Vẫn còn cán bộ chưa đạt chuẩn, vì sao?
Chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ chủ chốt có vai trò quan trọng trong kết quả thực thi nhiệm vụ của ngành, cơ quan, đơn vị. Theo quy định, các cán bộ chủ chốt cấp sở phải đạt tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ ngạch chuyên viên chính trở lên; tốt nghiệp đại học phù hợp với lĩnh vực công tác; tốt nghiệp lý luận chính trị cao cấp; tốt nghiệp chương trình quản lý hành chính nhà nước ngạch chuyên viên chính trở lên. Tuy nhiên, quy định này chưa được thực hiện tốt ở tỉnh Ninh Bình.
Năm 2010, Ủy ban Kiểm tra T.Ư có thông báo Kết luận số 716-TB/UBKTTW chỉ rõ những sai phạm về công tác cán bộ của tỉnh, trong đó nhấn mạnh việc nhiều trường hợp cán bộ chủ chốt của tỉnh chưa đạt tiêu chuẩn ngạch chuyên viên chính, cần phải học và thi để bổ sung theo đúng quy định của Bộ Nội vụ. Thế nhưng, đến Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2015-2020, vẫn còn không ít cán bộ lãnh đạo chủ chốt chưa thực hiện theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư. Như trường hợp đồng chí Nguyễn Tất Tiến, Chánh Thanh tra tỉnh Ninh Bình. Theo quy định, chức vụ Chánh Thanh tra tỉnh phải đạt tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ ngạch thanh tra viên chính hoặc tương đương trở lên. Tuy nhiên, đồng chí Tiến chưa thi nâng ngạch nhưng vẫn được xếp ngạch thanh tra viên chính, hưởng lương bậc 7 hệ số 6,44 từ ngày 1-10-2016 đến nay.
Ðiều đáng nói là trong thông báo Kết luận số 716-TB/UBKTTW, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã nêu việc đồng chí Tiến chưa đạt chuẩn ngạch thanh tra viên chính. Mặc dù chưa bảo đảm tiêu chuẩn nói trên nhưng đồng chí này vẫn được bầu vào Ban Chấp hành (BCH) Ðảng bộ tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2011-2015 và 2015-2020. Ðược biết, đồng chí Tiến vừa phải theo học hơn một tháng tại Hà Nội để lấy chứng chỉ thanh tra viên chính sau gần hai nhiệm kỳ đại hội.
Trường hợp nữa phải kể đến là đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy. Ðồng chí Hạnh sinh năm 1979, tốt nghiệp đại học sư phạm, trải qua một số năm công tác tại huyện Kim Sơn, rồi về Trường THPT Yên Khánh B làm công tác đoàn. Tháng 8-2010, đồng chí được điều chuyển về công tác tại Tỉnh đoàn và đến tháng 9-2012 được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh đoàn. Tại Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2015-2020, đồng chí được bầu vào BCH Ðảng bộ và giữ chức Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy từ tháng 9-2015 đến nay. Tuy nhiên, đồng chí Hồng Hạnh chưa kịp trang bị kiến thức để đáp ứng với trọng trách cao hơn. Khi vào BCH Ðảng bộ tỉnh, đồng chí mới đi học thạc sĩ, năm 2017 học lý luận chính trị cao cấp và hiện nay vẫn chưa được xếp ngạch chuyên viên chính.
Giải thích về những trường hợp nêu trên, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Trương Ðức Lộc cho biết: "Khi cán bộ có bằng tốt nghiệp đại học trở lên, bằng cao cấp lý luận chính trị và các chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý Nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp, ngoại ngữ, tin học…, là đạt tiêu chuẩn ngạch chuyên viên chính theo quy định mà chưa cần qua thi nâng ngạch".
Như vậy, có thể thấy, tình trạng nhiều cán bộ ở tỉnh Ninh Bình chưa đạt tiêu chuẩn là do người làm công tác tổ chức hiểu chưa đúng những nguyên tắc cơ bản về tiêu chuẩn cán bộ chủ chốt. Thực tế cho thấy, cán bộ có đủ chứng chỉ nhưng thi trượt thì không thể xếp vào ngạch chuyên viên chính. Ở đây còn đặt ra những vấn đề về sự phối hợp thiếu chặt chẽ giữa Ban Tổ chức Tỉnh ủy với Sở Nội vụ trong công tác cán bộ để tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy sắp xếp nhân sự tại các ban, ngành và lãnh đạo cấp huyện, thành phố.
Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ
Khắc phục những hạn chế, yếu kém nêu trên, trong thời gian tới, tỉnh Ninh Bình sẽ tập trung vào công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ và bảo đảm các tiêu chuẩn cán bộ theo quy định. Ðồng chí Nguyễn Thị Thanh, Bí thư Tỉnh ủy cho biết: "Chúng tôi xác định trình độ chuyên môn, nghiệp vụ là thước đo chuẩn mực về chất lượng cán bộ. Vì vậy, cán bộ, công chức nào chưa đạt chuẩn theo quy định của Bộ Nội vụ thì thời gian tới nhất thiết phải đi đào tạo. Không chỉ cán bộ, công chức cấp tỉnh mà cả đội ngũ cán bộ cấp huyện, xã cũng cần coi trọng việc bồi dưỡng, đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ. Trước đây, do hiểu chưa đúng quy định dẫn đến chưa nhận thức được tầm quan trọng, cho nên nhiều cán bộ dù nằm trong danh sách đi học (với chỉ tiêu có hạn) nhưng không chịu đi do ngại hoặc sợ thi trượt. Trong khi hằng năm, số lãnh đạo đến tuổi về hưu theo chế độ khoảng 10 trường hợp. Vì vậy, việc tìm cán bộ theo tiêu chuẩn ngạch chuyên viên chính trở lên để bổ nhiệm gặp khó khăn".
Theo đồng chí Phạm Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh, từ năm 2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 18/2010/NÐ-CP về việc đào tạo, bồi dưỡng công chức, có quy định việc đào tạo thi nâng ngạch chuyên viên chính được thực hiện tại địa phương. Quy định này đã giải tỏa tâm lý ngại khó, ngại khổ và thôi thúc các cán bộ đi học, tự hoàn thiện. Từ năm 2014, việc đào tạo nâng ngạch chuyên viên chính được tổ chức tại Trường Chính trị của tỉnh. Năm 2015, trường mở thêm lớp đào tạo chuyên viên cao cấp. Hiện nay, trường có gần 80% số giảng viên đạt tiêu chuẩn ngạch chuyên viên cao cấp, là điểm tựa để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức tại địa phương.
Ngoài ra, nhiều cấp ủy địa phương đã có nhận thức đúng đắn, nghiêm túc về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Bí thư Huyện ủy Kim Sơn Vũ Hoàng Hà chia sẻ: Huyện ủy đã tổ chức rà soát đội ngũ cán bộ thấy có 25 đồng chí chưa có chứng chỉ đào tạo quản lý Nhà nước ngạch chuyên viên chính, trong đó 11 đồng chí đã lớn tuổi, thời gian công tác chỉ còn vài năm và 14 đồng chí thời gian công tác còn hơn 5 năm.
Ban Thường vụ Huyện ủy đã xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và yêu cầu các đồng chí đến cuối năm 2018 phải có đủ chứng chỉ, văn bằng theo quy định. Cùng với đó, để củng cố đội ngũ cán bộ, Huyện ủy đã ban hành những quyết định về quy chế làm việc của cán bộ, đảng viên; phân công, phân nhiệm rõ ràng lĩnh vực, địa bàn phụ trách của các đồng chí trong BCH Ðảng bộ. Bí thư Huyện ủy Gia Viễn Lê Xuân Minh cho biết: Huyện Gia Viễn cũng đã tiến hành công tác rà soát với kết quả là không có trường hợp nào "nợ đầu vào" (chưa đủ bằng cấp, chứng chỉ khi xem xét bổ nhiệm cán bộ). Cán bộ, công chức thuộc diện Ban Thường vụ huyện ủy quản lý có 419 người, trong đó hơn 90% có trình độ đại học và 67% trình độ trung cấp lý luận chính trị.
Ðạt kết quả này là do Ban Thường vụ Huyện ủy luôn xác định nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị là điều kiện tiên quyết phải thực hiện và bảo đảm trong công tác cán bộ. Những trường hợp được quy hoạch cán bộ, Huyện ủy bố trí gửi đi đào tạo ở các trung tâm chính trị hoặc Trường Chính trị tỉnh, kiên quyết không bổ nhiệm cán bộ thiếu tiêu chuẩn quy định. Huyện miền núi Nho Quan cũng thường xuyên chăm lo việc bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, đảng viên.
Có thể thấy, tỉnh Ninh Bình đang nỗ lực khắc phục hạn chế, yếu kém và giải quyết những vấn đề cụ thể đặt ra trong công tác cán bộ, góp phần nâng cao năng lực bộ máy quản lý nhà nước ở địa phương, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.