Được thành lập năm 1965, trải qua hơn 50 năm xây dựng và phát triển, bộ môn Hóa Dược (Trường đại học Dược Hà Nội) đã lập được nhiều thành tích xuất sắc trong đào tạo, nghiên cứu khoa học. Hiện nay, bộ môn có số giảng viên nữ chiếm tỷ lệ 82%. Các giảng viên nữ đều có học vị tiến sĩ.
Với niềm say mê giảng dạy và nghiên cứu khoa học, toàn bộ môn luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Công đoàn Y tế Việt Nam tặng bằng khen; Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trao tặng giải thưởng Kovalevskaia.
Với mục tiêu chiến lược xây dựng Trường đại học Dược Hà Nội là một đơn vị đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, trở thành một trung tâm đào tạo và nghiên cứu hàng đầu của cả nước, các cán bộ nữ bộ môn Hóa Dược luôn xác định nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ trọng tâm. Vì vậy, các giảng viên nữ của khoa đã rất tích cực trong các hoạt động nghiên cứu khoa học.
"Có hai lĩnh vực chúng tôi chú trọng, thứ nhất là tìm kiếm các chất mới có hoạt tính sinh học tiềm năng để phát triển thành thuốc. Theo hướng này, chúng tôi đã đăng ký bảo hộ 16 bản quyền quốc tế (tại Hàn Quốc) và một bản quyền trong nước. Thứ hai là nghiên cứu các phương pháp tổng hợp và phân tích chất chuẩn, tạp chuẩn ứng dụng trong kiểm nghiệm, bảo đảm chất lượng thuốc, phối hợp với một số đơn vị liên quan thiết lập được một số chất chuẩn đối chiếu quốc gia", Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Trưởng Bộ môn Hóa Dược Phan Thị Phương Dung cho biết.
Để nghiên cứu, tìm kiếm ra các chất mới có hoạt tính sinh học tiềm năng phát triển thành thuốc đòi hỏi sự tập trung cao độ và say mê nghề của các nhà nghiên cứu. Cho tới nay, đã có hơn 450 hợp chất hoàn toàn mới chưa từng được công bố trong bất kỳ tài liệu nào trên thế giới, được tổng hợp và thử tác dụng sinh học tại bộ môn.
Trong số hàng trăm hợp chất đã được nhóm nghiên cứu của bộ môn Hóa Dược công bố, nhiều chất tiềm năng có thể ứng dụng để phát triển thành thuốc. Đây là đóng góp rất đáng ghi nhận vào ngân hàng các hợp chất tiềm năng của ngành dược thế giới để dùng trong nghiên cứu và phát triển thuốc mới hướng điều trị ung thư, tiểu đường, sa sút trí tuệ...
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Phương Thảo, Giảng viên cao cấp Bộ môn Hóa Dược, hướng nghiên cứu mà cá nhân cũng như là các thành viên của bộ môn chú trọng là nghiên cứu các hợp chất có tiềm năng trở thành thuốc điều trị ung thư. Hướng nghiên cứu này được ghi nhận bởi cộng đồng các nhà khoa học trên thế giới và trong nước, thể hiện qua các bài báo quốc tế với chỉ số ảnh hưởng cao. Đồng thời, nhiều hợp chất trong số các chất đã được tổng hợp của nhóm nghiên cứu đã được đăng ký bởi các bản quyền quốc tế và trong nước.
Trong lĩnh vực nghiên cứu khác, các nhà khoa học nữ của bộ môn đã thành công trong việc tổng hợp một số tạp chuẩn, chất chuẩn được sử dụng trong kiểm tra chất lượng nguyên liệu làm thuốc và thuốc thành phẩm. Bên cạnh đó, các nhà khoa học nữ cũng tham gia xây dựng nhiều quy trình, tiêu chuẩn cơ sở của nguyên liệu và thuốc thành phẩm, chuyển giao cho các viện, trường và một số cơ sở sản xuất dược phẩm.
Song song với nghiên cứu khoa học, các giảng viên nữ của bộ môn Hóa Dược luôn hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu giờ giảng, bảo đảm giảng dạy tốt các học phần được giao, được sinh viên đánh giá và phản hồi rất tích cực. Bộ môn hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh, thạc sĩ và nhiều sinh viên nghiên cứu khoa học. Các giảng viên nữ của bộ môn đã tham gia biên soạn nhiều giáo trình, tài liệu học tập trong nước và quốc tế.
"Làm khoa học chân chính không thể nói trước có thành công hay không. Có những lúc chúng tôi cũng phải trải qua giai đoạn khó khăn, có lúc bật khóc trước những thất bại, nhưng để tiếp tục con đường để theo đuổi đam mê này, chúng tôi luôn phải tự tìm ra câu hỏi tại sao lại sai, phải tìm ra những bài học để dần dần tìm ra được hướng đi thành công", Tiến sĩ, Giảng viên chính bộ môn Hóa Dược Đỗ Thị Thanh Thủy chia sẻ.
Trao đổi với chúng tôi, Hiệu trưởng Trường đại học Dược Hà Nội Nguyễn Hải Nam cho biết: Đối với cán bộ giảng viên, trong đó có cán bộ, giảng viên nữ, ngoài nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học cũng là nhiệm vụ quan trọng. Trong lĩnh vực dược, nghiên cứu khoa học đa phần là lĩnh vực thực nghiệm, chính vì vậy công việc nghiên cứu khoa học khó khăn, nhất là cán bộ nữ. Mặc dù vậy, trong những năm vừa qua, tập thể cán bộ nữ của trường nói chung, tập thể cán bộ nữ bộ môn Hóa Dược rất nỗ lực trong công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học.
Bên cạnh nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học, các thành viên nữ của công đoàn bộ môn Hóa Dược luôn tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện do công đoàn, nhà trường và các tổ chức xã hội khác phát động, như hiến máu nhân đạo, đóng góp ủng hộ cho các quỹ từ thiện...
Hiệu trưởng Nguyễn Hải Nam cho biết thêm, những nhóm nghiên cứu của bộ môn Hóa Dược là nghiên cứu nền tảng, và bày tỏ tin tưởng nếu có sự đầu tư, kiên trì, bài bản thì sẽ đạt được thành công, tạo được đột phá cho ngành công nghiệp dược.
"Chúng tôi thấy được sức mạnh tập thể mà ở đó có sự cố gắng nỗ lực và đoàn kết của tất cả các thành viên. Mọi thành công đột phá đều bắt nguồn từ sáng tạo và tài năng cá nhân, nhưng chìa khóa bảo đảm thành công là sự đoàn kết, hợp tác và trí tuệ tập thể", Hiệu trưởng nhà trường khẳng định.