Niềm vui mía chục, nỗi lo mía nguyên liệu!

NDO -

Những ngày này, người dân trồng mía chục (mía làm nước giải khát) ở Hậu Giang đang vào vụ thu hoạch rộ, với niềm vui phấn khởi. Trong khi đó, người trồng mía nguyên liệu thì lo lắng, vì giá bao tiêu của nhà máy đường đưa ra quá thấp. Có thể sẽ có thêm một vụ mía đắng.

Bán mía chục cho thương lái ở thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang.
Bán mía chục cho thương lái ở thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang.

Niềm vui cho mía chục

Niên vụ mía 2019 - 2020, nông dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang xuống giống được gần 6.000ha (giảm hơn 2.000ha so niên vụ trước), tập trung ở huyện Phụng Hiệp, thành phố Ngã Bảy và thành phố Vị Thanh.

Hiện tại, các rẫy mía của nông dân trong giai đoạn từ bảy đến tám tháng tuổi. Đây cũng là thời điểm bà con thu hoạch mía ROC 16 (giống mía chín sớm) để bán mía chục cho thương lái chở đi tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.

Ở Hậu Giang, niên vụ mía nào cũng có từ 1.200ha đến 1.500ha mía được bà con trồng để bán mía chục. Riêng vụ sản xuất mía năm nay, đến thời điểm này, bà con đã bán mía chục được hơn 500ha và diện tích này sẽ còn tăng mạnh vì đang vào thời điểm thu hoạch rộ mía chục tại nhiều cánh đồng mía. Đặc biệt, giá mía chục năm nay khá hấp dẫn, dao động từ 1.100 đồng đến 1.300 đồng/kg.

Dọc theo tuyến kênh Lái Hiếu (thành phố Ngã Bảy), có nhiều ghe thương lái neo đậu đang chờ cân mía chục cho bà con. Không khí thu hoạch và bán mía chục tuy không tấp nập như mía nguyên liệu bán cho nhà máy đường, nhưng bà con rất vui, vì có lời.

Đang xem nhân công tập kết từng bó mía của gia đình, chuẩn bị giao cho thương lái, ông Nguyễn Văn Tốt, ở khu vực 6, phường Lái Hiếu, thành phố Ngã Bảy, phấn khởi nói: “Nhiều năm qua, vào thời điểm này, có không ít hộ trồng mía nơi đây tiến hành bán mía chục cho thương lái. Năm nay, tuy thời tiết không mấy thuận lợi cho cây mía phát triển, nhất là tình trạng nắng nóng kéo dài nên năng suất mía có phần hơi thấp hơn so vụ mía trước, chỉ đạt khoảng 12 - 13 tấn/công. Nhưng bù lại là giá mía bán được 1.100 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình cũng kiếm được nguồn lợi nhuận từ 5 - 6 triệu đồng/công”.

Còn ông Nguyễn Văn Phát, ở ấp Mỹ Phú, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, cho hay: “Do nhận tiền cọc từ trước với thương lái, nên vụ này, tôi bán mía chục được giá 1.300 đồng/kg. Theo thỏa thuận, ngày mai thương lái sẽ tiến hành thu hoạch hai công mía của gia đình. Tuy chưa cân mía, nhưng qua quan sát rẫy mía và với nhiều năm kinh nghiệm trồng mía, tôi đánh giá năng suất mía của gia đình năm nay đạt khoảng 13 tấn/công, lợi nhuận thu về sẽ không dưới bảy triệu đồng/công sau khi bán mía”.

Theo bà Phạm Thị Mau, ở ấp Mỹ Thạnh,  xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, những năm trước, gia đình bà cũng trồng mía nguyên liệu bán cho nhà máy đường, nhưng đều gặp cảnh từ hòa vốn đến thua lỗ. Vì thế, hai năm nay, gia đình bà và nhiều bà con ở xóm này đã chuyển sang trồng mía để bán mía chục.

“Bán mía chục cho thương lái khỏe ru, vì thương lái tự lo nhân công đốn mía và trả tiền thuê, trong khi bán mía cho nhà máy đường phải mất một khoản từ 20 - 30% cho khâu thuê nhân công thu hoạch”, bà Mau chia sẻ.

Nỗi lo cho mía nguyên liệu

Niềm vui mía chục, nỗi lo mía nguyên liệu! -0
 Nỗi lo lắng của người trồng mía nguyên liệu ở huyện Phụng Hiệp.

