Những nỗi niềm trong thơ Tú Xương

Tú Xương (1870 - 1907). Tranh của Trần Quang Trân
Tú Xương (1870 - 1907). Tranh của Trần Quang Trân

Với Trần Tế Xương, trong 20 năm (từ 1886 đến 1906) đã tám lần đi thi hương, nhưng học vị cao nhất chỉ là tú tài; và có lẽ trong bối cảnh ấy, đã làm nên một nhà thơ lớn, mang tên Tú Xương, mà thơ, phú, câu đối của ông có một tâm trạng riêng, thân phận riêng không giống ai, nên nó sống mãi cùng năm tháng; đúng như Nguyễn Khuyến - nhà thơ cùng thời đã khẳng định thơ Tú Xương "Ắt hẳn nghìn thu tiếng vẫn còn", còn Phan Bội Châu sau này ngợi ca Tú Xương là bậc "Thần thơ - thánh chữ".

Trần Tế Xương sinh ra, lớn lên trong cảnh nước mất, xã hội bị phân hóa, nhiều kẻ ôm chân thực dân Pháp làm tay sai cho chúng, mong sao được "sớm rượu sâm banh, tối sữa bò". Nhưng nhiều sĩ phu yêu nước như Tiến sĩ Phạm Văn Nghị, hoặc ông nghè Vũ Hữu Lợi... đã chiêu mộ quân sĩ, chống lại quân xâm lược. Lại có nhà nho yêu nước - như Tam nguyên Nguyễn Khuyến - đã cáo quan về ở ẩn, bất hợp tác với chính quyền thực dân, phong kiến; còn Trần Tế Xương lại có cách phản kháng riêng của mình, đó là việc ông viết nên những bài thơ, bài phú, câu đối... mỉa mai, châm chọc, chế giễu cái xã hội thối nát ấy.

"Ở phố Hàng Song thật lắm quan / Thành thì đen kịt, Ðốc thì lang / Chồng chung vợ chạ kìa cô Bố / Ðậu lạy quan xin nọ chú Hàn" (bài Phố Hàng Song). Phong cách sống của thị dân cùng những thói hư tật xấu của một vùng đất nửa làng nửa phố ấy, được ông Tú nhiều lần đưa vào thơ của mình, lúc thông cảm lúc giễu cợt chua cay, lúc phê phán quyết liệt "Nhà kia lỗi phép con khinh bố / Mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng / Keo cú người đâu như cứt sắt / Tham lam chuyện thở rặt hơi đồng" (bài Ðất Vị Hoàng).

Cùng với thơ về thi cử, về nhân tình thế thái, về các mối quan hệ xã hội..., hình ảnh người phụ nữ đã in đậm nét trong thơ Tú Xương. Ông viết về thân phận người phụ nữ thôn quê, hoặc những người phụ nữ nửa làng, nửa phố mới hình thành, những người phụ nữ bị đứt gánh giữa đường phải ở vậy hoặc chịu cảnh làm lẽ...

Ở mỗi số phận khác nhau, Tú Xương đã dành cho họ những tình cảm khác nhau, với những lời thơ khác nhau, lúc phê phán nhẹ nhàng, lúc đồng cảm sẻ chia; Tú Xương đã nói hộ chị em trước thân phận hẩm hiu phải lấy lẽ "Mười đêm chị giữ mười đêm cả / Suốt tháng em nằm suốt tháng không" (bài: Cảnh vợ lẽ) nhiều người phụ nữ khác như: Cô Cáy chợ Rồng, cô Kí, cô hầu, người em gái... đều hiện diện trong thơ Tú Xương.

Nhưng đặc biệt nhất vẫn là những bóng hồng thấp thoáng trong thơ ông với một tần xuất nhiều hơn, da diết hơn, vương vấn cũng nhiều hơn. Họ có thể là người bạn gái đi với ông trong một đêm mưa xuân: "Ai ơi còn nhớ ai không / Ðêm mưa một mảnh áo bông che đầu / Rạng ngày ai biết ai đâu / Áo bông ai ướt, khăn đầu ai khô / Người đi Tam Ðảo, Ngũ Hồ / Kẻ về khóc trúc thương ngô một mình...".

Hình ảnh người vợ tần tảo, thương chồng thương con, đảm đang việc nhà để ông rảnh rang đèn sách, vui thú bạn bè, đi đây đi đó... đã được ông nhắc đến nhiều nhất với lòng biết ơn chân thành.

Trong bài thơ "Thương vợ" ông Tú viết: "Quanh năm buôn bán ở mom sông / Nuôi đủ năm con với một chồng / Lặn lội thân cò khi quãng vắng / Eo sèo mặt nước buổi đò đông / Một duyên hai nợ âu đành phận / Năm nắng mười mưa dám quản công / Cha mẹ thói đời ăn ở bạc / Có chồng hờ hững cũng như không!".

Hình ảnh bà Tú vất vả với cuộc mưu sinh nhưng cũng thật đằm thắm. Nhiều khi ông biết đùa khéo nịnh bà, làm bà Tú quên hết mệt nhọc, lo toan. Chẳng hạn một hôm, sau khi viết được đôi câu đối vừa ý, ông liền: "... dán lên cột / Hỏi mẹ mày rằng dốt hay hay / Rằng hay thì thật là hay / Chẳng hay sao lại đỗ ngay Tú tài / Xưa nay em vẫn chịu ngài".

Sau lần hỏng thi năm Canh Tý (1900) ông Tú chán đời, nên chơi bời phóng túng hơn, bà Tú can ngăn mãi không được, nên dọa tự tử. Ông Tú có phần hối hận, vội viết bài "Văn tế sống vợ" có đoạn:

Con gái nhà dòng lấy chồng kẻ chợ

Tiếng có miếng không, gặp chăng hay chớ

Mặt nhẵn nhụi, chân tay trắng trẻo, ai dám chê rằng béo rằng lùn

Người ung dung, tính hạnh khoan hòa, chỉ một nỗi hay gàn, hay dở

Ðầu sông bến bãi, đua tài buôn chín bán mười

Trong họ ngoài làng, vụng lẽ chào dơi nói thợ

Gần xa nô nức lắm gái nhiều trai

Sớm tối khuyên răn kẻ thầy người tớ...

Nghe được những lời này hẳn bà Tú càng thương ông hơn và sẵn sàng tha thứ những lỗi lầm ông mắc phải. Có lẽ từ cổ chí kim, ít có nhà thơ nào viết được nhiều thơ và thơ hay về vợ mình bằng ông Tú.

Ông Tú mất đột ngột vào ngày 15 tháng Chạp năm Bính Ngọ (28-1-1907) khi mới 37 tuổi. Bà thay ông nuôi đàn con khôn lớn, và vào năm 1931 - khi 62 tuổi - bà Tú cũng từ bỏ tất cả  theo ông vào cõi vĩnh hằng.

Hiện nay, tại nhà người cháu đích tôn của ông Tú ở TP Nam Ðịnh, đèn khói, hương hoa thơm ngát, nhất là vào mỗi dịp giỗ của ông Tú, bà Tú.

Kỷ niệm 100 năm ngày mất của ông Tú, đọc lại những bài viết về thân phận những người phụ nữ, ta càng cảm thông với nỗi đau đời ông Tú đã trải qua, với lòng thương người của ông Tú, đã dành cho họ, và cũng cảm ơn vùng đất đã sinh ra ông - một nhà thơ lớn của dân tộc.