Những người... "rót biển vào chai"

Những người... "rót biển vào chai"

ND-Ðây là tập chân dung văn học thứ hai của nhà thơ Vân Long, sau tập Những gương mặt- Những trang đời (Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội, 2002).

Nhà thơ Vân Long sinh  năm 1934, quê Hưng Yên, lớn lên tại Hà Nội, công tác nhiều năm ở Hải Phòng rồi lại trở về Hà Nội. Ông từng là nhạc công vĩ cầm Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam; từng là nhà báo, biên tập viên Nhà xuất bản Tác phẩm mới (nay là NXB Hội Nhà văn); với một tình yêu văn học thành kính, lúc nào cũng tươi nguyên rung cảm ban đầu; Vân Long có điều kiện tiếp xúc với hầu hết các văn nghệ sĩ nổi tiếng Việt Nam thời kỳ hiện đại. Ðây không phải là một cuốn sách lược truyện về các tác gia Việt Nam được biên soạn theo kiểu nhà trường mà là những kỷ niệm của đời sống, những cảm nhận của một thi sĩ; nó không "gói" các nhà văn, các vấn đề vào một nhận định, mà "mở" ra những trường nghĩa văn chương, trường nghĩa đời sống con người, trong đó tác giả là chất sống của các chi tiết, của những bức tranh.

Tên sách mượn ý thơ của nhà thơ mới quá cố Trịnh Thanh Sơn trong bài Biển vắng:

Một cộng với một thành đôi

Anh cộng cô đơn thành biển

Nắng tắt mà người không đến

Anh ngồi rót biển vào chai.

Trịnh Thanh Sơn cũng là chân dung cuối cùng của tập sách này, tập sách của những chân dung mang tinh thần "đại tráng" ý khí mạnh, có nhiều độc đáo trong văn chương, nghệ thuật như Tản Ðà, Phạm Hầu, Thanh Châu, Huy Cận, Ðoàn Chuẩn, Trần Hoàn, Phan Kế An, Tô Hoài, Trần Dần, Vũ Cao, Nguyễn Khải, Bùi Ngọc Tấn, Nguyễn Bùi Vợi, Hòa Vang...

Trịnh Thanh Sơn, Hòa Vang là hai nhà văn mới xuất hiện trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Tốt nghiệp Ðại học Sư phạm Văn Hà Nội năm 1969, anh không đi làm thầy giáo mà xung phong lên khu gang thép Thái Nguyên để làm công nhân từ thợ hóa nghiệm than cốc đến thợ lái cần trục để đóng góp trực tiếp cho kháng chiến kiến quốc và để có thực tế viết văn. Con đường lựa chọn ấy gian nan nhưng đầy tính lý tưởng. Rất nhiều người đi thực tế rồi  vô tăm tích trên văn đàn nhưng cách đó nếu thành công, sẽ có những tác phẩm sống mãi với đời, tác giả của nó sẽ được người đời kính yêu, ghi nhận.

Hòa Vang vốn là một chiến sĩ của E59, chiến đấu ở  Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Tôi vốn quen biết, quý trọng nhà văn Hòa Vang, khi anh tâm sự: "Bọn các ông khu bốn, lính khổ mấy cũng  chịu được. Bọn mình Hà Nội khó chịu khổ, chịu nhục, ở lính nhiều cái khó chịu lắm. Nhưng đánh nhau hùng lắm. Chơi sát ván. Từng xóa sổ một đơn vị thủy quân lục chiến Sài Gòn. Ðánh nhau xong chẳng mong gì. Chỉ mong về Hà Nội là nhảy ùm xuống Hồ Gươm bơi một vòng...". Tôi cũng đã từng tiễn anh và Nguyễn Lương Ngọc (cả hai nay đã mất) thực hiện chuyến đi bộ xuyên Việt... Báo An ninh thế giới cho là anh Người có gương mặt đời Ðường. Anh bảo, "Ðời Ðường gì, đầu đường cho nhanh!". Văn của anh cũng rất "bỗ": "Phải tay ông thì ông đánh cho tuốt xác, ông vả cho lưỡi tụt lên tận óc"; "Phắt một mẻ năm chim. Xong sớm, nghỉ sớm". Thế nhưng anh cũng có nhiều câu văn đầy triết lý: "Hạnh phúc không phải là một thực trạng: Hạnh phúc còn là một thái độ cảm nhận"; "Cái sống của con người trong ung thư là chiến thắng về tâm lý trên từng tế bào...".

Quen biết anh là thế, nhưng khi đọc Vân Long, tôi vẫn thấy như lần đầu tiên được tiếp xúc với con người mới, bởi tình yêu của Vân Long đối với người mình viết, quá cảm động, chân thành, lung linh từ những chi tiết nhỏ.

Viết về Tản Ðà, người "dạo những bản đàn mở đầu", cho cuộc hòa nhạc tân kỳ là Phong trào Thơ mới, Vân Long nghĩ về tận quê, mà là đi cùng với nhà thơ Ngô Quân Miện, người đồng hương của Tản Ðà. Từ những bãi tắm, đoạn đê, những con đường vô hạn khách đông tây, để cảm nhận về thơ và đời của một thi sĩ tài hoa, cốt cách. Tản Ðà mất năm 1939, không để lại cho vợ con một xu nhỏ, nhưng để lại cho nước nhà một văn sản lớn.

Có lần Tổng đốc Vi Văn Ðịnh sai một huyện quan mời Tản Ðà lên gặp. Nhà thơ trả lời: Nếu Tổng đốc đòi thằng dân lên hầu thì phải có trát. Còn thích nghe thơ thì xin mời đến nhà Hiếu".

Câu thơ của Tản Ðà "Trời sinh ra bác Tản Ðà, Quê hương thì có, cửa nhà thì không" là một câu thơ tả thực. Nhà thơ Ngô Quân Miện giải thích: Ðó là nhà cụ Ðốc học Nguyễn Tái Tích (đậu Phó bảng) anh ruột Tản Ðà, ông anh mất, các cháu mời chú ở cùng. Còn những nơi cư trú khác đều là nhà thuê... Mãi gần đây, xã mới cắt cho một khoảnh đất để xây mộ và làm Nhà lưu niệm... Trong cái bùi ngùi hoài cổ, thương cho thân phận khách văn chương mà cũng tự hào, ngưỡng mộ, nhớ câu thơ Sóng rợn Sông Ðà con cá nhảy, Mây trùm non Tản cái diều bay, nhà thơ Vân Long nhìn lên non Tản: "Chúng tôi như thấy Tản Ðà phất phơ tà áo cánh lụa in trên sườn núi Ba Vì mà mọi người cứ ngỡ một làn mây trắng"...

Ðọc chân dung văn học của nhà thơ Vân Long, người ta cảm nhận cái ngọt ngào của văn chương, của tình đồng nghiệp.

NGUYỄN SĨ ĐẠI