Đầu tiên, tại Bắc Giang, Saigon Co.op tham dự Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2020 do UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức. Trong khuôn khổ Hội nghị, chuyến xe vải thiều Lục Ngạn được khởi hành xuất phát vào kinh doanh tại gần 1.000 điểm bán của Saigon Co.op trên toàn quốc.
Năm nay, Saigon Co.op tiêu thụ lượng vải thiều tăng hơn 20% so với mùa vụ năm ngoái, vải thiều được thu hoạch trực tiếp từ vùng vải Lục Ngạn (Bắc Giang); Thanh Hà (Hải Dương) và đều đạt chuẩn VietGAP hoặc chứng nhận trái cây an toàn.
Điểm mới của mùa vụ năm nay là Saigon Co.op đưa một số mặt hàng nông sản Việt, trong đó có vải thiều, kinh doanh trên nền tảng trực tuyến. Khách hàng có thể dễ dàng đặt mua hai mặt hàng vải thiều và gạo ST Xuân Hồng với giá ưu đãi ngay trên ví điện tử Momo, sau đó sẽ được siêu thị giao hàng tận nơi. Khách hàng còn có thể đóng góp trực tiếp cho những hoạt động hỗ trợ cho người nông dân sau chiến dịch ngay trên giao diện của chương trình.
Không dừng lại ở sản phẩm vải thiều tươi, Saigon Co.op cũng tiêu thụ sản phẩm là chế phẩm từ trái vải. Vải tươi đóng hộp có thể bảo quản và sử dụng trong khoảng thời gian dài, hiện đang được kinh doanh tại Co.opmart/Co.opXtra/Co.op Food … với giá trung bình khoảng 40.000 đồng/hộp. Sản phẩm này đã góp phần đáng kể trong việc hạn chế tính chất khó bảo quản của vải thiều cũng như các mặt hàng thực phẩm tươi sống nói chung.
Song song đó, Co.opmart Hải Phòng (TP Hải Phòng) đã khai mạc diễn ra Tuần lễ nông sản an toàn và giới thiệu sản phẩm Du lịch Sơn La. Kéo dài đến hết 11-6, chương trình thu hút sự tham gia của 25 doanh nghiệp, hợp tác xã với 30 gian hàng với các đặc sản của tỉnh Sơn La và Hải Phòng: sản phẩm quả tươi (xoài, ổi, bưởi da xanh, chuối); vải, mận hậu, chanh leo, chuối tây, bí ngô bao tử Mộc Châu, mướp hương Mộc Châu, susu baby Mộc Châu, rau cải mèo Mộc Châu, cải bắp Mộc Châu, bí xanh Mộc Châu; thực phẩm qua chế biến; hải sản và các sản phẩm du lịch.
Không những phối hợp hàng loạt nhãn hàng cùng giảm giá để vừa đẩy sức mua hàng hóa gỡ khó đầu ra cho doanh nghiệp vừa chia sẻ áp lực chi tiêu với người tiêu dùng ngay sau dịch, Saigon Co.op cũng kết hợp nhiều hoạt động định hướng tiêu dùng theo hướng bảo vệ môi trường.
* Còn tại TP Hồ Chí Minh, mở đầu cho các hoạt động tiêu dùng xanh, tại hệ thống siêu thị, Co.opmart Huỳnh Tấn Phát (quận 7) đã tổ chức chương trình “Ngày hội tái chế vỏ hộp sữa”, kết hợp với nhà cung cấp Nestle nhãn hàng Milo, tiến hành thu vỏ hộp và tặng sữa, tặng quà để tuyên truyền kiến thức phân loại rác ngay tại nguồn, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Hoạt động này sẽ lần lượt diễn ra tại hàng trăm siêu thị Co.opmart, Co.opXtra trên cả nước. Vỏ hộp thu gom được sau đó sẽ được chuyển cho công ty R&W xử lý.
Riêng về công tác kích cầu, trong xuyên suốt tháng 6, hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile… trên cả nước đồng loạt lấy chủ đề “Tháng tiêu dùng xanh” kết hợp giữa khuyến mãi, giảm giá các mặt hàng thiết yếu, vừa hướng người tiêu dùng chọn mua sản phẩm của những doanh nghiệp thực hiện tốt công tác môi trường và kích cầu cho những sản phẩm thân thiện môi trường và tiết kiệm năng lượng.
Cụ thể, từ nay đến hết tháng 6, hệ thống siêu thị của Saigon Co.op sẽ áp dụng giảm giá đến 50% cho hơn 10.000 sản phẩm thân thiện với môi trường, tặng hơn 100.000 phiếu mua hàng cho khách hàng mua sản phẩm của doanh nghiệp xanh, giảm hơn một nửa giá cho hàng loạt sản phẩm nhu yếu vào các ngày cuối tuần, tổ chức lễ hội trái cây giảm giá cho hơn 20 loại trái cây nhiệt đới để thiết thực ủng hộ nông sản Việt; đồng thời các sản phẩm hữu cơ như đường, sữa tươi, sữa chua, nước tinh khiết, yến mạch, dầu ô-liu… và hàng loạt sản phẩm mang thương hiệu riêng của Saigon Co.op sẽ được giảm giá trung bình 20%.
Ngoài ra, còn có chương trình “Ủng hộ nông sản Việt”, người tiêu dùng đặt hàng trái vải tươi và gạo ST Xuân Hồng ngay trên ví thanh toán điện tử Momo với giá ưu đãi sẽ được giao hàng tận nhà. Tổng lượng hàng hóa tham gia kích cầu đợt này tại hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op ước tính khoảng 30.000 tấn. Trong những tháng qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động thương mại, dịch vụ; hoạt động mua sắm hàng hóa, chi tiêu của người tiêu dùng giảm mạnh; nhiều cơ sở lưu trú, ăn uống, lữ hành phải tạm đóng cửa trong thời gian giãn cách xã hội.
Theo số liệu do Tổng cục Thống kê công bố, ước tính tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4-2020 giảm 26% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung bốn tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 4,3% so cùng kỳ năm ngoái.