Nỗ lực kích cầu tín dụng

Mặc dù khả năng tăng trưởng quý I/2024 có chậm lại, nhưng theo nhìn nhận của các chuyên gia kinh tế, Việt Nam vẫn giữ đà phục hồi. Mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm cũng sẽ là một trong những nhân tố kích thích nhu cầu vay vốn trong thời gian tới.
0:00 / 0:00
0:00
Khách hàng giao dịch tại LPBank. (Ảnh PHONG ANH)
Khách hàng giao dịch tại LPBank. (Ảnh PHONG ANH)

Không chỉ giảm lãi suất chung, các ngân hàng thương mại còn triển khai thực hiện nhiều gói ưu đãi riêng cho từng nhóm doanh nghiệp. Tuy vậy, để nguồn vốn tín dụng có thể được "bơm" mạnh hơn, bên cạnh sự nỗ lực từ hệ thống ngân hàng còn cần thêm các chính sách, giải pháp đồng bộ từ các cơ quan, bộ, ngành để tăng sức cầu của nền kinh tế.

Lãi suất vẫn giữ xu thế giảm

Ngày 22/3, ngân hàng cuối cùng trong nhóm Big 4 là VietinBank công bố điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm thêm từ 0,1-0,2% tại một số kỳ hạn. Cụ thể, VietinBank điều chỉnh giảm 0,2% lãi suất tại kỳ hạn 3 tháng từ 2,2%/năm xuống 2%/năm và kỳ hạn 6 tháng từ 3,2%/năm xuống 3%/năm. Đối với kỳ hạn dài hơn, VietinBank cũng hạ 0,1% lãi suất, đưa mức lãi tiền gửi kỳ hạn 12 tháng từ 4,8%/năm xuống 4,7%/năm và kỳ hạn từ 12 đến 24 tháng từ 4,8% xuống 4,7%.

Tại kỳ hạn 24 tháng trở lên, VietinBank điều chỉnh giảm 0,2%, từ mức 5%/năm xuống mức 4,8%/năm; đồng thời, giữ nguyên mức lãi suất 1,7%/năm đối với kỳ hạn dưới 3 tháng. Như vậy, đến thời điểm này, cả bốn ngân hàng VietinBank, BIDV, Agribank và Vietcombank đều giảm lãi suất huy động xuống dưới 5%/năm - mức thấp nhất trong hàng chục năm trở lại đây.

Trước đó, kể từ đầu tháng 3/2024, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần cũng đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động như PGBank, BVBank, BaoViet Bank, GPBank, ACB, VPBank, PVCombank, Dong A Bank, MB, Techcombank, NCB, KienLong Bank, SCB, Saigonbank,…

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến nay, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức 3,3%/năm, giảm 0,2%/năm so với cuối năm 2023; lãi suất cho vay bình quân của các khoản vay mới ở mức 6,4%/năm, giảm 0,7%/năm so với cuối năm 2023 nhưng lãi suất đối với các khoản dư nợ hiện còn cao.

Cùng với động thái giảm lãi suất huy động của các ngân hàng, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng tại kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm khoảng 85-95% giá trị giao dịch) cũng đã giảm về còn 0,13% trong phiên 22/3 - mức thấp nhất kể từ cuối tháng 1/2024 và trở lại vùng thấp lịch sử, ngang giai đoạn quý III/2023 và nửa cuối năm 2020.

Lãi suất các kỳ hạn chủ chốt khác cũng giảm mạnh so với mức ghi nhận trước đó một tuần: Kỳ hạn 2 tuần giảm từ 1,21% xuống 1,19%; kỳ hạn 1 tháng giảm từ 1,67% xuống 1,61%, riêng kỳ hạn một tuần tăng từ 0,47% lên 0,49%.

Hàng loạt gói vay ưu đãi

Mặc dù lãi suất huy động giảm nhiều, song lượng tiền gửi tại hệ thống ngân hàng vẫn ở mức cao kỷ lục. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hiện có khoảng 13,8 triệu tỷ đồng tiền gửi trong hệ thống ngân hàng. Vì thế, trong bối cảnh tín dụng tăng chậm, cùng với việc giảm lãi suất, các ngân hàng thương mại cũng không ngừng tung ra nhiều gói vay ưu đãi để tìm kiếm khách hàng tốt.

