Những trận động đất tại Nhật Bản

NDO - Ðộng đất là một hiện tượng thường xuyên xảy ra ở Nhật Bản. Số cơn địa chấn mà con người không cảm thấy được nhiều tới mức khó tính toán nổi. Roi-tơ dẫn nghiên cứu của các nhà khoa học tổng kết, ít nhất cứ khoảng năm phút có một cơn "chuyển mình" của mặt đất.

Trong vòng một thế kỷ qua, ở Nhật Bản đã có 24 vụ động đất mạnh từ 6 độ rích-te trở lên, chiếm khoảng 20% số trận động đất hơn 6 độ rích-te của thế giới. Gần 10% năng lượng thoát ra trên toàn thế giới mỗi năm do các vụ động đất tập trung ở quần đảo Nhật Bản.

Nguyên nhân của hiện tượng trên là do quần đảo Nhật Bản nằm trên 'Vành đai lửa Thái Bình Dương', là vành đai núi lửa, các rãnh đại dương, vòng cung quần đảo quanh vòng lòng chảo Thái Bình Dương. Bị vặn ép bên dưới địa tầng nơi quần đảo Nhật Bản nằm trên đó, là các địa tầng Thái Bình Dương và biển Phi-li-pin, khiến cho mặt đất không ổn định, gây ra nhiều vụ động đất. Nhật Bản có nhiều kinh nghiệm và kỹ thuật hiện đại chống động đất, nhưng do đây là hiện tượng thiên nhiên rất khó kiểm soát, nên người Nhật Bản không có cách lựa chọn nào khác là phải sống chung với động đất, trong khi luôn đề phòng khả năng xảy ra các trận động đất lớn.

Khủng khiếp nhất phải kể đến vụ động đất Kanto mạnh 7,9 độ rích-te, ngày 1-9-1923, làm rung chuyển toàn bộ khu vực Tô-ki-ô - Y-ô-kô-ha-ma, khiến hầu hết các tòa nhà sụp đổ và kéo theo cơn sóng thần cao tới 12 mét. Ðộng đất gây một loạt vụ cháy, khiến 90% số tòa nhà ở Y-ô-kô-ha-ma hư hại nặng, gần một nửa TP Tô-ki-ô bị phá hủy. Gần 143 nghìn người chết, riêng tại Tô-ki-ô có hơn 60 nghìn người chết.

Năm 1927, TP Tan-gô chứng kiến trận động đất 7,6 độ rích-te, khiến hơn ba nghìn người chết. Năm 1933, hơn 3.000 người ở TP San-ri-ku chết trong trận động đất 8,4 độ rích-te, gây sóng thần, phá hủy và cuốn trôi khoảng năm nghìn ngôi nhà. Năm 1943, trận động đất 7,4 độ rích-te ở TP Tốt-ti-rin làm 1.190 người chết, phá hủy khoảng 7.500 ngôi nhà. Năm 1944, động đất 8,1 độ rích-te ở TP Tô-nan-kai làm gần một nghìn người chết và khoảng 73 nghìn ngôi nhà bị phá hủy. Năm 1945, TP Mi-ka-oa hứng chịu trận động đất 7,1 độ rích-te, làm gần hai nghìn người chết; hơn 17 nghìn ngôi nhà bị phá hủy hoặc hư hại nặng. Năm 1946, TP Nan-kai-đô hứng chịu động đất mạnh 8,1 độ rích-te; hơn 1.360 người chết, hơn 2.600 người bị thương; khoảng 36 nghìn ngôi nhà bị phá hủy. Năm 1948, hơn 3.700 người chết trong trận động đất 7,3 độ rích-te ở TP Phu-ku-I; khoảng 67 nghìn ngôi nhà bị phá hủy.

Ðộng đất gây thiệt hại nặng gần đây nhất là trận động đất mạnh 7,2 độ rích-te, xảy ra ngày 17-1-1995, tại TP Kô-bê. Ðây cũng được coi là một trong những vụ động đất tàn phá nghiêm trọng nhất trong lịch sử Nhật Bản, với khoảng 6.430 người chết, hơn 40 nghìn người bị thương và gần 400 nghìn ngôi nhà bị sập hoặc hư hại. Cũng trong thập niên 90 của thế kỷ trước, một số vụ động đất lớn đã xảy ra ở khu vực Hốc-kai-đô và Tô-hô-ku. Trong đó, mạnh nhất là vụ động đất ngoài khơi phía tây - nam Hốc-kai-đô vào tháng 12-1993, có cường độ 7,9 độ rích-te.

Ngày 23-10-2004, xảy ra trận động đất mạnh 8,6 độ rích-te tại khu vực Ni-ga-ta, cách Tô-ki-ô 250 km, làm ít nhất 65 người chết và hơn ba nghìn người bị thương. Ngày 16-8-2005, trận động đất lớn với cường độ 7,2 độ rích-te làm rung chuyển mạnh khu vực phía bắc, cách Tô-ki-ô khoảng 300km. Trận động đất làm bị thương 80 người. Trận động đất mạnh gần 9 độ rích-te xảy ra ngày 11-3-2011, ở ngoài khơi đông - bắc Nhật Bản gây ra cơn sóng thần cao 10 mét vào sâu đất liền, xóa sổ nhiều thành phố, khiến hơn chục nghìn người chết và mất tích. Chính phủ và người dân Nhật Bản đang nỗ lực khắc phục hậu quả.

Năm trận sóng thần khủng khiếp nhất lịch sử thế giới :

* Kra-ka-toa (In-đô-nê-xi-a), 1883: Sóng thần cao gần 40 mét, xảy ra sau khi núi lửa Kra-ka-toa phun trào; phá hủy hơn hai phần ba đảo Kra-ka-toa; gần 40 nghìn người chết, chủ yếu trên các đảo Gia-va và Xu-ma-tra.

* Nan-kai-đô (Nhật Bản), 1498: Trận động đất mạnh 8,6 độ rích-te gây sóng thần cao 17 mét tiến vào Nan-kai-đô, cướp đi sinh mạng của 31 nghìn người.

* Li-xbon (Bồ Ðào Nha), 1755: Ðộng đất mạnh 9 độ rích-te gây sóng thần cao khoảng 12 - 18 mét, tàn phá Thủ đô Li-xbon và vùng lân cận, khiến khoảng 90 nghìn người chết.

Tại Ma-rốc cũng có hơn 10 nghìn người chết.

* Me-xi-na (I-ta-li-a), 1908: Ðộng đất 7,5 độ rích-te xảy ra ở eo biển Me-xi-na, giữa các đảo Xi-xin và Ca-la-bri-a của I-ta-li-a; gây sóng thần tàn phá một số thành phố. Khoảng 80 nghìn người chết.

* Sóng thần Ấn Ðộ Dương, 2004: Ðộng đất 9,3 độ rích-te ngoài khơi Xu-ma-tra (In-đô-nê-xi-a) kích hoạt chuỗi sóng thần lan tỏa khắp Ấn Ðộ Dương, với những con sóng cao 30 m, cướp đi sinh mạng của 225 nghìn người ở 11 quốc gia.