Với gần 300 tư liệu ảnh, hiện vật và bài viết, Trưng bày tựa cuốn phim quay chậm đưa công chúng ngược dòng thời gian trở về lịch sử cách đây 50 năm để chứng kiến bối cảnh, quá trình, kết quả đàm phán Hội nghị Paris. Trưng bày kết cấu theo ba phần.
Phần một “Vạch đường tới hòa bình” tập trung giới thiệu bối cảnh trong nước, quốc tế, sự đấu tranh kiên cường, bất khuất của quân dân Việt Nam, buộc đế quốc Mỹ phải chấp nhận đi tới hội nghị đàm phán với tinh thần “tìm kiếm một nền hòa bình trong danh dự”.
Phần hai “Mở cánh cửa hòa bình” thể hiện quá trình đàm phán cam go với những cuộc đấu lý, đấu trí quyết liệt kéo dài, để rồi cuối cùng chiến thắng đã thuộc về công lý, Hiệp định Paris được ký vào ngày 27/1/1973 đã mở ra cánh cửa hòa bình cho nhân dân Việt Nam.
Phần ba “Tiến tới hòa bình” khắc họa quá trình ta kiên quyết đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Paris, đẩy mạnh và kết hợp chặt chẽ đấu tranh trên ba mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao, liên tiếp giành những thắng lợi vang dội. Đặc biệt, với tinh thần tranh thủ từng giờ, từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng miền nam, quân và dân ta đã làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất Tổ quốc, hòa bình thật sự được lập lại trên toàn lãnh thổ Việt Nam…
Tại Trưng bày, người xem được tiếp cận nhiều tư liệu, hình ảnh giá trị tập hợp từ nhiều nguồn lưu trữ khác nhau, như những bức ảnh thể hiện âm mưu, quá trình đế quốc Mỹ leo thang can thiệp vào Việt Nam, tuyên bố của Tổng thống Lyndon B.Johnson về việc sẽ gặp Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiến hành hội đàm tại Paris (ngày 3/5/1968), Công hàm của Chính phủ Mỹ gửi Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 4/5/1968) thông báo về việc đàm phán hòa bình sẽ chính thức bắt đầu tại Paris từ ngày 10/5/1968…, những hình ảnh liên quan ký Hiệp định Paris, phong thái ngoại giao Lê Đức Thọ và Nguyễn Thị Bình…, hình ảnh quân ta cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975, nụ cười của hai bà mẹ miền nam - bắc vui mừng gặp nhau sau ngày Giải phóng tháng 10/1975… Cùng với đó còn là những câu chuyện thú vị về “phòng hạnh phúc”, về chiếc bàn hội nghị hình tròn, về kỷ niệm của những người trong cuộc…
Qua đó, Trưng bày làm rõ hơn ý nghĩa của Hiệp định Paris đối với cách mạng Việt Nam và tiến trình để đi đến hòa bình của đất nước ta, khẳng định trí tuệ, sự lãnh đạo đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng trong từng giai đoạn đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, cũng như bản lĩnh, tính chủ động, lập trường cương quyết, đường lối thương thuyết khéo léo của phái đoàn ta trong suốt quá trình đàm phán, ký Hiệp định Paris.
Đặc biệt, Trưng bày còn giới thiệu đến công chúng những hiện vật độc bản, nguyên gốc, giàu giá trị, trong đó có những hiện vật lần đầu được trưng bày. Tiêu biểu phải kể đến bộ bốn chiếc bút đã được các đồng chí: Lê Đức Thọ, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Thị Bình sử dụng để ký Hiệp định Paris ngày 27/1/1973. Bút đã được các đồng chí mang về nước và trao lại cho Văn phòng Trung ương Đảng. Ngày 20/2/1986, Văn phòng Trung ương Đảng bàn giao lại cho Bảo tàng Hồ Chí Minh để bảo quản và phát huy giá trị lâu dài.
Bốn chiếc bút giống hệt nhau về hình dáng, kích thước và mầu sắc, đều là bút dạ, vỏ bằng nhựa đen do Đức sản xuất, nhãn hiệu Papeterie, nắp cài bằng kim loại trắng, ngoài vỏ khắc tiếng Việt “Bút ký Hiệp định Paris ngày 27/01/1973”. Tham quan Trưng bày, người xem còn được biết đến một số hiện vật thú vị như Thẻ tham dự Hội nghị Paris về Việt Nam của bà Vũ Thị Đạt số N04109. Năm 1968, bà vinh dự được lựa chọn là một trong 37 thành viên đầu tiên của Đoàn đàm phán Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang Paris, Cộng hòa Pháp tham dự Hội nghị Paris về Việt Nam.
Với tư cách là Trưởng đoàn lễ tân, bà có mặt trong rất nhiều các hoạt động của đoàn như: các buổi họp với phía Mỹ, các cuộc gặp gỡ chính khách, kiều bào… Cùng với đó là trưng bày về bộ chén mà ông Henry Kissinger tặng đồng chí Lê Đức Thọ trong cuộc gặp gỡ, trao đổi bên lề Hội nghị năm 1973.
Hộp đựng chén được làm bằng giấy bìa cứng bọc vải mầu xanh, vải lót trong đã bạc mầu, bên trong là sáu chén có tay cầm, chất liệu bằng kim loại đã xỉn mầu. Món quà phần nào thể hiện được sự ngưỡng mộ, nể phục của một nhà ngoại giao, đàm phán có tiếng phía đối phương dành cho vị cố vấn đặc biệt của Việt Nam. Theo dòng chảy thời gian, những hiện vật thật sự đã trở thành bằng chứng lịch sử cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước của dân tộc.
Có mặt tại Trưng bày, ông Lê Nam Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, con trai của cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ chia sẻ, 50 năm đã trôi qua nhưng những cảm xúc trong ông vẫn nguyên vẹn như thời điểm Hiệp định Paris được ký, mở ra cánh cửa hòa bình cho dân tộc Việt Nam. “Ba tôi chưa bao giờ là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp nhưng ông đã luôn học hỏi, nghiên cứu, làm hết sức mình, thực hiện đúng phương châm ngoại giao của Bác Hồ là dĩ bất biến, ứng vạn biến.
Trên bàn đàm phán Hội nghị Paris, dù có lúc phải nhượng bộ, mềm dẻo, nhưng cố vấn Lê Đức Thọ luôn cương quyết đấu tranh bảo đảm độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, làm sao Mỹ phải rút khỏi Việt Nam… Ông Lê Nam Thắng cũng nhận định, trong suốt 5 năm đàm phán, nước ta đã tận dụng rất tốt diễn đàn công khai để tuyên truyền tới anh em, bạn bè quốc tế về mong muốn hòa bình của Việt Nam, về tính phi nghĩa của cuộc chiến tranh mà Mỹ tiến hành ở Việt Nam, qua đó tranh thủ lôi kéo được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân các nước trên thế giới, góp phần đưa kết quả đàm phán đi đến thắng lợi…
Trưng bày chuyên đề “Hiệp định Paris - Cánh cửa hòa bình” diễn ra tại Bảo tàng Hồ Chí Minh đến đầu tháng 5/2023.