Những sửa đổi cơ bản phần "Thừa kế" của Bộ luật Dân sự năm 2005

Qua 10 năm thi hành Bộ luật Dân sự, thực tiễn xét xử cho thấy những quy định pháp luật về thừa kế đã đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, từ sau năm 1995 đến nay đã có hàng loạt văn bản pháp luật có liên quan được ban hành như Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000, Luật Đất đai năm 2003, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (sửa đổi), Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi), dẫn đến những bất cập nhất định, đó là những quan hệ liên quan đến tài sản, quyền sử dụng đất và những quan hệ khác có liên quan đến thừa kế. Vì vậy, Bộ luật Dân sự lần này đã bổ sung, chỉnh sửa một số quy định phù hợp và mang tính khả thi hơn.

Những điều được sửa đổi cơ bản trong các chương sau:

I. Những quy định chung

Điều 634: Di sản trong BLDS 2005 đã coi quyền sử dụng đất là một tài sản và tại Điều 174 khẳng định đất đai thuộc bất động sản. Chính vì vậy, BLDS 2005 đã bỏ khoản 2 Điều 637 cũ của BLDS 1995 là "Quyền sử dụng đất cũng thuộc di sản thừa kế và được để lại thừa kế theo quy định của Phần thứ năm của Bộ luật này". Việc bỏ quy định này là hoàn toàn phù hợp với các nội dung cụ thể của BLDS.

Điều 637: Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại: Tại Điều 640 BLDS 1995 đã được bổ sung nội dung nhằm làm rõ hơn phần trách nhiệm của những người thừa kế chỉ phải gánh chịu "nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại" và khẳng định rõ từng người thừa kế cũng chỉ "... thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận" với quy định mới còn mở rộng thêm "trừ trường hợp có thỏa thuận khác" đó là, trong những trường hợp người thừa kế có thể vì danh dự gia đình, tình nghĩa cha con, vợ chồng đã đứng ra chịu toàn bộ cho dù họ phải "bỏ tiền túi" của mình để thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà người chết để lại.

Điều 641: Việc thừa kế của những người có quyền thừa kế di sản của nhau mà chết cùng thời điểm về nguyên tắc thì những người có quyền thừa kế di sản của nhau mà chết cùng thời điểm thì không được quyền thừa kế của nhau như quy định tại Điều 644 BLDS 1995 nhưng tại Điều 641 BLDS 2005 đã mở ra trường hợp ngoại lệ đối với thừa kế thế vị, nhằm mục đích bảo đảm quyền thừa kế của gia đình, dòng họ và chuyển di sản của họ cho những người thừa kế gần nhất để phát triển khối tài sản của dòng họ mình.

Điều 642: Từ chối nhận di sản: Điều này đã làm rõ hơn và thể hiện một cách nhân đạo nhằm bảo vệ quyền lợi của người thừa kế, trong trường hợp vì một lý do nào đó mà họ chưa kịp bày tỏ ý chí của mình là nhận hay không nhận thừa kế thì sau 6 tháng để từ thời điểm mở thừa kế, họ vẫn không mất đi quyền được nhận thừa kế của mình.

Điều 644: Tài sản không có người nhận thừa kế thuộc Nhà nước (Điều 647 cũ) về nguyên tắc không thay đổi, tuy nhiên có bổ sung về mặt nội dung, đó là "... sau khi thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà không có người nhận thừa kế thuộc Nhà nước" điều này đã bảo vệ được quyền lợi của các chủ nợ cũng như những người có quyền lợi có liên quan đến tài sản có liên quan.

Điều 645: Thời hiệu khởi kiện về thừa kế

Với quy định mới bổ sung đã làm rõ hơn về hai loại thời hiệu:

1. Thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế, bác bỏ quyền thừa kế;

2. Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kể thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại.

Việc bổ sung quy định "thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kể thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại..." đã xác định quyền về tài sản của các chủ nợ cũng như những người khác có liên quan đến di sản chỉ được bảo vệ trong thời hiệu là 3 năm. Sau 3 năm kể từ khi mở thừa kế (kể từ khi con nợ chết) nếu người có quyền không yêu cầu thì khi đó họ mới bị mất quyền lợi của mình.

Việc quy định như vậy không chỉ bảo đảm được tính ổn định trong giao lưu dân sự của người thừa kế mà còn làm rõ hơn và phân biệt giữa các thời hiệu, đó là thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế, xác nhận quyền thừa kế và bác bỏ quyền thừa kế là 10 năm và thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ là 3 năm.

II. Về thừa kế theo di chúc

Điều 648: Quyền của người lập di chúc: Ngoài những quyền như quy định tại Điều 651 BLDS 1995 trước đây: Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản thừa kế; phân định phần di sản cho từng người thừa kế; dành một phần tài sản trong khối di sản để tặng, thờ cúng; chỉ định người giữ di chúc, quản lý di sản, người phân chia di sản thì quyền của người lập di chúc, không bị bó hẹp trong quyền giao nghĩa vụ cho người thừa kế trong phạm vi di sản nữa, mà người lập di chúc có thể giao nghĩa vụ như chăm sóc cho bố, mẹ, ông, bà... hoặc có thể thỏa thuận để thanh toán nghĩa vụ về tài sản cho mình vượt quá phần tài sản có của người lập di chúc để lại và được người thừa kế đồng ý.