Trong khi người trồng bán mía chục phấn khởi vì bán có lời, thì nông dân trồng mía nguyên liệu cung cấp cho nhà máy đường tỏ ra lo lắng, vì nhà máy đường của Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) công bố mức giá bao tiêu mía trong vụ này quá thấp.

Cụ thể, đối với những hộ trồng mía đã nhận tiền hỗ trợ không hoàn vốn của Casuco là 2,5 triệu đồng/ha, khi ký kết hợp đồng bao tiêu với nhà máy, mức giá sàn bảo hiểm là 770 đồng/kg (giá mía cân tại rẫy); còn những hộ không nhận số tiền hỗ trợ ban đầu như trên, thì mức giá bao tiêu là 800 đồng/kg (giá mía cân tại rẫy).

Với mức giá bao tiêu nêu trên, người trồng mía lo lắng sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn trong niên vụ mía này. Hôm gặp chúng tôi, vẻ mặt buồn bã, ông Nguyễn Văn Lương, ở ấp Mỹ Thạnh, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, than rằng: vụ mía này, gia đình ông trồng một ha mía, có ký hợp đồng bao tiêu cung cấp mía nguyên liệu cho nhà máy. Tuy nhiên, khi nghe công bố mức giá bao tiêu thì ông không còn tinh thần chăm sóc cho rẫy mía, vì biết rằng năm nay sẽ tiếp tục đối mặt với tình cảnh từ hòa vốn đến thua lỗ. Bởi từ đầu vụ tới giờ, mọi chi phí đầu tư cho cây mía đều tăng so cùng kỳ. Trong đó, điển hình là giá thuê nhân công vô chân và đánh lá mía đã ở mức 160 nghìn đồng/ngày. Chưa kể tới đây, còn tiền thuê nhân công thu hoạch mía không dưới 250 nghìn đồng/tấn mía.

Như niên vụ rồi, vào lúc cao điểm thu hoạch, nhân công khan hiếm, giá thuê tăng lên từ 300 nghìn đến 400 nghìn đồng/tấn mía. “Chỉ tính riêng tiền thuê đốn và vận chuyển mía thì đã chiếm 50% giá thu mua mía của nhà máy đường. Rồi tiền giống, tiền thuê đào hộc trồng, phân thuốc, công chăm sóc gần một năm trời… nên vụ mía này chắc chắn không có lời, chỉ mong hòa vốn, không phải rơi vào cảnh thua lỗ, nợ nần, khổ lắm!?”, ông Nguyễn Văn Lương lo lắng.

Thực tế cho thấy, những hộ trồng và bán mía chục có lời hơn so trồng mía nguyên liệu bán cho nhà máy đường. Bởi, trong điều kiện ngày càng thiếu nhân công thu hoạch mía, giá thuê ngày một tăng, nhưng hộ trồng bán mía chục không phải tốn tiền cho khoản này, vì thương lái thu mua mía tự kiếm nhân công và trả tiền thuê. Còn những hộ trồng bán mía nguyên liệu cho nhà máy đường phải chịu khoản chi phí trên, chưa kể cây mía phải kéo dài bảo đảm đạt mốc thời gian sinh trưởng để mía chín và phải qua kiểm tra chữ đường (CCS)…

Ông Phạm Phi Hùng, ấp Mỹ Thạnh, xã Tân Phước Hưng (huyện Phụng Hiệp), một trong những hộ trồng mía cung cấp nguyên liệu cho nhà máy đường, so sánh: Dù phải gánh nhiều khoản chi phí, nhưng giá thu mua mía của nhà máy đường trong nhiều năm gần đây luôn thấp hơn giá bán mía chục và luôn ở mức xấp xỉ giá thành sản xuất, nên sau khi thu hoạch, nông dân trồng mía nguyên liệu không có được nguồn lợi nhuận như hộ bán mía chục.

Ông Hùng kiến nghị: “Thông qua báo chí, tôi rất mong lãnh đạo nhà máy đường Phụng Hiệp của Công ty Casuco cần tính toán kỹ về giá thành sản xuất mía trong vụ này, xem xét lại mức giá thu mua mía cho hợp lý, giúp bà con có được nguồn lợi nhuận, tiếp tục gắn bó với cây mía”.

Đây cũng là mong mỏi chung của người trồng mía trước khi vào vụ ép mía sắp tới.