Tại hội nghị công bố và triển khai kế hoạch quan trọng này, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Ðức Tiến nhấn mạnh: Thời gian qua, với những nỗ lực rất lớn của các địa phương, các bộ, ban, ngành dưới sự chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, qua ba lần thanh tra, phía Ủy ban châu Âu (EC) khẳng định Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực trong chống khai thác IUU như cải thiện cơ sở vật chất, tăng cường quản lý, giám sát đội tàu, xử lý vi phạm hành chính, truy xuất nguồn gốc…
Tuy nhiên, những bất cập vẫn tương đối lớn và chưa đạt đủ những yêu cầu để có thể gỡ được thẻ vàng IUU, thậm chí có thời điểm cận kề nguy cơ bị thẻ đỏ. Theo đó, bốn nội dung quan trọng mà phía EC đã nêu trong quá trình thanh tra là khung pháp lý, quản lý và giám sát đội tàu, truy xuất nguồn gốc. Cụ thể, về khung pháp lý, Việt Nam đã có Luật Thủy sản năm 2017 hiệu lực thi hành từ năm 2019 và một loạt các nghị định, thông tư… đều có sự tham vấn từ phía châu Âu và nhận được phản hồi với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật như vậy, Việt Nam đã đủ điều kiện để thực thi pháp luật, hướng đến việc tháo gỡ thẻ vàng. Tiếp theo vấn đề quản lý và giám sát đội tàu là bài toán rất lớn cần phải giải quyết.
Mặc dù chúng ta đã lắp thiết bị giám sát hành trình được 95% số tàu cá nhưng số tàu còn lại chính là những đối tượng nguy cơ cao vi phạm và vẫn còn tình trạng tàu vi phạm vùng biển nước ngoài. Nhiều tỉnh khi được thông tin về trường hợp tàu cá của địa phương vi phạm chỉ lập biên bản, không xử lý hành chính theo Nghị định số 42/2019/NÐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản nên việc thực thi pháp luật chưa bảo đảm đồng đều, chưa hiệu lực, hiệu quả. Về truy xuất nguồn gốc hải sản, quản lý sản phẩm nhập khẩu, sản phẩm đánh bắt trên biển, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao cho Cục Thú y và Cục Kiểm ngư rà soát, xem xét lại.
Rõ ràng, vẫn còn những khó khăn nhất định trong việc triển khai thực hiện kế hoạch gỡ thẻ vàng, nhất là tại các địa phương ven biển. Chẳng hạn như tại Kiên Giang, với 200km đường biển, 100 cửa sông, các chủ tàu thường ở bên cửa sông, tàu đậu luôn ở cửa sông mà không vào các cảng cá chỉ định. Do đó, với quy định tất cả tàu ra vào đều phải được giám sát là hết sức khó khăn. Mặt khác, kế hoạch có 12 mục yêu cầu đạt 100%, như kiểm soát tàu ra-vào đạt 100%; kiểm soát thiết bị hành trình thường xuyên 100%, các tàu cập vào cảng chỉ định đạt 100%; tàu vi phạm phải có quyết định xử lý hành chính và các biện pháp xử lý tăng thêm đạt 100%;... là nhiệm vụ rất khó khăn. Thí dụ tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài báo về, sẽ lập tức giao lực lượng biên phòng xử lý và họ phải thu thập đầy đủ các bằng chứng, giấy tờ phía bạn (nước ngoài). Tuy nhiên, thông thường phía bên bạn không cung cấp. Lực lượng biên phòng phải thông qua kênh Bộ Ngoại giao nhưng cũng rất khó lấy giấy tờ bên bạn, nếu có thì chỉ là bản photocopy. Khi ra tòa, với các giấy tờ và điều kiện không đủ, tòa sẽ hủy quyết định xử phạt vi phạm hành chính của chính quyền cũng như không tịch thu được tàu vi phạm...
Tại Nghệ An, một địa phương được đánh giá cao trong công tác triển khai Luật Thủy sản cũng như chống khai thác IUU cũng xuất hiện những bất cập khác. Theo lãnh đạo Chi cục Thủy sản tỉnh Nghệ An thì các vi phạm đánh bắt ngày càng phức tạp và khó lường, khi năng lực và trang thiết bị các tàu cá ngư dân ngày càng lớn nhưng trang thiết bị hoạt động của lực lượng kiểm ngư khá lạc hậu. Kiểm ngư Nghệ An hiện có hai tàu sắt tuổi đời hơn 20 năm nên thực tế chỉ còn một chiếc chạy được, tốc độ cao nhất chỉ 10 hải lý/giờ. Vì vậy, khi phát hiện tàu kiểm ngư, nhiều tàu cá vi phạm cắt ngư lưới cụ bỏ chạy và tàu kiểm ngư khó truy đuổi. Bên cạnh đó, không ít lần lực lượng kiểm ngư đối mặt với nguy hiểm do các tàu cá của ngư dân tỉnh bạn vi phạm vùng đánh bắt nhưng có biểu hiện chống đối, chỉ khi có sự vào cuộc của liên ngành, trong đó có lực lượng biên phòng thì mới bắt giữ, xử lý được.
Về lộ trình cụ thể thực hiện kế hoạch hành động chống khai thác IUU, Cục trưởng Cục Kiểm ngư Nguyễn Quang Hùng cho biết: Thời gian tới, các lực lượng chức năng như kiểm ngư, biên phòng, cảnh sát biển, hải quân… sẽ đồng loạt mở đợt cao điểm để giám sát, xử lý các tàu cá vi phạm. Trường hợp đơn vị nào không hoàn thành nhiệm vụ trong giai đoạn cao điểm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê bình, xử lý trách nhiệm. Ngay sau hội nghị triển khai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức đoàn kiểm tra trực tiếp đến các tỉnh còn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, đồng thời tổ chức các hội nghị chuyên đề về bàn giải pháp chấm dứt tình trạng này.