Thành phố Sa Đéc là địa phương đầu tiên bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 trong cộng đồng tại Đồng Tháp. Đây cũng là địa phương bị ảnh hưởng dịch Covid-19 nặng nề nhất của tỉnh.
Còn nhớ cách đây không lâu, khi mà dịch bệnh còn diễn biến hết sức phức tạp, trong những chuyến tác nghiệp tại Sa Đéc, tôi và các đồng nghiệp không khỏi trăn trở cho việc sản xuất hoa Tết trước một làng hoa vốn tồn tại cả trăm năm qua. Trên tuyến đường hoa Sa Nhiên - Cai Dao, len lỏi vào các lối ra vườn hoa là những khung cảnh trống vắng.
Thế nhưng, vượt qua muôn vàn khó khăn trước đại dịch, người trồng hoa ở Sa Đéc đã vươn mình mạnh mẽ. Chính ngọn lửa đam mê trồng hoa vừa có thu nhập cao, vừa mong muốn được mang đến cái đẹp cho đời đã luôn thôi thúc các “nghệ nhân” nơi này phải cố gắng vượt qua đại dịch, khôi phục sản xuất.
Sự thôi thúc ấy còn ở lòng tin của bà con trồng hoa đối với lãnh đạo tỉnh. Bởi đã không ít lần, trong những lúc dịch bệnh căng thẳng nhất, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa đã có những chuyến đi len lỏi vào các vườn hoa để trực tiếp tháo gỡ khó khăn, động viên bà con trồng hoa duy trì sản xuất để phục vụ hoa cảnh cho thị trường Tết.
Giờ đây, khi còn đúng nửa tháng là đến Tết Nhâm Dần. Khác với những ánh mắt nhiều âu lo, chúng tôi bắt gặp niềm vui ở trong từng câu nói của người trồng hoa. Và những ánh mắt đầy vẻ lo lắng mới ngày nào thì nay lại là ánh mắt rạng ngời.
Năm nay, anh Nguyễn Văn Tài, ở ấp Đông Huề, xã Tân Khánh Đông, thuê 4, 5 công đất với giá 20 triệu đồng để trồng hoa. Suốt 9 năm qua, cứ mỗi năm trồng 2 vụ hoa, dù tình hình dịch bệnh bất thường đến mấy cũng không lo bằng nỗi lo của anh năm nay.
“Dịch bệnh, tôi không đủ tiền nên mua phân thuốc “ký sổ” có tính lãi. Ban đầu lo lắng lắm, sợ dịch bán không được, nhưng nhờ các anh lãnh đạo động viên nên lấy đó để lên dây cót tinh thần. Đúng là càng về những tháng cuối năm, thương lái tìm đến nhiều. Thương lái thu mua nhiều đến từ Tây Ninh, Đồng Nai, Hà Nội. Riêng TP Hồ Chí Minh tìm mua ít”.
Tất cả hoa trên mảnh vườn nhà anh Tài đã được đặt hết, chờ ngày giao. Hiện nay giá cúc tiger bán tại vườn là 130 nghìn đồng/cặp. Tùy thời điểm mỗi cặp anh thu lợi nhuận từ 30-60 nghìn đồng. Năm nay cúc mâm xôi trồng giảm nhiều, không đáp ứng đủ cho thương lái. Cũng như nhiều bà con khác, anh Tài đã ký hợp đồng bán với giá khá tốt.
“Năm nay tôi trồng gần 8.000 giỏ cúc mâm xôi. Thấy dịch bệnh hồi hộp quá mà có thương lái tìm đến mua nên đã bán gấp 5.000 giỏ với giá 155 nghìn đồng/cặp giỏ. Sau đó không lâu, mỗi cặp giỏ bán với giá 180 nghìn đồng. Trừ chi phí, vụ hoa Tết năm nay tôi thu lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng, là một trong những vụ hoa thu lợi nhuận cao nhất trong nghề trồng hoa của tôi”, anh Nguyễn Văn Tài phấn khởi cho biết.
Chúng tôi cùng Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong đến vườn hoa Mười Lý ở ấp Khánh Nhơn, xã Tân Khánh Đông. Phía sau nhà anh có rất nhiều chậu cúc pha lê, cúc tiger.
Gặp Bí thư Tỉnh ủy, chị Trần Thị Lý mừng rỡ khoe với Bí thư: “Khi mới trồng, dịch phức tạp quá, vợ chồng sợ không tiêu thụ được trong dịp Tết. Nhưng quyết định bám nghề với hy vọng ít nhiều cũng có tiền xoay xở. Vụ Tết này gia đình trồng 2.800 chậu cúc pha lê và cúc tiger, đã hợp đồng bán hết cho thương lái. Mấy ngày nữa thương lái đến mang đi. Trừ chi phí, vợ chồng tôi còn thu lợi nhuận hơn 300 triệu đồng”.
Khi vợ vừa dứt câu nói, anh Mười Lý lại ôm hôn vợ, như ăn mừng một vụ hoa Tết được giá, khiến chúng tôi cũng cảm thấy vui lây cùng bà con nghề hoa cảnh ở xứ sở Sa Đéc.