Điều 650: Di chúc bằng văn bản (Điều 653 cũ) về nội dung không có gì mới, tuy nhiên đáng chú ý là điều này bỏ khoản 3 và 4 của Điều 653 cũ quy định di chúc phải có "chứng thực của Ủy ban cấp xã phường, thị trấn" "chứng nhận của công chứng nhà nước". Di chúc do chính cá nhân viết tay thì di chúc đó vẫn được coi là hợp pháp nếu như họ tuân thủ những gì được quy định tại Điều 653 BLDS 2005.

Điều 652: Di chúc hợp pháp

Di chúc miệng tại Điều 645 BLDS 1995 được coi là hợp pháp với điều kiện "thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng phải ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ".

Điều 668: Hiệu lực pháp luật của di chúc chung của vợ, chồng: Di chúc chung của vợ chồng là loại di chúc đặc biệt được xác lập do 2 người có tài sản chung hợp nhất, cùng định đoạt chung, bởi vậy BLDS 2005 đã sửa về hiệu lực loại di chúc đặc biệt và phức tạp này cho phù hợp với tính chất và bảo đảm được trọn vẹn ý chí của hai người, đó là hiệu lực pháp luật của di chúc chung của vợ, chồng từ thời điểm người sau cùng chết hoặc tại thời điểm vợ chồng cùng chết.

III. Về thừa kế theo pháp luật

Điều 676: Người thừa kế theo pháp luật về nội dung không có ai thay đổi làm rõ vấn đề cháu ruột của người chết là mối quan hệ gì. Vì vậy tại khoản 1b của Điều 676 BLDS 2005 quy định: "Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại".

Điều 680: Việc thừa kế trong trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung, đang xin ly hôn, đã kết hôn với người khác. Tại Điều 680 BLDS 2005 quy định: "Vợ chồng xin ly hôn mà chưa được hoặc đã được TA cho ly hôn bằng một bản án hoặc bằng quyết định chưa có hiệu lực pháp luật thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản" với quy định này đã tháo gỡ nhiều sự thắc mắc và tránh được những vụ tranh chấp đáng tiếc xảy ra.

IV. Về thanh toán và phân chia di sản

Điều 686: Hạn chế phân chia di sản: Để giải quyết những trường hợp trong thực tế đã xảy ra vì lợi ích cá nhân, đồng tiền mà nhiều người đã đánh mất đi tình cảm tốt đẹp của mình, đã bắt bố (mẹ) mình phải bán ngôi nhà là tài sản duy nhất cũng là phương tiện kiếm sống duy nhất của người thân để bắt chia thừa kế; đồng thời để phù hợp với Luật HN&GĐ năm 2000, việc hạn chế phân chia di sản có ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người còn lại... BLDS 2005 quy định tại đoạn 2 Điều 686 là: "Trong trường hợp yêu cầu chia di sản thừa kế mà việc chia ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên vợ hoặc bên chồng còn sống và gia đình thì bên còn sống có quyền yêu cầu TA xác định phần di sản mà những người thừa kế được hưởng nhưng chưa cho chia di sản trong thời hạn nhất định nhưng không quá 3 năm kể từ thời điểm mở thừa kế, nếu hết thời hạn do TA xác định hoặc bên còn sống đã kết hôn với người khác thì những người thừa kế khác có quyền yêu cầu TA cho chia di sản thừa kế". Đây là quy định nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người thừa kế có khó khăn về tài chính, về công ăn việc làm mà bổ sung, quy định trong BLDS 2005 lần này.

Điều 687: Phân chia di sản trong trường hợp có người thừa kế mới hoặc có người thừa kế bị bác bỏ quyền thừa kế.

Đây là một điều hoàn toàn mới được đưa vào BLDS 2005 nhằm giải quyết sự bất cập trong thực tiễn, đó là những vụ việc kiện đòi thừa kế xảy ra đến hàng chục năm mà những người thừa kế vẫn yêu cầu chia đi chia lại nhiều lần, trong khi khối di sản không chỉ đã bị biến đổi qua nhiều năm tháng (được tôn tạo, sửa chữa) hoặc vì đập phá xây dựng mới, mà còn được mua đi bán lại nhiều lần; quy định mới này đã giải quyết bằng cách không chia bằng hiện vật mà thanh toán lại bằng tiền tại thời điểm chia thừa kế cho những trường hợp có người thừa kế mới hoặc có người thừa kế bị bác bỏ quyền thừa kế. Đây là giải pháp tối ưu, không chỉ bảo vệ quyền lợi cho người thừa kế mà còn tôn trọng tính ổn định trong giao dịch dân sự.