Ninh Thuận và năm cây trồng chủ lực

Ninh Thuận và năm cây trồng chủ lực

Theo định hướng phát triển, đến năm 2010, trồng trọt vẫn chiếm tỷ trọng hơn 50% trong cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp Ninh Thuận. Ðể đạt mục tiêu này, Ninh Thuận xác định tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng tăng giá trị sản xuất trên một ha đất canh tác là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp của địa phương.

Năm loại cây trồng chủ lực

Tỉnh Ninh Thuận hiện có 60 nghìn ha đất nông nghiệp, chiếm 18% tổng diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh. Ðể khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai ở vùng khô hạn, nhưng cũng thường xuyên bị lũ lụt, Ninh Thuận đặc biệt chú trọng đầu tư phát triển mạng lưới thủy lợi. Ðến nay, toàn tỉnh có ba hệ thống công trình thủy lợi lớn, 54 đập thủy lợi vừa và nhỏ, 10 trạm bơm điện cùng một số hồ nhỏ. Diện tích thực tưới hiện nay ở Ninh Thuận được 20 nghìn ha.

Nhiều năm nữa, nông nghiệp vẫn là kinh tế chủ lực của Ninh Thuận, do vậy, hiệu quả sản xuất của ngành này ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế chung của tỉnh. Theo tính toán của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận: Bình quân trong bốn năm qua (2001 - 2004), tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp đạt 4,1%, chiếm 29% trong cơ cấu GDP toàn tỉnh. Thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp, tỷ trọng trồng trọt từ 67% (năm 2000) giảm còn 54% (năm 2004). Riêng trồng trọt đã có sự chuyển dịch tích cực với việc gia tăng tỷ trọng cây công nghiệp và cây thực phẩm; cây lương thực giảm dần. Theo Cục Thống kê Ninh Thuận, năm 2004, giá trị bình quân sản phẩm trồng trọt trên một ha có thu hoạch của tỉnh đạt 21,5 triệu đồng, trong đó cây hằng năm đạt 19,2 triệu đồng và cây lâu năm là 31,2 triệu đồng.

Nhiều năm nay, diện tích trồng lúa ở Ninh Thuận ổn định từ 11 đến 12 nghìn ha, với diện tích gieo trồng ba vụ từ 31 đến 32 nghìn ha, đạt sản lượng trung bình từ 134 đến 157 nghìn tấn, giá trị sản xuất bình quân đạt từ 21 đến 22 triệu đồng/ha/năm. Một số nơi do chủ động được nguồn nước, nhất là ở vùng thuộc hệ thống thủy nông Nha Trinh - Lâm Cấm (huyện Ninh Phước), nông dân thực hiện luân canh trên đất lúa, đạt giá trị từ 40 đến 50 triệu đồng/ha/năm. Tuy vậy, nếu so với một số cây trồng khác, thì hiệu quả kém xa. Cây nho cho thu nhập cao hơn cả. Cũng theo kết quả khảo sát của Cục Thống kê Ninh Thuận, năm 2004, bình quân một ha nho đạt 96 triệu đồng, cao hơn 70 triệu đồng so với một ha lúa. Cây thuốc lá, nhất là thuốc lá vàng, cũng đạt giá trị cao. Vụ đông xuân 2004 - 2005, thuốc lá vàng ở Ninh Thuận đạt năng suất bình quân hai tấn/ha, giá thu mua khoảng 20 nghìn đồng/kg, tính ra mỗi ha đạt giá trị 40 triệu đồng. Cá biệt, có hộ đạt giá trị canh tác cao hơn nhiều. Như hộ anh Ðỗ Văn Tri ở thôn Phú Thuận, xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) trồng hai ha, năng suất đạt 3,5 tấn/ha, trừ chi phí, lãi ròng 70 triệu đồng.

Cùng với cây nho và thuốc lá, ba cây trồng khác là bông vải, mía, điều cũng khẳng định chỗ đứng ở vùng đất Ninh Thuận. Từ thực tiễn sản xuất địa phương, căn cứ chiến lược phát triển chung của ngành nông nghiệp cả nước, Ninh Thuận đã xác định được năm cây trồng chủ lực của tỉnh là: nho, bông vải, thuốc lá, mía và điều.