Quyền Tổng Giám đốc ABBANK Phạm Duy Hiếu cho biết, năm 2023, cộng đồng doanh nghiệp đã trải qua nhiều phép thử trong bối cảnh chịu những thách thức từ sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như những tác động của nền kinh tế Việt Nam hậu Covid-19. Để nhanh chóng hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai kế hoạch kinh doanh, ngay từ cuối năm 2023 và đầu năm 2024, ABBANK đã triển khai nhiều chương trình ưu đãi về tín dụng cũng như các gói phí nhằm chia sẻ và giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng về chi phí vốn, chủ động trong việc quản lý dòng tiền.

"Khi sản phẩm tài chính của các ngân hàng đã phát triển ở mức gần như tương đồng thì sự am hiểu sâu sắc của ngân hàng về ngành nghề và đặc thù hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp chính là sự khác biệt để doanh nghiệp lựa chọn gắn bó. Do vậy, ABBANK chọn cách thức tiếp cận theo chiều sâu thay vì chỉ hướng đến mở rộng quy mô tiếp cận các doanh nghiệp", ông Phạm Duy Hiếu cho biết.

Cũng trên quan điểm sát cánh cùng doanh nghiệp, LPBank lại lựa chọn phương thức chia sẻ bằng cách dành nguồn vốn tài trợ lớn cho nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ thông qua chương trình "Cho vay siêu tốc - Bứt tốc kinh doanh" ngay trong tháng 3/2024. Gói tài trợ mà LPBank tung ra đáp ứng đa dạng nhu cầu tín dụng cho doanh nghiệp để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt, khách hàng có cơ hội giải ngân khoản vay lên đến 7 tỷ đồng, với mức lãi suất cho vay hấp dẫn chỉ từ 6,5%/năm, linh hoạt thời gian vay vốn lên đến 12 tháng đối với các khoản vay bổ sung vốn lưu động và lên đến 84 tháng đối với các khoản vay đầu tư tài sản cố định, vay mua xe ô-tô.

Điểm nổi bật ở gói tài trợ này là LPBank xây dựng và chuẩn hóa bộ điều kiện cấp tín dụng đặc thù cho doanh nghiệp siêu nhỏ dưới dạng "đục lỗ" với quy trình và thủ tục tinh gọn, giải ngân nhanh chóng, đáp ứng nhanh, kịp thời các nhu cầu của doanh nghiệp.

Như vậy có thể thấy, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đang gặp khó, các ngân hàng cũng nỗ lực tìm mọi cách để tìm kiếm khách hàng tốt, từ việc giảm lãi suất, đến ưu đãi về phí, thủ tục cho vay,… Tuy nhiên, như đánh giá của Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng, năm 2024, dư địa cho vay nhiều, nhưng quan trọng là ngân hàng kiếm được khách hàng tốt cho vay, nhất là trong bối cảnh thị trường khó khăn, sức cầu yếu và nợ xấu gia tăng. Do đó, nếu chỉ có sự nỗ lực của riêng ngành ngân hàng là chưa đủ, mà cần có sự chung tay của các bộ, ngành và địa phương trong việc tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp cũng như cho các tổ chức tín dụng.

Đồng quan điểm, Tổng Giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh nhận định, nhu cầu và khả năng tăng trưởng tín dụng thời gian tới là rất lớn. Ngân hàng cũng là doanh nghiệp, đi huy động vốn để cho vay. Chính vì vậy, bản thân các ngân hàng rất muốn cho vay, nhưng điều kiện để vay thì cần tính toán, sao cho an toàn và hiệu quả. Với doanh nghiệp, câu chuyện hiện tại là phải kích thích sản xuất, tạo đầu ra cho sản phẩm. Từ thực tế nêu trên, ngân hàng đề nghị chính sách tài khóa cần vào cuộc hỗ trợ doanh nghiệp chứ không chỉ trông chờ vào chính sách tiền tệ. Việc thiết kế các gói hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần rút kinh nghiệm từ những chương trình trước. Mặt khác, các ngân hàng cũng cần cơ chế hỗ trợ vấn đề xử lý nợ để có thể giảm chi phí và về dài hạn, cần có bộ luật về xử lý nợ xấu.