Nỗ lực bảo đảm an ninh lương thực tại châu Á-Thái Bình Dương

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) mới đây công bố kế hoạch hỗ trợ ít nhất 14 tỷ USD trong giai đoạn 2022-2025 nhằm xoa dịu tình trạng khan hiếm lương thực tại châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời cải thiện an ninh lương thực của khu vực trong dài hạn.
0:00 / 0:00
0:00
ADB hỗ trợ nông dân cải thiện sinh kế. (Ảnh ADB.ORG)
ADB hỗ trợ nông dân cải thiện sinh kế. (Ảnh ADB.ORG)

Hệ thống lương thực toàn cầu suy yếu vì bị ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu, sự thiếu hụt nguồn cung do tác động của đại dịch Covid-19 và các phương thức canh tác không bền vững. Trong bối cảnh các nền kinh tế đang nỗ lực phục hồi, những thách thức ngày càng tăng, như tác động của các cuộc xung đột, lạm phát, khiến tình trạng thiếu lương thực càng trầm trọng hơn. Theo ADB, khu vực châu Á và Thái Bình Dương dễ chịu ảnh hưởng bởi các cú sốc thiếu hụt lương thực, do một số quốc gia phụ thuộc các mặt hàng chủ lực và phân bón nhập khẩu. Trong khuôn khổ hội nghị hằng năm lần thứ 55 của ADB, Chủ tịch ADB Masatsugu Asakawa (M.A-xa-ca-oa) cho biết, gần 1,1 tỷ người tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương thiếu chế độ ăn lành mạnh do nghèo đói và giá lương thực tăng cao kỷ lục trong năm nay.

Ứng phó cuộc khủng hoảng lương thực là ưu tiên hàng đầu của ADB hiện nay. Có kinh nghiệm từ việc hỗ trợ trong cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu năm 2007 và 2008, hằng năm, ADB đều hỗ trợ các thành viên khoảng 2 tỷ USD nhằm bảo đảm an ninh lương thực của khu vực. Theo ông M.Asakawa, kế hoạch hỗ trợ mới công bố của ADB là phản ứng kịp thời và cấp thiết nhằm đối phó cuộc khủng hoảng lương thực đã đẩy nhiều gia đình ở châu Á chìm sâu vào đói nghèo. 3,3 tỷ USD trong kế hoạch được sử dụng trong năm 2022. Từ năm 2023 đến 2025, ADB cam kết bổ sung nguồn tài chính lên tới 10,7 tỷ USD và sẽ áp dụng các chiến lược nhằm xây dựng hệ thống lương thực mạnh mẽ, bền vững và công bằng hơn.

Khoản hỗ trợ của ADB sẽ được sử dụng trong các dự án đang triển khai, cũng như các dự án mới trong nhiều lĩnh vực, như sản xuất và phân phối thực phẩm, bảo trợ xã hội, quản lý nguồn nước... ADB cũng sẽ hỗ trợ tài chính các hộ nông dân, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm. Nhằm góp phần bảo đảm an ninh lương thực, ADB tiếp tục đầu tư vào nhiều lĩnh vực, như chuyển đổi năng lượng, giao thông, quản lý môi trường, y tế và giáo dục.

Kế hoạch hỗ trợ của ADB sẽ góp phần khắc phục tình trạng thiếu phân bón, cải thiện sinh kế của các hộ nông dân, hỗ trợ đầu tư vào sản xuất và phân phối lương thực, thúc đẩy thương mại mở để bảo đảm lương thực đến tay người tiêu dùng một cách hiệu quả, đồng thời tăng cường khả năng chống chịu của các thành viên trước tác động của biến đổi khí hậu. Kế hoạch này được kỳ vọng sẽ củng cố hệ thống lương thực của khu vực, giảm tác động của các nguy cơ gây mất an ninh lương thực nổi lên hiện nay và trong tương lai. Sự hỗ trợ của ADB cũng đóng góp vào nỗ lực chung nhằm bảo vệ môi trường tự nhiên của khu vực trước tác động của biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học, vốn đã làm suy thoái đất đai, nước ngọt và các hệ sinh thái biển.

Như Chủ tịch ADB M.Asakawa nhận định, nỗ lực ứng phó cuộc khủng hoảng lương thực cần được các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương thực hiện ngay lập tức, trước khi tình hình trở nên tồi tệ hơn và làm xói mòn những thành tựu phát triển mà khu vực đã phải khó khăn mới giành được.