển lợn, sản phẩm lợn ra vào vùng dịch…

Nỗ lực ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lây lan ảnh 3

Gia đình anh Nguyễn Kim Mạnh, thôn Trà 1, phường Hội Hợp, TP Vĩnh Yên nhận tiền hỗ trợ tiêu hủy lợn bị bệnh dịch tả châu Phi. (Ảnh: ĐỨC TÙNG)

Tuy nhiên, công tác phòng, chống DTLCP trên địa bàn tỉnh còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Nguyên nhân là do chưa có thuốc điều trị và vaccine phòng bệnh; sau 30 ngày một số địa phương công bố hết dịch thì dịch lại tiếp tục phát sinh. Trong khi đó, số hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ rất lớn, 84,74% tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi lợn; nhiều hộ vẫn chủ quan lơ là không áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Việc giết mổ lợn trên địa bàn chủ yếu là các hộ giết mổ kinh doanh nhỏ lẻ, tự giết mổ xen lẫn trong khu dân cư, do đó khó khăn trong việc kiểm soát và ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Nhiều trang trại chăn nuôi quy mô lớn, nằm trong vùng dịch có lợn thịt đến tuổi xuất chuồng không tiêu thụ được, khiến các hộ chăn nuôi gặp nhiều khó khăn nuôi giữ đàn và phòng, chống dịch bệnh.

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, DTLCP đã xảy ra tại 1.461 hộ/333 thôn thuộc chín huyện thành phố. Tổng số lợn bị bệnh chết và tiêu hủy là 17.676 con, tổng trọng lượng tiêu hủy là 1.252 tấn, bình quân 71 kg/con. Huyện Yên Lạc hiện đang là địa phương có số lượng lợn tiêu hủy nhiều nhất với 6.488 con, chiếm 36,71% tổng số lợn tiêu hủy trên địa bàn.

Nhằm hỗ trợ người chăn nuôi tháo gỡ khó khăn tiếp tục ổn định cuộc sống, ngày 28-5, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ra quyết định số 1319/QĐ-UBND hỗ trợ kinh phí cho 27 chủ nuôi có lợn bị tiêu hủy do mắc bệnh DTLCP (đợt 1) cho các hộ dân ở ba huyện, TP Vĩnh Yên, Tam Đảo và Bình Xuyên với tổng mức hỗ trợ gần 1,5 tỷ đồng. Cùng với đó, thành lập tổ công tác kiểm tra các xã, phường, thị trấn trong việc bố trí địa điểm, diện tích tiêu hủy lợn bị bệnh DTLCP; chấn chỉnh không để người dân vứt xác lợn chết ra ao, hồ, kênh, mương làm ô nhiễm môi trường…

* Ngày 30-5, UBND huyện Trảng Bom (Đồng Nai) cho biết, đã hoàn tất chi trả số tiền hỗ trợ 1,2 tỷ đồng cho hai hộ dân có lợn bị tiêu hủy do dương tính với DTLCP.

Theo đó, hộ ông Nguyễn Xuân Khá, ở xã Bình Minh có 417 con lợn bị tiêu hủy được hỗ trợ 700 triệu đồng và hộ ông Nguyễn Văn Đằng, xã Đồi 61 có 246 con lợn bị tiêu hủy được hỗ trợ 500 triệu đồng.

Nỗ lực ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lây lan ảnh 4

Lực lượng chức năng tỉnh Đồng Nai phun xịt hóa chất xe chở lợn để phòng chống dịch tả lợn châu Phi. (Ảnh: THIÊN VƯƠNG)

Trước đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành quyết định mức hỗ trợ tạm thời cho các hộ có lợn bị nhiễm DTLCP, với năm mức cụ thể: lợn con theo mẹ 300.000 đồng/con; lợn cai sữa dưới hai tháng tuổi 500.000 đồng/con; lợn thịt từ 2-4 tháng tuổi 2 triệu đồng/con; lợn thịt, giống hậu bị trên bốn tháng tuổi 3 triệu đồng/con; lợn nái, lợn đực giống đang khai thác 4,5 triệu đồng/con.

Cùng ngày, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai cho biết, trên địa bàn vừa có thêm bốn xã, thị trấn xuất hiện ổ DTLCP là: xã Thiện Tân và thị trấn Vĩnh An thuộc huyện Vĩnh Cửu; xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom và xã Long Đức, huyện Long Thành. Sau khi phát hiện các ổ dịch mới, chính quyền các địa phương và ngành chức năng đã nhanh chóng tiêu hủy số lợn trên theo quy định. Đồng thời, tổ chức phun xịt hóa chất khử trùng và tuyên truyền hướng dẫn người dân phòng, chống dịch để tránh việc lây lan.

Như vậy, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang có 11 xã, thị trấn phát hiện DTLCP chưa qua 30 ngày. Để tránh lây lan mầm bệnh, đã có gần 4.000 con lợn bị tiêu hủy tại các địa bàn xuất hiện dịch. UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã phát động “Tháng tổng vệ sinh phòng, chống DTLCP”.

*Xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên ở Đác Lắc

Chiều 30-5, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đác Lắc Thủy Lệ Vũ cho biết: Trên địa bàn tỉnh vừa xuất hiện một ổ dịch tả lợn châu Phi tại thôn 11, xã Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột.

Ngày 28-5, đàn lợn của gia đình ông Lê Văn Bán ở thôn 11, xã Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột có dấu hiệu bỏ ăn, nôn, ói. Nhận được thông báo của hộ gia đình ông Bán, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp với Trạm thú y thành phố Buôn Ma Thuột đã cử cán bộ xuống gia đình ông Bán lấy năm mẫu bệnh phẩm lợn bị ốm gửi đến Chi Cục thú y vùng V và VI để kiểm nghiệm.

Nỗ lực ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lây lan ảnh 5

Lực lượng thú y tỉnh Đác Lắc và thành phố Buôn Ma Thuột tiến hành đưa đàn lợn bị dịch đi tiêu hủy.

Sáng 30-5, Chi cục thú y vùng V và VI thông báo kết quả kiểm nghiệm các mẫu bệnh phẩm lợn của gia đình ông Bán dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi.

Ngay trong chiều 30-5, đoàn công tác của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đác Lắc phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của thành phố Buôn Ma Thuột và UBND xã Hòa Phú đã xuống địa phương tiến hành tiêu hủy đàn lợn 33 con của gia đình ông Lê Văn Bán, trong đó có bốn con đã chết, với trọng lượng trên 2.640 kg.

Để ngăn chặn và dập dịch tả lợn châu Phi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đác Lắc đã xuất cấp cho xã Hòa Phú 36 lít hóa chất, một tấn vôi bột thực hiện các biện pháp phun tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi của gia đình ông Lê Văn Bán, đồng thời cắt cử cán bộ tăng cường kiểm tra việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ lợn trên địa bàn xã Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột; triển khai các giải pháp quyết liệt khoanh vùng, ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lây lan ra diện rộng.

Như vậy, sau Gia Lai và Đác Nông, tỉnh Đác Lắc là địa phương thứ ba ở Tây Nguyên và tỉnh thứ 45 trong cả nước xuất hiện dịch tả lợn châu Phi.