Có thể vẫn còn những quần thể Voọc mũi hếch
Ông Lưu Trường Thịnh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Quản Bạ kể lại, năm 2006, qua một số người dân ba xã ba xã Tùng Vài, Tả Ván và Cao Mã Pờ thông báo cho Hạt Kiểm lâm nơi đây có một đàn khỉ đuôi dài rất đông. Một kiểm lâm viên đã đem tờ rơi về Voọc mũi hếch cho bà con xem và họ xác định đó chính là loài khỉ mà họ đã gặp trong nhiều lần đi rừng. Xác định có thể có quần thể Voọc mũi hếch ở đây, hạt đã báo cáo với Chi cục Kiểm lâm và thông báo cho FFI. Thông tin này là cơ sở cho những cho cuộc những cuộc điều tra thực địa để tìm ra loài Voọc mũi hếch này.
Tháng 4 vừa qua, sau ba đợt khảo sát với 50 ngày đêm trong rừng, nhóm điều tra thực địa gồm 10 người đã xác định được có 14 đến 20 cá thể Voọc mũi hếch đang tồn tại ở khu rừng Tùng Vài và có thể có vài ba đàn Voọc mũi hếch khác với 20-30 cá thể tồn tại trong khu vực Mà Chá Phìn và Tà Lầy.
Trong số 10.000 ha rừng tự nhiên của ba xã Tả Vạn, Tùng Vài và Cao Mã Pờ, có 5.000 ha được xác định là nơi sinh sống của Voọc mũi hếch.
Voọc mũi hếch (Rhinopithecus avunculus) là một trong số 25 loài linh trưởng nguy cấp nhất trên thế giới. Đây là loài linh trưởng đặc hữu cho vùng Đông Bắc Việt Nam, được phát hiện và định tên từ năm 1912. Trước năm 1992, loài voọc được phát hiện từ cách nay một thế kỷ này bị coi là tuyệt chủng. Việc tìm ra quần thể Voọc mũi hếch ở Quản Bạ đã nâng số cá thể của loài này ở Hà Giang lên 90 con (một quần thể Voọc mũi hếch gồm 70 con đã tìm thấy năm 2001 tại Khau Ca). Theo ước tính, Voọc mũi hếch, loài linh trưởng đặc hữu đặc hữu và cực kỳ quý hiếm của Việt Nam nay chỉ còn khoảng 200 cá thể.
Ông Lê Khắc Quyết, cán bộ kỹ thuật của FFI, người đã có công tìm ra đàn voọc cho biết, trong quá trình điều tra thực địa, đoàn đã cố gắng tìm kiếm những dấu vết của hai đàn Voọc mũi hếch ở khu vực Ma Chá Phìn và suối Tà Lầy nhưng không thu được những bằng chứng xác thực về loài. Hai khu vực này vẫn còn có diện tích rừng có trạng thái tốt, liên tục và có diện tích khá lớn có thể là nơi sinh sống của một hoặc hai đàn Voọc mũi hếch.
Trồng thảo quả, mối đe dọa lớn nhất của Voọc mũi hếch
Sau khi công bố kết quả tìm kiếm thành công, việc khoanh vùng bảo tồn loài linh trưởng quý hiếm đã được Chi cục Kiểm lâm, UBND huyện Quản Bạ, các chuyên gia kỹ thuật của tổ chức tài trợ FFI và người dân ba xã có thôn sát vùng rừng có voọc sinh sống là Tùng Vài, Tả Ván và Cao Mã Pờ bàn đến.
Bên cạnh những nguy cơ thường trực đối với các loài thú trong rừng như bị săn bắn, bẫy bắt, ông Lê Khắc Quyết cho rằng việc canh tác thảo quả trong rừng đang là mối đe dọa lớn nhất với Voọc mũi hếch ở Quản Bạ.
Ông Quyết cho biết, tình trạng canh tác thảo quả được ghi nhận rất phổ biến ở dưới tán rừng ở hầu khắp các khu rừng của Tùng Vài và các khu vực lân cận. Để canh tác thảo quả, người dân không chặt bỏ toàn bộ thảm thực vật nhưng cũng phát quang tầng thảm tươi và dưới tán; chỉ để tầng cây gỗ lớn nhằm che tán cho cây thảo quả. Việc xuất hiện những nương, đồi thảo quả xen kẽ đã chia cắt và xâm lấn diện tích nơi sống của Voọc mũi hếch và các loài động vật rừng khác.
