Những người lính trẻ nơi đầu sóng, ngọn gió

Người lính đầu tiên mà tôi gặp trong lần ra quần đảo Trường Sa là Bùi Quốc Ðoàn, quê ở miền biển Nam Ðịnh. Hồi nhỏ, Quốc Ðoàn luôn có cảm giác tự hào, khâm phục khi nhìn thấy hình ảnh người lính hải quân hiên ngang đứng canh biển trời Tổ quốc. Vì vậy, khi học hết THPT, anh xung phong đi bộ đội, thực hiện ước mơ ấp ủ bấy lâu nay.

Lần đầu được khoác lên mình bộ quần áo người lính, Ðoàn rất vui và phấn chấn. Sau ba năm hoàn thành nghĩa vụ quân sự, năm 2001, Ðoàn chính thức được tuyển vào bộ đội chuyên nghiệp. Anh đã đến với các đảo Trường Sa Lớn, Sơn Ca, Nam Yết và hiện nay là Song Tử Tây. Tuy thế, mỗi lần được ra đảo nhận công tác, tâm trạng chàng lính trẻ cứ bồi hồi, xúc động như  lần đầu.

Tâm sự với chúng tôi, Quốc Ðoàn cho biết:  Những năm gần đây, đời sống của người lính đảo Trường Sa đã đỡ vất vả hơn nhờ sự quan tâm thiết thực của cả nước.  Nhưng, chiến sĩ trên đảo vẫn luôn mong ngóng "hơi ấm đất liền". Ðó là những cánh thư mang đầy tình cảm đầm ấm của hậu phương. Nhưng hải đảo xa xôi cách trở, mỗi lá thư đi cũng phải mất vài ba tháng mới nhận được... Càng thiếu thốn, anh em càng gắn bó, thương yêu nhau như người trong một nhà.

- Công tác huấn luyện và học tập với người lính trên đảo chắc có nhiều vất vả?

- Ðúng vậy! Nhưng thời gian ở đảo tôi thấy mình rắn rỏi hẳn lên. Huấn luyện thao trường trên đảo rất vất vả, bởi thời tiết khắc nghịêt: mùa khô thì nóng nực;  mùa mưa thì liên tiếp những cơn cuồng phong hoành hành, tàn phá đảo. 

Hồi mới vào bộ đội, Ðoàn còn không biết đá bóng và khá nhút nhát. Nhưng khi tham gia sinh hoạt Ðoàn, sống ở môi trường tập thể, anh đã biết chơi đủ các môn thể thao. Tết Mậu Tý vừa qua, Ðoàn trở về đất liền thăm nhà và khẳng định với những người thân yêu trong gia đình một quyết tâm: Dẫu còn vất vả nhưng con vẫn gắn bó với biển, ở nơi đầu sóng ngọn gió, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, không phụ lòng mong đợi và niềm tin yêu từ hậu phương.

Nhìn Võ Thanh Hùng, quê Nhơn Trạch, Ðồng Nai, chiến sĩ đảo Ðá Nam chăm chút, nâng niu tưới từng khay rau, chúng tôi mới thấu hiểu, rau xanh ở đảo quý giá đến mức nào. Trẻ nhất đảo, Thanh Hùng là một trong những thành viên tích cực chăm sóc Vườn rau thanh niên. Ở đảo chìm, việc trồng rau khó khăn hơn đảo nổi rất nhiều. Ðất phải mang từ đất liền ra, nước lại hiếm nên anh em chiến sĩ phải dùng rất tiết kiệm, tận dụng tối đa nước ngọt sau khi rửa mặt, tắm giặt để tưới rau.

Ðã vậy, vào cuối năm, gió bấc mang theo hơi mặn làm cho những khóm rau trở nên cằn cỗi. Mỗi khi trời giông bão, anh em phải lấy bạt che hoặc nhanh chóng bưng khay rau vào nhà để "lánh nạn". Cơn bão năm ngoái tràn qua đảo, không ít khay rau bị nhiễm mặn vì vậy nhiều bữa ăn của  anh em trên đảo không có rau xanh. Ðể trồng và bảo vệ rau, Hùng và anh em phải tỉ mẩn rửa đất, gieo trồng lại từng khay rau. Có rau rồi, anh em phải dùng hết sức tiết kiệm, chỉ nấu canh, thỉnh thoảng mới cải thiện bằng món luộc.

- Hùng đã quen với cuộc sống trên đảo chưa? Tôi hỏi.

- Ðược trở thành người lính hải quân, lại được tham gia bảo vệ quần đảo Trường Sa của Tổ quốc, tôi rất hạnh phúc. Nếu giờ này còn ở nhà, em vẫn còn trẻ con lắm, không chịu vất vả được như thế này đâu.

- Trên đảo, Hùng tâm đắc điều gì nhất?

- Phong trào đoàn ở đảo chìm rất sôi nổi. Hằng tuần,  anh em đều sinh hoạt đoàn, tích cực tham gia các cuộc thi tìm hiểu về truyền thống của Ðoàn, làm báo tường, sưu tầm các câu chuyện về Bác Hồ... Rồi những chương trình giao lưu thể thao, những tiết mục văn nghệ cây nhà lá vườn trong những dịp lễ, Tết, những lần thay quân đầy sôi nổi, hào hứng....Tất cả tạo một khí thế rất sôi nổi của tuổi trẻ nơi đảo xa.

Lính đảo thường nói vui với nhau là các đảo chìm tựa "khách sạn nổi giữa Biển Ðông" bởi đảo chìm ít người, điều kiện khó khăn hơn đảo nổi. Từ Mỹ Ðức (Hà Tây), Chuẩn úy Lê Quốc Ðạt lên đường ra nhận nhiệm vụ tại đảo Ðá Lớn. Nước da đen sạm, khỏe mạnh, khi bồng súng trên chòi gác, trông Ðạt càng rắn rỏi hơn. Bố Ðạt là giáo viên, từng "vào sinh, ra tử" ở chiến trường miền nam, anh trai cũng là chiến sĩ hải quân ở Quảng Ninh, vì vậy Ðạt rất hiểu những khó khăn, gian khổ mà rất đỗi vinh quang của đời lính.

Lần ra đảo đầu tiên cũng là thử thách với chàng lính trẻ. Mới ở đảo được nửa năm, nhưng dấu ấn sâu đậm trong tâm trí Ðạt là tình đồng chí thiêng liêng, luôn đoàn kết, gắn bó, thương yêu nhau như anh em ruột thịt, chia nhau từng điếu thuốc, san sẻ với nhau từng niềm vui, nỗi buồn. Quốc Ðạt cùng các chiến sĩ ở đảo Ðá Lớn tâm sự với chúng tôi: Môi trường khắc nghiệt ở đảo đã rèn cho mỗi người lính ý chí, bản lĩnh và tinh thần sẵn sàng chiến đấu vững vàng, kiên trung. Ðã là người lính phải biết hy sinh vì sự bình yên của quê hương, đất nước trong đó có những người thân, gia đình của mình.

Chia tay với những người lính Trường Sa kiên trung, rắn rỏi, chúng tôi không thể quên được những lời ca, tiếng hát, những giai điệu trong sáng, giản dị được vang lên cùng tiếng ghi-ta bập bùng giữa sóng gió Biển Ðông.  Hình ảnh  những người lính can trường, hiên ngang luôn chắc tay súng, vượt qua mọi bão tố phong ba, giữ yên biển trời quê hương mãi in đậm trong tâm trí chúng tôi.