SỰ CẦN THIẾT SỬA ĐỔI LUẬT THƯƠNG MẠI NĂM 1997
Luật Thương mại đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua vào ngày 10 tháng 5 năm 1997, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 1998. Đây là văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất từ trước đến nay quy định thống nhất về hoạt động thương mại trên lãnh thổ Việt Nam. Qua hơn 7 năm thực hiện, Luật Thương mại năm 1997 đã có những tác động tích cực đến đời sống kinh tế - xã hội của Việt Nam, từng bước đưa hoạt động thương mại vào nề nếp, khuyến khích và phát triển hoạt động thương mại hợp pháp, ngăn chặn và xử lý hành vi bất hợp pháp gây ảnh hưởng xấu đến môi trường thương mại.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua, Luật Thương mại năm 1997 đã bộc lộ những hạn chế nhất định, đòi hỏi phải sửa đổi vì nhiều lý do, trong đó có thể kể đến các lý do cơ bản sau đây:
Một là: Hoạt động thương mại tại Việt Nam trong những năm qua đã phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, nhiều hoạt động trên thị trường có bản chất thương mại nhưng lại chưa được coi là hoạt động thương mại (ví dụ như các hoạt động cung ứng dịch vụ) do Luật Thương mại năm 1997 có phạm vi điều chỉnh hẹp, chỉ xác định hoạt động thương mại bao gồm 14 hành vi thương mại. Nhiều hoạt động thương mại mới xuất hiện hoặc các doanh nghiệp đang có nhu cầu thực hiện nhưng hiện chưa có quy định pháp luật điều chỉnh cụ thể, trong khi những chế định chung của Luật Thương mại năm 1997 không áp dụng được (ví dụ hoạt động nhượng quyền thương mại). Một số hoạt động thương mại dù đã có văn bản quy phạm pháp luật quy định nhưng nội dung còn sơ sài, hiệu lực pháp lý thấp (như đấu giá hàng hóa)... Thực tiễn hoạt động thương mại đa dạng và phong phú, từng bước tiếp cận với trình độ quốc tế đã đặt ra yêu cầu cần sửa đổi Luật Thương mại năm 1997.
Hai là: Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Nhiều hiệp định song phương và điều ước quốc tế đa phương đã và đang được ký kết hoặc gia nhập, trong đó đặc biệt là Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA). Hiện nay, Việt Nam cũng đang thực thi các cam kết trong ASEAN và đẩy mạnh việc đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) với mục tiêu sớm trở thành thành viên của tổ chức này. Do đó, việc thu hẹp sự không tương thích giữa pháp luật thương mại của Việt Nam và pháp luật thương mại quốc tế là một ưu tiên hàng đầu. Một số nội dung của Luật Thương mại năm 1997 chưa phù hợp, không thể hiện kịp thời các quy định của BTA và WTO, thiếu cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các cam kết trong BTA nói riêng và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế nói chung (ví dụ còn một số quy định mang tính phân biệt đối xử chưa hợp lý, thiếu quy định liên quan đến một số vấn đề quan trọng như quyền kinh doanh xuất nhập khẩu, xuất xứ hàng hóa, quá cảnh hàng hóa).
Bên cạnh đó, quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hoạt động mua bán hàng hóa, trong đó có mua bán hàng hóa quốc tế, theo quy định của Luật Thương mại năm 1997 cũng chưa tương thích với điều ước và tập quán thương mại quốc tế đã được thừa nhận rộng rãi trên thế giới như Công ước Viên 1980 về mua bán hàng hóa quốc tế, tập quán theo Incoterms, Unidroit... (ví dụ một số nghĩa vụ của bên bán hàng, bên mua hàng, những quy định về chuyển rủi ro). Trước những bất cập đó việc sửa đổi Luật Thương mại năm 1997 đã trở nên rất cấp thiết để tạo điều kiện cho phát triển quan hệ ngoại thương của Việt Nam.
