Lực lượng lao động của TKV (khối sản xuất than) có thời điểm 20 nghìn người (chiếm gần 30 % tổng số lao động ngành than tại Quảng Ninh) phải nghỉ việc do ảnh hưởng dịch. Chi phí sản xuất của TKV tăng khoảng 3.000 tỷ đồng do biến động giá cả đầu vào. Mặc dù đối mặt nhiều biến động bất thường cùng lúc, nhưng ngành than vẫn vượt qua khó khăn "kép" với nhiều chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh đạt mức kỷ lục.
Tăng trưởng vượt bậc
Năm 2022, do giá than nhập khẩu tăng vọt, khiến nhu cầu than cho phát triển kinh tế trong nước cũng tăng ở mức cao nhất từ trước tới nay, tạo áp lực rất lớn đến việc sản xuất, cung ứng than của TKV. Trong khi việc xin cấp phép, gia hạn giấy phép khai thác than, khoáng sản bị vướng mắc do quy hoạch, cơ chế chính sách chưa đồng bộ, đã hạn chế năng lực sản xuất than của TKV do không tăng được sản lượng khai thác, cộng với việc giá than cho sản xuất điện chưa được điều chỉnh, làm thiếu hụt nguồn cung, gây áp lực cho Tập đoàn trong điều hành sản xuất tiêu thụ than.
Trước những yếu tố bất thường đó, TKV vẫn vươn lên hoàn thành toàn diện kế hoạch sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng vượt bậc, doanh thu đạt cao nhất kể từ khi thành lập TKV; cung cấp đủ và kịp thời than cho sản xuất điện và phân bón, góp phần bình ổn giá cả thị trường; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người lao động.
Theo Tổng Giám đốc TKV Đặng Thanh Hải, doanh thu năm 2022 của TKV đạt 165.900 tỷ đồng, đạt 126% kế hoạch, bằng 119% so năm 2021; nộp ngân sách nhà nước 21.350 tỷ đồng, tăng 3.450 tỷ đồng so với kế hoạch. Lợi nhuận dự kiến đạt 8.100 tỷ đồng, tăng 2,7 lần so với kế hoạch, tương đương tăng gần 5.000 tỷ đồng so năm 2021. Về sản xuất, TKV sản xuất 39,4 triệu tấn than, đạt 101% kế hoạch năm, tương đương thực hiện năm 2021; nhập khẩu 4,75 triệu tấn than; tiêu thụ 46,5 triệu tấn; trong đó, tiêu thụ trong nước 45,3 triệu tấn.
Cùng với đó, TKV cũng sản xuất 1,47 triệu tấn alumin, tăng 4% so năm 2021 và tiêu thụ 1,45 triệu tấn; khai thác 105 nghìn tấn tinh quặng đồng, tăng 4,7%; sản xuất 30 nghìn tấn đồng, tăng 65% và tiêu thụ đồng tấm đạt 33 nghìn tấn, tăng 153%. Tiền lương bình quân hằng tháng của toàn Tập đoàn ước đạt 16,5 triệu đồng/người, tăng 13,5% so năm 2021.
Năm 2022, TKV đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị trực thuộc huy động tối đa năng lực để tăng sản lượng than, khai thác, cung cấp than kịp thời, đúng tiến độ cho các hộ tiêu thụ theo hợp đồng đã ký. Tập đoàn cũng chỉ đạo tiết giảm tối đa chi phí pha trộn giữa than nhập khẩu và than trong nước để giảm giá bán than pha trộn cho các hộ điện. Phát huy trách nhiệm chính trị trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, TKV đã cung cấp đủ than cho các hộ tiêu thụ theo hợp đồng kinh tế đã ký trong điều kiện sản xuất khó khăn, không tăng được sản lượng than khai thác do giới hạn giấy phép khai thác.
Khó khăn gấp đôi, nỗ lực gấp ba
Với tinh thần "khó khăn gấp đôi, nỗ lực gấp ba", quyết tâm đổi mới sáng tạo không ngừng, năm 2023, TKV sẽ triển khai các giải pháp đến từng đơn vị để thực hiện sản xuất, kinh doanh ổn định, cung cấp đủ than cho các ngành kinh tế, nhất là than cho sản xuất điện, sản xuất phân bón theo hợp đồng đã ký; trong đó, than cho điện không dưới 38,5 triệu tấn, than cho sản xuất phân bón không dưới 2,5 triệu tấn.
