Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

Ninh Thuận đột phá về năng lượng tái tạo

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ 14, nhiệm kỳ 2020-2025 đặt ra mục tiêu xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước.
0:00 / 0:00
0:00
Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh (ngoài cùng bên phải) kiểm tra dự án điện mặt trời BP SOLAR1 do Công ty cổ phần Bắc Phương đầu tư tại huyện Ninh Phước.
Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh (ngoài cùng bên phải) kiểm tra dự án điện mặt trời BP SOLAR1 do Công ty cổ phần Bắc Phương đầu tư tại huyện Ninh Phước.

Thực hiện mục tiêu này, tỉnh đề ra nhiều giải pháp và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, đòi hỏi các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn nêu cao trách nhiệm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao, bền vững. Đồng chí NGUYỄN ĐỨC THANH, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận, có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân về nội dung này.

Phóng viên: Thưa đồng chí, để đạt được mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 14 đề ra, Ninh Thuận cần có sự đột phá về phát triển năng lượng, năng lượng tái tạo. Vậy tỉnh đã triển khai những giải pháp nào để thúc đẩy thực hiện?

Đồng chí Nguyễn Đức Thanh: Trong nhiều nhiệm kỳ đại hội, đặc biệt từ năm 2015, tỉnh đã xác định chủ trương phát triển năng lượng, năng lượng tái tạo là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, biến thách thức thành cơ hội phát triển. Thực tế những năm qua cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn đạt mức cao, nhất là 3 năm (2019-2021) mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, nhưng tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh thuộc nhóm đứng đầu cả nước. Đến cuối năm 2021, trên địa bàn tỉnh đã thu hút đầu tư, triển khai xây dựng và đưa vào vận hành 53 dự án năng lượng với tổng công suất 3.176,5 MW; trong đó có: 11 dự án điện gió (574MW), 32 dự án điện mặt trời (2.303MW) và 10 dự án thủy điện (299,5MW). Các dự án hòa lưới tạo ra sản lượng điện trong năm 2021 đạt 6.300 triệu kWh, tạo giá trị gia tăng 3.614 tỷ đồng, đóng góp 6,84% tăng trưởng GRDP của tỉnh. Hiện, tỉnh tập trung triển khai đầu tư dự án Trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1-1.500MW; nghiên cứu, khảo sát điện gió ngoài khơi... nhằm tạo động lực phát triển trong thời gian tới.

Thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 14, nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 25/1/2022 về xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, ngành năng lượng đóng góp 22% GRDP và 29% tổng thu ngân sách của tỉnh, giải quyết 5,5% nhu cầu việc làm trong bốn ngành kinh tế trọng điểm; hình thành Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng tái tạo; thu hút 1 dự án đầu tư trong lĩnh vực nghiên cứu chế tạo các thiết bị chính trong các phân ngành năng lượng. Định hướng đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện tăng thêm khoảng 5.300MW, nâng quy mô công suất nguồn điện toàn tỉnh đạt 11.800MW; giải quyết 7,3% nhu cầu việc làm trong 4 ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh; đạt mục tiêu xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo bền vững.

Để thực hiện đạt các mục tiêu trên, tỉnh đề ra 6 nhiệm vụ và giải pháp với các nội dung trọng tâm:

Một là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; nâng cao trách nhiệm, nhận thức về thực hiện nhiệm vụ xây dựng Ninh Thuận thành Trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước.

Hai là xây dựng, hoàn thiện và quản lý, triển khai hiệu quả các quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách nhằm xây dựng, phát triển thành Trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các quy hoạch khác, kể cả các quy hoạch quốc gia, có tính khả thi cao, đủ mạnh, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn, nhất là về: kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất, các cơ chế, chính sách hỗ trợ về đất đai, thu hút đầu tư, thu hút nguồn nhân lực. Thành lập Ban chỉ đạo phát triển Trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo Ninh Thuận...

Ba là xây dựng mô hình phát triển Ninh Thuận thành Trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước; trong đó, tập trung phát triển cấu trúc, mô hình Trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo gồm 2 phần: Phần cứng gồm 3 mô-đun: Mô-đun I là Trung tâm điện lực LNG Cà Ná; Mô-đun II là Trung tâm năng lượng tái tạo Ninh Thuận; Mô-đun III là Trung tâm nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng (R&D); Phần mềm là hệ thống các cơ chế, chính sách ưu đãi, đặc thù.

Bốn là tăng cường thu hút, huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, nhất là đầu tư hạ tầng truyền tải, cung cấp nguồn năng lượng ổn định có chất lượng cao với giá cả hợp lý để phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm, cấp bách như: Cảng biển tổng hợp Cà Ná, Trung tâm điện lực LNG Cà Ná, thủy điện tích năng Bác Ái và các dự án thành phần đường cao tốc bắc-nam,... Tập trung kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải 500kV, 220kV để giải tỏa công suất các dự án năng lượng phát triển mới trên địa bàn tỉnh theo chủ trương của Chính phủ.