Ba là: Từ khi có Luật Thương mại năm 1997 tới nay, nhiều văn bản quy phạm pháp luật mới đã được ban hành hoặc đã và đang được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với sự phát triển của hoạt động thương mại. Do đó, nhiều chế định của Luật Thương mại năm 1997 đã trở nên không phù hợp (ví dụ chồng chéo với Luật Doanh nghiệp về địa vị pháp lý của thương nhân, không tương thích với Pháp lệnh Trọng tài Thương mại về khái niệm hoạt động thương mại...).
Ngoài ra, việc soạn thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) với mục tiêu xây dựng những quy định chung về hợp đồng cũng đặt ra yêu cầu cần sửa đổi Luật Thương mại năm 1997 cho phù hợp theo hướng bỏ ra khỏi Luật Thương mại năm 1997 những quy định chung về hợp đồng liên quan đến chào hàng, chấp nhận chào hàng, nội dung chủ yếu của hợp đồng, sửa đổi, bổ sung hợp đồng... Do đó, Luật Thương mại chỉ cần quy định những nội dung mang tính chuyên ngành về hợp đồng trong lĩnh vực thương mại, trong đó chủ yếu là hợp đồng mua bán hàng hóa và hợp đồng cung ứng dịch vụ.
Bốn là: Luật Thương mại năm 1997 có những nội dung không còn đáp ứng được quá trình vận động của thực tiễn thương mại, ví dụ như các quy định liên quan đến chính sách thương mại. Phải khẳng định rằng việc có những điều về chính sách thương mại trong Luật Thương mại năm 1997 là một bước đột phá trong việc chuyển hướng các chính sách thương mại của Việt Nam khi nền kinh tế của chúng ta chuyển sang cơ chế thị trường. Tuy nhiên, việc quy định những chính sách thương mại trong Luật cũng thể hiện sự bất cập là làm cho chính sách trở nên cứng nhắc, khó có thể điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng thời kỳ trong khi Luật lại không thể chế hóa cụ thể các chính sách đó. Vì những lý do trên, Luật Thương mại năm 1997 cần được sửa đổi nhằm nâng cao tính khả thi của đạo luật, tạo điều kiện cho các hoạt động thương mại phát triển.
BỐ CỤC CỦA LUẬT THƯƠNG MẠI NĂM 2005
Luật Thương mại năm 2005 gồm 9 Chương, 324 Điều (so với Luật Thương mại năm 1997 có 6 Chương, 264 Điều), trong đó có 96 điều trong Luật năm 1997 được bãi bỏ, 149 điều được sửa đổi và 143 điều được bổ sung mới.
Bố cục của Luật Thương mại (sửa đổi) gần như được đổi mới hoàn toàn so với Luật Thương mại 1997. Sự đổi mới đó chủ yếu là do việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật, không chỉ điều chỉnh các hoạt động mua bán hàng hóa mà còn điều chỉnh cả các hoạt động cung ứng dịch vụ và xúc tiến thương mại. Các nhóm hoạt động thương mại cùng tính chất được tập hợp trong Chương riêng như Chương IV "Xúc tiến thương mại" hay Chương V "Các hoạt động trung gian thương mại".
NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT THƯƠNG MẠI NĂM 2005
Chương I - Những quy định chung
Chương này gồm 3 mục, quy định về: Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; Những nguyên tắc cơ bản trong hoạt động thương mại; Thương nhân nước ngoài hoạt động thương mại tại Việt Nam.
Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh: phạm vi điều chỉnh của Luật Thương mại năm 2005 được mở rộng phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế, theo hướng Luật Thương mại xác định hoạt động thương mại theo nghĩa rộng và đưa ra quy định khung cho các hoạt động này. Đối với các hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động thương mại gắn liền và phục vụ trực tiếp cho mua bán hàng hóa, Luật Thương mại năm 2005 đưa ra những chế định cụ thể. Những hoạt động thương mại khác chưa được quy định cụ thể trong Luật Thương mại năm 2005 sẽ được các luật chuyên ngành quy định.
Thứ hai, về đối tượng áp dụng: Luật Thương mại năm 2005 được áp dụng đối với thương nhân hoạt động thương mại, tổ chức, cá nhân khác hoạt động có liên quan đến thương mại. Riêng đối với cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh thì căn cứ vào những nguyên tắc của Luật này, Chính phủ sẽ có quy định cụ thể sau.
Thứ ba, về những nguyên tắc cơ bản trong hoạt động thương mại, Luật Thương mại năm 2005 quy định các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động thương mại phù hợp với nguyên tắc của Bộ Luật Dân sự năm 2005 cũng như thực tiễn hoạt động thương mại tại Việt Nam.
Thứ tư, về thương nhân nước ngoài hoạt động thương mại tại Việt Nam, Luật Thương mại năm 2005 xác định các hình thức và quyền hoạt động thương mại của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam. So với Luật Thương mại năm 1997, Luật Thương mại năm 2005 bổ sung thêm 2 hình thức hiện diện thương mại bao gồm doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài bên cạnh hình thức chi nhánh, văn phòng đại diện. Sự bổ sung này là phù hợp với quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết như BTA.
Chương II - Mua bán hàng hóa
Chương này gồm 3 mục, quy định về Các quy định chung đối với hoạt động mua bán hàng hóa; Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa; Mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa.
Thứ nhất, về các quy định chung đối với hoạt động mua bán hàng hóa, những quy định về vấn đề này trong Luật Thương mại năm 2005 có nhiều điểm mới so với Luật Thương mại năm 1997. Theo đó, Luật đưa ra những quy định áp dụng đối với hoạt động mua bán hàng hóa trong nước và hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế. Luật cũng đưa ra quy định về việc áp dụng các biện pháp tự vệ khẩn cấp của Nhà nước phù hợp với các chuẩn mực của WTO. Ngoài ra, Luật cũng quy định rõ các phương thức hoạt động xuất nhập khẩu, ghi nhãn hàng hóa và xuất xứ hàng hóa.
Thứ hai, về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa, Luật Thương mại năm 2005 quy định quyền và nghĩa vụ các bên trong quan hệ hợp đồng mua bán hàng hóa trên cơ sở kế thừa những quy định về mua bán hàng hóa trong Luật Thương mại 1997, tham khảo Công ước Viên năm 1980 và tập quán, thông lệ quốc tế về mua bán hàng hóa để xây dựng được quy định về hợp đồng mua bán hàng hóa phù hợp nhất với điều kiện thực tế của Việt Nam.
Đối với những vấn đề chung về hợp đồng trước đây có trong Luật Thương mại 1997 nhưng nay đã được Bộ Luật Dân sự điều chỉnh như nội dung chủ yếu của hợp đồng, chào hàng và chấp nhận chào hàng, sửa đổi, bổ sung chào hàng ... thì Luật Thương mại (sửa đổi) không quy định để bảo đảm tính hệ thống và sự phù hợp giữa Luật Thương mại và Bộ Luật Dân sự.
Thứ ba, về mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa, Luật Thương mại năm 2005 đã đưa ra những quy định khung cho hoạt động này. Những quy định cụ thể sẽ được Chính phủ ban hành phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.
Chương III - Cung ứng dịch vụ
Chương này gồm 2 mục, quy định về Các quy định chung đối với hoạt động cung ứng dịch vụ; Quyền và nghĩa vụ của các bên trong họp đồng cung ứng dịch vụ.
Thứ nhất, về các quy định chung đối với hoạt động cung ứng dịch vụ, Luật đưa ra quy định về dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện làm cơ sở quản lý nhà nước về thương mại dịch vụ trong nước điều mà cho đến nay chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào xử lý một cách tổng thể. Song song với điều này, Luật cũng đã có những quy định cơ bản về quyền cung ứng và quyền sử dụng dịch vụ của thương nhân được xây dựng trên cơ sở những phương thức cung ứng dịch vụ phù hợp với quy định về thương mại dịch vụ của BTA và WTO.
Thứ hai, về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng cung ứng dịch vụ, ngoài việc quy định chung về nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ và khách hàng, Luật còn đưa ra các quy định đặc thù về nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ tùy theo tính chất của loại dịch vụ là dịch vụ theo kết quả công việc hay dịch vụ theo nỗ lực cao nhất của bên cung ứng dịch vụ.