Rừng bị phát quang để canh tác thảo quả. (Ảnh: Lê Khắc Quyết).
Hoạt động canh tác này cùng làm suy giảm nghiêm trọng chất lượng rừng và thảm thực vật ở Tùng Vài và các khu vực lân cận. Đặc biệt, hoạt động này làm suy giảm và thay đổi nghiêm trọng chất lượng và cấu trúc sinh cảnh của Voọc mũi hếch. Bên cạnh đó, với việc chăm sóc, canh giữ và thu hoạch thảo quả và hương thảo cũng tạo ra số lượng người không nhỏ đi lại và hoạt động trong các khu rừng, trong đó bao gồm cả một số người dân địa phương có tiến hành hoạt động săn bắn và bẫy bắt động vật hoang dã.
Được biết, trồng thảo quả đang là một hướng làm kinh tế được chính quyền huyện Quản Bạ khuyến khích đối với người dân sống cạnh rừng. Riêng ba xã Tùng Vài, Tả Ván và Cao Mã Pờ hiện có hơn 1.000 ha trồng thảo quả. Đây là loại cây thu lợi đáng kể cho người dân, nhất là những hộ ít đất. Tuy nhiên, vì nhường đất sống cho Voọc mũi hếch, tháng 8 vừa qua, UBND huyện đã quyết định không phát triển thêm diện tích trồng thảo quả nữa.
“ Tả Ván có hai thôn vùng đệm của vùng voọc sinh sống và có đến 171 ha trồng thảo quả. Chỉ tiêu của huyện đặt ra cho xã trong năm nay là có thêm 40 ha thảo quả, đến nay chúng tôi đã trồng được một nửa chỉ tiêu, nhưng với quyết định mới này của huyện thì sẽ thôi không trồng đủ chỉ tiêu nữa, anh Nguyễn Viết Toàn, Chủ tịch UBND xã Tả Ván cho biết.
Mỗi hộ dân trồng thảo quả có thể kiếm được 5 đến 6 triệu đồng mỗi năm. Nên mặc dù đồng ý không phát triển thêm diện tích thảo quả nữa, nhưng vì sinh kế của người dân, ông Giàng Chẳn Xin, Chủ tịch xã Tùng Vài kiến nghị huyện và tỉnh cần tìm ra biện pháp kỹ thuật tăng năng suất, thâm canh trên diện tích thảo quả đã có.
Bên cạnh đó, để bảo tồn loài voọc, nhiều biện pháp khác đã được bàn đến như nên thành lập tổ tuần tra trong khu vực rừng để giám sát quần thể Voọc mũi hếch và các tác động của con người đối với chúng, bảo tồn nguyên trạng tình trạng rừng hiện nay, đặc biệt các khu vực sinh sống của Voọc mũi hếch gồm 5.000 ha, nâng cao nhận thức và niềm tự hào cho người dân địa phương về tầm quan trọng của quần thể Voọc mũi hếch đối với công tác bảo tồn lâu dài loài linh trưởng quý hiếm này.
Mỗi loài sinh vật như một mắt xích trong đa dạng sinh học, nếu chúng ta để cho nhiều mắt xích mất đi, sinh cảnh sống sẽ bị phá vỡ. Với sự chung tay của nhiều cấp ngành, hy vọng mắt xích tưởng đã bị đứt trong đa dạng sinh học ở Việt Nam sẽ được nối lại và quần thể Voọc mũi hếch mới tìm thấy ở Quản Bạ sẽ dần sinh sôi, phát triển.
Ước tính số lượng quần thể toàn cầu của Voọc mũi hếch khoảng 200 cá thế nhưng chỉ có bốn khu vực thuộc Tuyên Quang và Hà Giang đang nuôi dưỡng những tiểu quẩn thể có thể phát triển với ít nhất 20 cá thể là: phân khu Tát Kẻ (Na Hang, Tuyên Quang với khoảng 20 cá thể) và Bản Bung (cũng thuộc Na Hang, Tuyên Quang với khoảng 50 cá thể), khu vực Khau Ca (tỉnh Hà Giang có khoảng 70 cá thể) và khu vực Tùng Vài (tỉnh Hà Giang với khoảng 20 cá thể). |