Công nghệ thông tin là ngành khoa học công nghệ có tốc độ phát triển và thay đổi nhanh chóng, ứng dụng hiệu quả của nó sẽ thật sự là động lực, là công cụ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Công nghệ thông tin đã làm thay đổi nhận thức của thế giới hướng đến một nền kinh tế tri thức, một xã hội thông tin.
Theo chúng tôi việc Ðề án 112 thực hiện không thành công có thể nêu ra một số nguyên nhân sau:
Thứ nhất, mục tiêu của Ðề án 112 đã không nhất quán ngay từ khi mới triển khai, là đề án trong khuôn khổ Chương trình cải cách hành chính nhưng được thể hiện với "mầu sắc" và hình thức khoa học công nghệ (tin học), không xác định rõ ràng tin học hóa hay là cải cách hành chính và các quan hệ tương hỗ với nhau.
Thứ hai, năng lực tổ chức và trình độ quản lý thiếu chuyên nghiệp. Ban điều hành không có chức năng quản lý nhà nước về CNTT nhưng vẫn kiêm luôn các nhiệm vụ từ chủ đầu tư, thiết kế, thẩm định tạo nên tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi" gây ra lãng phí và sai về nguyên tắc quản lý. Ngay từ đầu đề án đã tiềm ẩn các yếu tố dẫn đến thất bại: không có sự kế thừa từ chương trình quốc gia về CNTT giai đoạn trước. Ban thư ký đề án, các tổ chuyên môn và ngay cả ban điều hành bao gồm các cán bộ kiêm nhiệm với vai trò tham mưu nên không có ai chịu trách nhiệm cụ thể. Phương pháp và phương thức triển khai đề án cũng là nguyên nhân dẫn đến việc thực hiện Ðề án 112 không thành công. Ðề án thuộc Chương trình cải cách tất cả các mục tiêu. Khi chưa một tỉnh, thành phố, bộ nào thí điểm thành công việc tin học hóa quản lý hành chính mà đã triển khai đề án đồng loạt trong cả nước, tất yếu sẽ dẫn đến những bất cập, hạn chế và thất thoát, lãng phí. Quy trình của hệ thống hành chính cũng chưa được xem xét và rà soát thấu đáo, hệ thống "tin học hóa" cũng không được nghiên cứu, thẩm định phù hợp. Ðề án có quy mô lớn, diện triển khai rộng độ phức tạp phối hợp đa ngành từ trung ương đến địa phương, phức tạp về quy trình ứng dụng, nhưng mô hình tổ chức và quản lý của đề án đã vượt qua giới hạn pháp luật quy định dẫn đến thất bại.
Thứ ba, chưa coi trọng công tác tư vấn, phản biện, giám sát thường xuyên. Công tác tư vấn, phản biện, giám sát thường xuyên đóng vai trò rất quan trọng với thành công hay thất bại của các chương trình dự án, nhất là các đề án liên quan các lĩnh vực khoa học và công nghệ có tốc độ phát triển và xu thế thay đổi nhanh. Công tác giám định từ thiết kế, triển khai cũng không được thực thi nghiêm túc và đầy đủ theo luật định.
Nhiều ý kiến tư vấn và phản biện cho các đề án có giá trị đã không được cấp có thẩm quyền coi trọng và xem xét thấu đáo ngay từ khi triển khai đề án như ý kiến của GS Phan Ðình Diệu, người trực tiếp tham gia chỉ dạo Chương trình quốc gia về CNTT giai đoạn 1996-1998. Các chuyên gia đầu ngành có uy tín như TS Nguyễn Trọng, nguyên Chủ tịch Hội Tin học TP Hồ Chí Minh, TS Mai Anh, nguyên Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam; TS Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và nhiều chuyên gia khác... đã từng góp ý thẳng thắn cho nhiều mục tiêu cũng như phương pháp, cách thức triển khai Ðề án 112, nhưng tiếc thay tất cả ý kiến tư vấn phản biện đó đã không được coi trọng đúng mức.
Việc thực hiện không thành công Ðề án 112 là bài học lớn cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực CNTT-TT. Sự ra đời của hai bộ luật: Luật CNTT và Luật Giao dịch điện tử, cùng với các hướng dẫn kèm theo sẽ điều chỉnh tiến trình thúc đẩy ứng dụng CNTT. Kết luận về Ðề án 112, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo triển khai tin học hóa theo hướng mới, thiết thực, hiệu quả hơn và nhấn mạnh: Tin học hóa quản lý hành chính nhà nước phải được tiếp tục triển khai mạnh mẽ, nhưng thực hiện theo đúng Nghị định 64/2007/NÐ-CP và chấp hành Luật CNTT.
Mới đây, ngày 14-9, tại Hội thảo hợp tác phát triển CNTT-TT Việt Nam ở Ninh Thuận với chủ đề thúc đẩy ứng dụng CNTT-TT trong các cơ quan quản lý nhà nước, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT và TT) đã khẳng định ưu tiên số một vẫn là thúc đẩy ứng dụng CNTT-TT. Tuy còn nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách, còn nhiều khuyết điểm trong quá trình ứng dụng CNTT, nguồn lực đầu tư cho CNTT còn thiếu, nhưng bộ tỏ rõ quyết tâm đẩy mạnh ứng dụng CNTT-TT với việc đề ra nhiều giải pháp quan trọng và Bộ TT và TT sẽ là cơ quan quản lý Nhà nước tham mưu cho việc ứng dụng CNTT. Bộ TT và TT sẽ đảm nhiệm vai trò xây dựng, thẩm định chiến lược kế hoạch, quy hoạch và kiến trúc mô hình để ứng dụng CNTT thật sự khoa học, thống nhất và thành công vững chắc.
Hội Tin học Việt Nam cùng các hội, hiệp hội khác hy vọng sẽ nhận được nhiều đơn "đặt hàng" từ các cơ quan có thẩm quyền trong việc tư vấn phản biện và giám định xã hội cho các chính sách, cơ chế, đề án, dự án về phát triển và ứng dụng CNTT-TT, một việc làm cần thiết để nâng cao chất lượng và tính khả thi của các chính sách, cơ chế, đề án khi được ban hành và quá trình triển khai thực hiện.