Chương IV - Xúc tiến thương mại
Chương này gồm 4 mục, quy định về Khuyến mại; Quảng cáo thương mại; Trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ; Hội chợ, triển lãm thương mại.
Các hoạt động khuyến mại trước đây chỉ có 6 điều trong Luật Thương mại 1997 nay đã được bổ sung và sửa đổi thành 14 điều; Quảng cáo thương mại tăng từ 12 điều (Luật Thương mại 1997) lên 15 điều; Trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ tăng từ 10 điều lên 12 điều; Hội chợ, triển lãm thương mại tăng từ 11 điều lên 12 điều. Nhiều nội dung mới được đưa vào Luật như bổ sung các hình thức khuyến mại, làm rõ các thông tin phải thông báo công khai trong hoạt động khuyến mại, trách nhiệm của các bên trong hoạt động hội chợ, triển lãm...
Chương V - Các hoạt động trung gian thương mại
Chương này gồm 4 mục, quy định về Đại diện cho thương nhân; Môi giới thương mại; Ủy thác mua bán hàng hóa; Đại lý thương mại.
Các điều khoản của Chương này kế thừa nhiều nội dung của Luật Thương mại 1997, có bổ sung một số điểm phù hợp với thông lệ quốc tế như quyền đòi bồi thường của bên đại lý trong trường hợp bên giao đại lý đơn phương yêu cầu chấm dứt hợp đồng đại lý.
Chương IV - Một số hoạt động thương mại cụ thể khác
Chương này gồm 8 mục, quy định về Gia công trong thương mại; Đấu giá hàng hóa; Đấu thầu hàng hóa, dịch vụ; Dịch vụ lo-gi-stics; Quá cảnh hàng hóa qua lãnh thổ Việt Nam và dịch vụ quá cảnh hàng hóa; Dịch vụ giám định; Cho thuê hàng hóa; Nhượng quyền thương mại.
Những hoạt động thương mại cụ thể được quy định trong các Chương IV, Chương V và Chương VI được xây dựng theo nguyên tắc tôn trọng quyền tự do, tự nguyện thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng. Những quy định về hình thức của hợp đồng cũng đã được xem xét, đánh giá và chỉ quy định hợp đồng trong một số hoạt động thương mại cụ thể là phải bắt buộc bằng văn bản. Trong Chương này, một số hoạt động thương mại mới được bổ sung để phù hợp với đòi hỏi thực tiễn như: dịch vụ lo-gi-stics; quá cảnh hàng hóa qua lãnh thổ Việt Nam và dịch vụ quá cảnh hàng hóa; dịch vụ cho thuê hàng hóa và nhượng quyền thương mại.
Chương VII - Chế tài trong thương mại và giải quyết tranh chấp trong thương mại
Chương này gồm 2 mục, quy định về Chế tài trong thương mại và Giải quyết tranh chấp trong thương mại.
So với Luật Thương mại năm 1997, phần chế tài trong Luật Thương mại năm 2005 được bổ sung thêm hai loại chế tài là tạm ngừng thực hiện hợp đồng và đình chỉ thực hiện hợp đồng. Các chế tài như tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng và hủy hợp đồng chỉ áp dụng đối với vi phạm cơ bản. Mối quan hệ giữa các chế tài cũng được xác định rõ để tạo thuận lợi cho việc áp dụng.
Chương VIII - Xử lý vi phạm pháp luật về thương mại
Chương này quy định về hành vi vi phạm pháp luật về thương mại, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, việc thi hành quyết định xử phạt hành chính và giải quyết khiếu nại quyết định xử phạt hành chính. Những nội dung cụ thể về xử lý vi phạm trong hoạt động thương mại sẽ được các văn bản dưới Luật quy định chi tiết phù hợp với Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.
Chương IX - Điều khoản thi hành
Chương này quy định hủy bỏ Luật Thương mại năm 1997 và quy định Luật Thương mại năm 2005 sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2006.