Nỗ lực hoàn thành nguồn tài nguyên số của quốc gia

Ðến thời điểm hiện tại, "chiến dịch" cấp căn cước công dân (CCCD) gắn chíp điện tử của Công an TP Hà Nội đã bước vào thời điểm quyết định. Với tinh thần "vừa chạy, vừa xếp hàng", đến nay lực lượng Công an thành phố đã hoàn thành 90% chỉ tiêu Bộ Công an giao. Ðể có được kết quả như nêu trên, hàng ngày, hàng giờ, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) Công an Thủ đô đã luôn nỗ lực, khắc phục mọi khó khăn, quyết tâm hoàn thành đúng mục tiêu, tiến độ đã đề ra.

Lãnh đạo Công an TP Hà Nội kiểm tra, động viên cán bộ, chiến sĩ tại điểm cấp căn cước công dân trên địa bàn xã Ðông Phương Yên, huyện Chương Mỹ.
Lãnh đạo Công an TP Hà Nội kiểm tra, động viên cán bộ, chiến sĩ tại điểm cấp căn cước công dân trên địa bàn xã Ðông Phương Yên, huyện Chương Mỹ.

Vừa chống dịch, vừa triển khai cấp CCCD

Trong việc xây dựng hai dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGVDC) và sản xuất, cấp, quản lý CCCD gắn chíp điện tử, Hà Nội là một trong 10 địa bàn trọng điểm được Bộ trưởng Công an giao nhiệm vụ tập trung mọi nguồn lực để triển khai đúng tiến độ. Xác định Thủ đô Hà Nội có vai trò đặc biệt quan trọng, Ðảng ủy, Ban Giám đốc Công an TP Hà Nội coi việc hoàn thiện dự án CCCD hoàn thành đúng tiến độ vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm trong lộ trình thực hiện dự án CSDLQGVDC, tài nguyên số quý giá, là nền tảng để xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới nền kinh tế số; đồng thời là căn cứ quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, đề xuất lộ trình đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Trong quá trình triển khai công việc cụ thể để cấp CCCD cho người dân, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo lực lượng Công an cấp cơ sở thay đổi đối tượng điều tra cơ bản, phân loại rõ đối tượng để bố trí thời gian cấp lưu động cho phù hợp đặc điểm, tình hình, phong tục, tập quán của từng địa bàn dân cư. Cách thức thực hiện khoa học, hiệu quả, không để người dân phải chờ đợi lâu, vừa bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19, vừa bảo đảm hiệu suất tối đa của thiết bị. Theo đó, các đơn vị đã chủ động xây dựng các dây chuyền làm CCCD gắn chíp. Mỗi dây chuyền ít nhất có ba đến bốn máy tính, máy in, hệ thống máy ảnh, đèn chụp... lịch làm việc của CB,CS được thực hiện khoa học, bố trí lực lượng chia làm ba ca để phục vụ việc cấp thẻ cho người dân, vừa bảo đảm sức khỏe, vừa bảo đảm năng suất…Tùy đặc điểm một số vùng dân cư, công an các đơn vị sẽ bố trí thời gian phù hợp để cấp thẻ cho người dân. Như tại các khu vực có khu công nghiệp, công nhân làm việc theo ca, lực lượng công an sẽ cấp thẻ đến hai giờ sáng. Còn ở các cụm dân cư, cảnh sát khu vực thông báo đến người dân lịch cấp thẻ theo giờ để người dân đến làm thẻ không phải chờ đợi lâu… Bên cạnh đó, các đơn vị thành lập các tổ công tác thực hiện đúng quy trình cấp CCCD theo các bước: Làm sạch dữ liệu, đón tiếp, tiếp nhận hồ sơ, nhận dạng, nhập dữ liệu, chụp ảnh, lăn tay, đối chiếu thông tin, ghi biên lai…Thực hiện vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vừa làm vừa đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; chủ động phát hiện những tổ công tác, các cá nhân có cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả để phổ biến, nhân rộng các đơn vị trong toàn thành phố.

Khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ

Ðến thời điểm hiện tại, khi chiến dịch cấp CCCD đang đi vào giai đoạn cuối, đại dịch Covid-19 lại bùng phát lần thứ tư trên địa bàn thành phố, với những diễn biến phức tạp, khó lường, gây khó khăn không nhỏ đối với công việc và sức khỏe của CB,CS. Nhiều tổ cấp CCCD lưu động đã tiếp xúc công dân F0, F1, phải đi cách ly tập trung, hoặc tự cách ly tại nhà theo yêu cầu của công tác phòng, chống dịch. Thiếu tá Nguyễn Thành Lâm, Phó trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TP Hà Nội cho biết: "Phải trực tiếp bắt tay vào việc mới thấy hết được những khó khăn vất vả trong quá trình triển khai dự án. Hàng chục sự cố phát sinh từ thiết bị, kỹ thuật như: máy báo lỗi không lưu được vân tay; máy nhận dữ liệu chậm, người dân phải đợi lâu rất bức xúc; rồi sự cố mất điện, mưa to, gió lớn… Ðó là chưa kể đến việc nhiều người dân, do quá trình lao động hoặc bị bệnh ngoài da cho nên đường vân bị mờ, mòn, bị thiếu ngón, do bẩm sinh hoặc tai nạn,… đều rất khó khăn cho quá trình thu nhận dữ liệu và phải rất kiên trì để xử lý". Tuy nhiên, khó khăn, vướng mắc không cản được quyết tâm của các CB,CS thực thi nhiệm vụ. Vướng ở đâu, gỡ ở đó, càng làm càng có thêm sáng kiến, kinh nghiệm, giúp các khâu cấp CCCD phối hợp khoa học, hiệu quả, tận dụng từng giây của máy lăn vân tay, tranh thủ thời gian cho người dân.

Ðại tá Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, về công tác cấp CCCD gắn chíp đối với số nhân khẩu tạm trú, tính đến ngày 26/5, toàn thành phố thu nhận được 4.280.291 hồ
sơ CCCD gắn chíp, trong đó có 4.132.900 nhân khẩu đang cư trú tại nơi đăng ký thường trú và 147.391 trường hợp nhân khẩu tạm trú trên địa bàn. Công an thành phố đang tập trung thu nhận hồ sơ đối với 651.741 trường hợp nhân khẩu thường trú trên địa bàn chưa được thu nhận. Công an thành phố được Bộ Công an đổ dữ liệu công dân toàn thành phố vào tám máy tính, đối với tám máy tính này Công an TP Hà Nội đã chủ động xây dựng kế hoạch, lên lịch cấp CCCD cho số nhân khẩu thường trú tại quận, huyện, thị xã trong thành phố bảo đảm khoa học, đạt hiệu suất cao nhất. Kết quả đã thu nhận hồ sơ được 115.789 trường hợp. Ðối với số nhân khẩu tỉnh ngoài tạm trú trên địa bàn thành phố đã thu nhận hồ sơ được 31.602 trường hợp. Do tình hình dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến rất phức tạp nên có bốn đơn vị cấp huyện gồm: Ðông Anh, Gia Lâm, Thường Tín, Hoàng Mai phải tạm dừng công tác tiếp nhận hồ sơ và cấp CCCD lưu động, do đó tỷ lệ thu nhận hồ sơ cũng không cao như những ngày đầu chiến dịch; đồng thời việc truy cập vào phần mềm dữ liệu dân cư quốc gia cũng gặp khó khăn do đường truyền và bị khống chế số lượng truy cập.

Ðể bảo đảm tiến độ đề ra, Ðại tá Nguyễn Hồng Ky kiến nghị Bộ Công an, nghiên cứu giải pháp bảo đảm khả năng truy cập hệ thống dữ liệu dân cư quốc gia, bảo đảm tính ổn định truy cập hệ thống; công an các địa phương tiếp tục rà soát, kiểm tra và thu thập phiếu DC01, gửi phiếu xác minh HK03 đối với số công dân Hà Nội tạm trú trên địa bàn để Công an TP Hà Nội kịp thời cập nhật, bổ sung, chỉnh sửa thông tin công dân "đúng, đủ, sống, sạch" theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Công an.