Năm là phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành năng lượng theo cơ cấu hợp lý, bảo đảm số lượng và chất lượng; có chính sách khuyến khích thu hút, đãi ngộ thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực và thị trường lao động bảo đảm toàn diện, hiệu quả, khả thi.

Phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành năng lượng theo cơ cấu hợp lý, bảo đảm số lượng và chất lượng; có chính sách khuyến khích thu hút, đãi ngộ thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực và thị trường lao động bảo đảm toàn diện, hiệu quả, khả thi.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Thanh

Sáu là tăng cường công tác quản lý nhà nước, đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ; phát triển năng lượng bảo đảm gắn với thích ứng biến đổi khí hậu, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên, phát huy giá trị sử dụng đất, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng-an ninh trên địa bàn tỉnh. Tận dụng có hiệu quả các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để hiện đại hóa công tác quản lý, xây dựng và chia sẻ dữ liệu, thông tin, hỗ trợ tư vấn kỹ thuật, các dịch vụ tư vấn khác để thúc đẩy phát triển năng lượng. Tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Phóng viên: Thực tiễn phát triển năng lượng tái tạo ở Ninh Thuận thời gian qua cho thấy thách thức lớn nhất là sự thiếu đồng bộ giữa các dự án nguồn điện và hạ tầng lưới điện truyền tải. Xin đồng chí cho biết Tỉnh ủy đã có biện pháp cụ thể nào?

Đồng chí Nguyễn Đức Thanh: Lưới điện truyền tải chưa theo kịp sự phát triển của nguồn phát gây ra hiện tượng quá tải, nghẽn mạch, dẫn đến các dự án năng lượng tái tạo chưa phát huy hết hiệu quả, phải thực hiện cắt giảm công suất, có thời điểm chỉ phát 60% công suất thiết kế; nhất là khu vực phía nam của tỉnh. Để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, tỉnh khuyến khích thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển đồng bộ giữa sản xuất điện với hạ tầng truyền tải điện, phụ tải điện. Tỉnh kiến nghị và Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời 450MW kết hợp với đầu tư trạm biến áp 500kV Thuận Nam và các đường dây 500kV, 220kV đấu nối vào hệ thống điện quốc gia. Dự án hoàn thành đưa vào vận hành, khai thác đồng bộ trong năm 2020 góp phần rất lớn trong việc tháo gỡ "điểm nghẽn" về quá tải hạ tầng truyền tải điện. Tỉnh đã kêu gọi đầu tư dự án thủy điện tích năng Bác Ái để tối ưu hóa nguồn năng lượng tái tạo dư thừa.

Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo rà soát, bổ sung, hoàn thiện, triển khai các chương trình, kế hoạch, cơ chế, chính sách có liên quan đến xây dựng, phát triển Trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất cao với các quy hoạch khác (kể cả các quy hoạch quốc gia), phù hợp với tình hình thực tiễn, nhất là các kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất, các cơ chế, chính sách hỗ trợ về đất đai, thu hút đầu tư, thu hút nguồn nhân lực... Đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật và lấp đầy các khu, cụm công nghiệp gắn với ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp, các dự án tiêu thụ trực tiếp; thu hút đầu tư các dự án sản xuất thiết bị phục vụ các ngành năng lượng tái tạo và năng lượng sạch, công nghệ cơ khí, chế tạo... nhằm tận dụng lợi thế về nguồn năng lượng tái tạo, tăng phụ tải và tỷ trọng điện tiêu thụ tại chỗ, giảm truyền tải điện đi xa.

Thời gian tới, tỉnh Ninh Thuận xác định tiếp tục tập trung đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 20-NQ/TU về xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Thanh

Thời gian tới, tỉnh Ninh Thuận xác định tiếp tục tập trung đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 20-NQ/TU về xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; trong đó, trọng tâm là tập trung kêu gọi đầu tư phát triển các ngành công nghiệp, các dự án tiêu thụ trực tiếp và nhiều năng lượng điện tái tạo bảo đảm môi trường, khuyến khích đầu tư sử dụng các giải pháp tích trữ năng lượng công suất lớn như ắc quy, thủy điện tích năng... Tỉnh đẩy mạnh đầu tư hạ tầng truyền tải điện trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch, kế hoạch của quốc gia, nhất là đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải 500kV, 220kV; trước mắt, sớm đầu tư xây dựng đường dây 500kV Ninh Sơn-Chơn Thành đi qua 3 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và Đồng Nai để giải tỏa công suất các dự án năng lượng phát triển mới trên địa bàn.

Đồng thời, tỉnh tiếp tục kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương sớm có cơ chế, chính sách phù hợp để thực hiện hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhất là về: quy hoạch điện, xây dựng Trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo; chính sách xã hội hóa trong đầu tư phát triển hạ tầng truyền tải, hệ thống lưu giữ nguồn điện; thúc đẩy phát triển thủy điện tích năng để tối ưu hóa nguồn năng lượng tái tạo dư thừa.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí!