Như Ghép tự giới thiệu:“Lần đầu tiên có một triển lãm chuyên về tranh xé giấy. Lần đầu tiên có một triển lãm tranh gốm mosaic. Lần đầu tiên có một triển lãm kết hợp tranh xé giấy và tranh gốm mosaic”. Và hai họa sĩ - Hoàng Thị Phương Liên cùng Lê Thiết Cương, bằng những “lần đầu tiên” ấy đã bổ sung thêm một mảnh “ghép” đầy ấn tượng vào bức chân dung của chính mình.
Từ mảnh ghép: Tranh xé giấy
Họa sĩ Hoàng Thị Phương Liên theo học chuyên ngành đồ họa, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, khóa 1978 – 1984 và hiện là họa sĩ của NXB Giáo dục tại TP Hồ Chí Minh. Hơn hai thập kỷ qua, chị cần mẫn, chuyên tâm với xé giấy. Dựa vào ưu thế phong phú, tươi tắn trong bảng màu của giấy thủ công, nữ họa sĩ đã lựa chọn những đề tài gần gũi, bình dị cho sáng tác của mình. Những bức tranh tĩnh vật, hoa tươi quả chín. Phong cảnh đồng quê bốn mùa. Phiên chợ vùng cao đa sắc màu. Vẻ đẹp dịu dàng của người phụ nữ… Tất cả đã trở thành mảnh đất màu mỡ giúp chị thỏa sức dụng màu, xé dán.
![]() |
Con gái.
Tranh xé giấy là loại hình sáng tác đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu. Họa sĩ phải kỳ công chọn lọc, xé nhỏ giấy ra rồi cắt ghép để tạo nên một tác phẩm sống động, có hồn và cuốn hút người xem đến lạ kỳ bởi vẻ đẹp độc đáo, ấn tượng của bức tranh. Mỗi người một phong cách, một lối thể hiện. Những hình ảnh ấy đều được thể hiện một cách tinh tế, ngẫu nhiên theo cảm xúc của tác giả, không có sự sắp đặt, vẽ bố cục từ trước. Chính vì thế tranh sáng tác từ giấy xé thường là độc bản, không ai có thể sao chép được.
![]() |
Mùa gặt.
Nhận xét về những tác phẩm đến với công chúng trong Ghép, họa sĩ Nguyễn Trung đã dành cho nữ đồng nghiệp nhiều lời ngợi khen: “Với những gam màu sặc sỡ lấy từ giấy màu thủ công, với đôi bàn tay nghệ sĩ, cô đã tạo nên những bức tranh mang đậm tính dân tộc: những ngày lễ hội đình chùa, những buổi làm việc ngoài đồng, bông hoa tươi thắm của đất nước trở nên sinh động, nhộn nhịp trong niềm lạc hoan vô hạn. Giấy màu đã có môt đời sống khác, một ý nghĩa khác, một giá trị khác mang tên Phương Liên”.
Đến mảnh ghép: Tranh gốm mosaic
Theo trang web Art Glass, mosaic có nguồn gốc từ thời Hy Lạp cổ đại (với ý nghĩa nguyên thủy là “loại nghệ thuật xứng đáng với trí tưởng tượng bay bổng và lòng kiên trì vô biên”). Vốn được tạo nên từ vô số phần tử nhỏ bé, nghệ thuật ghép mảnh được cảm nhận với một chút liên tưởng tạo hình về đường nét hình khối. Biểu chất thị giác trong suốt, bóng bẩy hay sần sùi thô nhám đều được các phần tử siêu nhỏ đó tạo nên. Điều kỳ diệu là khi ta đặt các hợp thể siêu nhỏ đó với một góc nghiêng rất bé, các mặt phản quang li ti của gốm mosaic tạo thành các mảng đốm nhỏ lung linh dưới ánh sáng ban ngày hay ánh sáng điện.
![]() |
Cô gái.
Phần còn lại của Ghép là những bức tranh gốm mosaic của họa sĩ Lê Thiết Cương. Đây cũng là lần đầu anh đến với gốm mosaic. Sau sự kết hợp thú vị với gốm men ngọc Celadon Đông Thanh ở triển lãm Hà Nội mùa thu hai tháng trước, bộ tranh gốm mosaic lần này đánh dấu sự tìm tòi, phá cách rất “quái” của họa sĩ tài danh, khi anh tìm được nhiều cách thức độc đáo chuyển tải tác phẩm đến với công chúng, vốn in đậm dấu ấn cá nhân khác biệt - chỉ Lê Thiết Cương dám nghĩ và dám làm.
![]() |
Ngắm hoa.
Đặc điểm của gốm mosaic là không có nhiều mầu và chỉ thiên về mầu cơ bản (tương tự như giấy màu – chất liệu mà họa sĩ Phương Liên chọn lựa) nên anh đã chọn một số tác phẩm trong loạt tranh Đồng dao (serie mà họa sĩ sử dụng ít mầu và có độ tương phản mạnh) để thể hiện. Từ triển lãm đầu tiên năm 1991 đến nay, họa sĩ Lê Thiết Cương vẫn trung thành tuyệt đối với phong cách hội họa tối giản, một kiểu hội họa đồ họa, ưu tiên khoảng trống lớn, ít chi tiết và kiệm lời. Mà gốm cũng chính là đồ họa nên sự kết hợp của Lê Thiết Cương với gốm mosaic, âu cũng là lẽ hợp tự nhiên.
![]() |
Thả diều.
Họa sĩ Trịnh Tú đã có những nhận xét đầy thú vị về người đồng nghiệp mà ông vô cùng quý mến: “Vốn trung thành với bản ngã, Lê Thiết Cương có ngã vào đâu chăng nữa thì cũng tìm về cái quy chuẩn tối giản của mình, cho dù đó là tượng, gốm, sân khấu hay nội thất - những thứ anh đã từng làm ngoài hội họa. Đã là tối giản thì đâu có nhiều lời để giãi bày. Đôi khi chỉ như một câu độc thoại. Bản thân thể loại tranh ghép từ xa xưa đến nay vốn nhiều màu, nhiều lời… Cương đã thêm một định nghĩa nữa, khi anh dùng mảnh gốm làm chất liệu hội họa cho một tác phẩm đơn nhất của mình. Tất nhiên vẫn tinh thần tối giản, nhưng sức nặng của nó lại ở cái óng ả, nhẹ nhàng từ chất liệu, ở cái mới lạ của nét và hình được chiều chuộng bằng thứ ánh sáng vốn có của gốm. Phải là người yêu và hiểu gốm lắm mới tìm ra sự tinh tế này”.