Phát triển  những cây trồng đạt hiệu quả cao

Dự kiến đến năm 2010, diện tích đất nông nghiệp ở Ninh Thuận khoảng 80 nghìn ha, tăng 16 nghìn ha so với năm 2005, trong đó diện tích có thủy lợi từ 35 đến 36 nghìn ha, tăng 16.500 ha so với hiện nay. Trên cơ sở đầu tư phát triển thủy lợi; triển khai, thực hiện đồng bộ các giải pháp liên quan, Ninh Thuận đã quy hoạch vùng và diện tích từng loại cây trồng theo hướng nâng cao hiệu quả trên một ha đất canh tác, tập trung trước tiên cho năm cây trồng chủ lực đã xác định.

Ðể bảo đảm an ninh lương thực, tỉnh giữ ổn định diện tích trồng lúa mỗi năm từ 14.000 đến 14.500 ha, sản lượng  khoảng 155 nghìn tấn/năm, bố trí tập trung ở những chân ruộng chủ động nước nằm trong vùng tưới của những công trình thủy lợi lớn. Mở rộng diện tích trồng ngô lên 12.500 ha, chủ yếu ở vùng miền núi hai huyện Ninh Sơn, Bác Ái, và trồng luân canh trên đất lúa hai vụ, đất trồng cây công nghiệp ngắn ngày.

Cây nho được xác định là cây trồng chủ lực trong các loại cây trồng chính của Ninh Thuận. Theo quy hoạch diện tích trồng nho sẽ lên khoảng 3.000 ha trong những năm tới, tập trung ở những vùng không bị ngập úng, điều kiện đất đai phù hợp (Ninh Phước, Ninh Hải, Ninh Sơn và thị xã Phan Rang - Tháp Chàm). Tỉnh khuyến khích nông dân đầu tư trồng nho giống mới như giống nho NH01-48. Mới đây, Công ty rượu vang Thăng Long (Chi nhánh Ninh Thuận) hợp tác với tỉnh trồng gần ba ha giống nho dùng chế biến rượu vang, sẽ mở rộng ra khoảng 15 ha vào cuối năm nay. Tiến sĩ Nguyễn Như Hiến, Giám đốc Trung tâm giống cây trồng - vật nuôi Ninh Thuận, cho biết, phía đối tác sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm, sơ bộ tính toán, giống nho làm rượu này cho hiệu quả gấp hai, ba lần so với các giống nho đang trồng ở địa phương.

Ðối với các cây công nghiệp ngắn ngày đã khẳng định hiệu quả, tỉnh sẽ bố trí khoảng 13 nghìn ha ở những vùng chủ động nước tưới. Theo đó, cây mía khoảng 4.000 ha với giống cho năng suất cao (hơn 80 tấn/ha) và có 10 chữ đường trở lên; 5.000 - 6.000 ha bông vải; 2.500 - 3.000 ha cây thuốc lá, trong đó thuốc lá vàng 1.700 ha. Dự kiến, sẽ đưa diện tích cây điều cho khai thác lên tám nghìn ha, trong đó có 50% diện tích thâm canh. Ngoài ra, diện tích trồng cỏ cũng được nâng lên 2.000 ha (hiện nay là 750 ha) để đáp ứng nhu cầu phát triển chăn nuôi...

Ðến năm 2010, Ninh Thuận phấn đấu đưa giá trị trồng trọt bình quân mỗi ha đạt 30 triệu đồng. Con số này có thể thấp so với nhiều nơi khác, nhưng có ý nghĩa lớn đối với Ninh Thuận. Việc quy hoạch phát triển cụ thể từng loại cây trồng phải kết hợp với các giải pháp đồng bộ. Trong đó, các giải pháp về vốn; giống; thị trường; chế biến; ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ; cơ chế, chính sách khuyến khích người sản xuất có tác động quan trọng. Với định hướng, cơ chế, chính sách phát triển phù hợp, thông thoáng, ở Ninh Thuận sẽ xuất hiện ngày càng nhiều nông dân sản xuất giỏi.