TKV phấn đấu sản xuất 39,18 triệu tấn than nguyên khai, 38,72 triệu tấn than sạch, trong đó chế biến từ đất đá lẫn than 3,5 triệu tấn; lên kế hoạch nhập khẩu 9,2 triệu tấn than về phối trộn, túy tình hình thị trường để điều chỉnh cho phù hợp; tiêu thụ 46,5 triệu tấn than. Về khoáng sản, phấn đấu sản xuất 1,3 triệu tấn alumin (quy đổi), 30 nghìn tấn đồng tấm,…
Tổng Giám đốc TKV Đặng Thanh Hải cho biết, TKV đã chỉ đạo các công ty khai thác than đầu tư thiết bị, nhất là các thiết bị cơ giới hóa cho mỏ hầm lò, xe vận tải có tải trọng lớn cho mỏ lộ thiên, thiết bị vận chuyển than, tiến dần đến mục tiêu các mỏ lộ thiên tự vận chuyển 70% khối lượng vận chuyển đất đá theo kế hoạch hằng năm.
"Các đơn vị phải tập trung nguồn lực, ưu tiên đầu tư các dự án trọng điểm, nâng công suất mỏ, hướng đến phát triển bền vững; đưa các dự án hoàn thành đúng tiến độ để cung cấp than cho nền kinh tế, nâng cao năng lực nội tại và bảo đảm việc làm lâu dài cho hàng chục nghìn công nhân mỏ", ông Đặng Thanh Hải nhấn mạnh.
Tập đoàn đang xây dựng phương án pha trộn than theo hướng tăng tối đa than nhập khẩu để giảm áp lực than sản xuất trong nước trong điều kiện quy hoạch năng lượng (trong đó có quy hoạch phân ngành than) chưa được phê duyệt. Các đơn vị trực thuộc TKV cũng chủ động xây dựng kế hoạch điều hành sản xuất, tiêu thụ than, khai thác tối đa nội lực phù hợp giấy phép khai thác.
Đồng thời, ban lãnh đạo TKV tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thực hiện Chiến lược "3 hóa" (Cơ giới hóa-Tự động hóa-Tin học hóa) trong dây chuyền sản xuất, coi đây là "xương sống" giúp các đơn vị phát triển bền vững, phấn đấu giảm tỷ lệ tổn thất tài nguyên theo công nghệ khai thác lộ thiên về dưới 4,3%, công nghệ khai thác hầm lò về dưới 20%, xây dựng mô hình "Mỏ hiện đại-mỏ xanh, sạch, đẹp-mỏ an toàn-mỏ ít người" để bứt phá trong sản xuất.
Trong điều kiện diện sản xuất ngày càng xuống sâu, công nghệ khai thác hiện đại sẽ mang lại hiệu quả "kép", tiết giảm số lượng lao động, cải thiện điều kiện làm việc, bảo đảm an toàn, nâng cao năng suất lao động.
Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Thành viên, phụ trách Hội đồng thành viên TKV cho biết, TKV đang hướng đến chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính sang mô hình kinh tế tuần hoàn, phát triển Tập đoàn một cách bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên và năng lượng, ít carbon, vững mạnh và cạnh tranh hơn.
Để triển khai thành công các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, TKV kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận gia hạn thực hiện một số quy hoạch than, quy hoạch khoáng sản đã hết niên hạn và một số dự án phải triển khai trong năm 2023 có trong dự thảo quy hoạch nhằm kịp thời thực hiện đầu tư các dự án bảo đảm tiến độ; phê duyệt kế hoạch xuất khẩu than dài hạn để TKV chủ động trong sản xuất, kinh doanh; xem xét tăng giá bán than trong nước, giúp TKV cân đối chi phí sản xuất, phục vụ đầu tư phát triển.
Đồng thời, cho phép TKV khởi động lại triển khai dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh), cấp giấy phép khai thác khoáng sản cromit mỏ Cổ Định (Thanh Hóa). Ngành than tiếp tục áp dụng công nghệ mới tiên tiến hiện đại, khai thác tối đa chuỗi giá trị gia tăng trên nền sản xuất than-khoáng sản; xây dựng tiến độ các dự án mỏ hầm lò xuống sâu, duy trì sản lượng khai thác; chủ động, linh hoạt sản xuất và tiêu thụ than theo mô hình "sản xuất và thương mại than", vừa xuất khẩu, vừa nhập khẩu than; khai thác tối đa lợi thế trong việc pha trộn than nhập khẩu và than sản xuất trong nước,…