Trong những lần về đó, Bác đã để lại những tình cảm đặc biệt với Vịnh Hạ Long - món quà vô giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng than thân yêu.
Lần đặt chân đầu tiên của Bác tới Quảng Ninh và Vịnh Hạ Long là chuyến đi để lo việc dân, việc nước. Ðó là ngày 24-3-1946, chiếc thủy phi cơ Catalina của Pháp đón Bác từ sân bay Gia Lâm - Hà Nội, hạ cánh xuống Vịnh Hạ Long.
Thủy sư đô đốc Ðác-giăng-li-ơ và các đại diện của chính phủ Pháp đã đợi Bác trên chiến hạm E-min Béc-tanh đậu trên Vịnh Hạ Long. Sau loạt súng nổ vang chào mừng và những nghi lễ ngoại giao, chiếc chiến hạm nổ máy ra khơi. Mục đích của cuộc gặp gỡ này của Bác là nhằm thỏa thuận với đại diện chính phủ Pháp, về thực hiện một số điều khoản trong Hiệp định sơ bộ hai bên đã ký ngày 6-3-1946.
Ðất nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ cho nên phải 11 năm sau, ngày 4-10-1957, Bác Hồ mới lại có dịp quay lại thăm Quảng Ninh và Vịnh Hạ Long. Bác nói chuyện với các tầng lớp nhân dân thị xã Hòn Gai (nay là TP Hạ Long) tại sân vận động Hòn Gai. Ngày hôm sau, 5-10-1957, Bác đi thăm Vịnh Hạ Long, cùng mọi người ngắm cảnh hang Ðầu Gỗ, một trong những thắng cảnh của Vịnh Hạ Long.
Ngày 29-3-1959, Bác trở lại Hạ Long, nghỉ tại Bãi Cháy. Hôm sau, ca-nô đưa Bác thăm Vịnh Hạ Long, tới nghỉ trưa trên Ðảo Rều, buổi chiều ca-nô đưa Bác cập bến Cẩm Phả, Bác thăm mỏ than Ðèo Nai, nói chuyện với cán bộ, công nhân của mỏ sau đó quay trở về.
Tối hôm ấy, Bác có cuộc nói chuyện với cán bộ Khu Hồng Quảng (ngày 30-10-1963, Khu Hồng Quảng hợp nhất với tỉnh Hải Ninh thành tỉnh Quảng Ninh như ngày nay - TG) tại Văn phòng Tỉnh ủy. Ngày 31-3-1959, Bác đã tới thăm bộ đội đảo Hòn Rồng trên Vịnh Hạ Long.
Cuốn Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam (Nxb Hà Nội, 1985) ghi lại chuyến thăm này như sau: "Tàu tới gần đảo rồi buông neo, Bác nhanh nhẹn xắn quần lội bộ lên. Ðến trước hàng quân, Bác nói với bộ đội: Bác và anh Cả (tức đồng chí Nguyễn Lương Bằng) thay mặt Trung ương Ðảng và Chính phủ tới thăm các chú. Bộ đội vỗ tay không ngớt. Không chờ chỉ huy báo cáo, Bác hỏi: Các chú thiếu nước và sách báo lắm phải không? Các chiến sĩ lễ phép: Thưa Bác, vâng ạ. Sau đó, Bác đi thăm nơi ăn, ở của bộ đội. Bác hỏi đồng chí anh nuôi: Củi đun các chú lấy ở đâu? Ðồng chí anh nuôi trả lời: Thưa Bác, chúng cháu tăng gia ạ. Bác cười: Trời tăng gia chứ, các chú chỉ việc nhặt về đun thôi. Trước khi rời đảo, Bác đã chụp ảnh lưu niệm với bộ đội. Sau đó một tuần, đơn vị đã nhận được quà của Bác gửi tặng gồm một chiếc đài bán dẫn và mỗi người một tấm ảnh chụp chung với Bác. Ngày 1-4-1959, Bác đi thăm bà con ngư dân ở Tuần Châu và Cát Bà. Nói chuyện với nhân dân và cán bộ những nơi này, Bác căn dặn: Biển bạc của ta do nhân dân ta làm chủ... cán bộ phải lo cho đời sống của dân". Ngày 1-4-1959, về sau đã được ngành Thủy sản chọn làm Ngày truyền thống nghề cá Việt Nam.
Ngày 9-5-1961, Bác Hồ tới thăm đảo Cô Tô. Trước đó, Bác nghỉ đêm tại Trà Cổ (Móng Cái), cùng kéo lưới với ngư dân trên bãi biển Trà Cổ. Tại Cô Tô, Bác ân cần hỏi thăm sức khỏe của các cụ già, tìm hiểu đời sống nhân dân và các đơn vị vũ trang đóng trên đảo, thăm cánh đồng muối, ruộng khoai. Nói chuyện với nhân dân trên đảo, Bác động viên mọi người cùng nhau đoàn kết, khắc phục khó khăn, thi đua sản xuất, thực hành tiết kiệm.
Vịnh Hạ Long.
Một trong những chuyến thăm để lại nhiều kỷ niệm của Bác với Vịnh Hạ Long nhất là ngày 22-1-1962, lần này có cả Anh hùng vũ trụ Liên Xô Giéc-man Ti-tốp cùng đi với Bác. Tàu tới một hòn đảo, nơi có doi cát trắng hình trăng lưỡi liềm, Bác và cả đoàn dừng lại nghỉ và xuống tắm biển. Bác hỏi một đồng chí lãnh đạo địa phương ngồi cạnh: Ðảo này đã có tên chưa? Ðồng chí trả lời: Thưa Bác, đảo chưa có tên ạ. Bác bảo: Theo Bác, chú thưa với đồng bào ta đây, từ nay đặt tên đảo ấy là đảo Ti-tốp. Ngày nay, hòn đảo Bác đặt tên - đảo Ti tốp đã trở thành một điểm trong hành trình tham quan Vịnh Hạ Long, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tới tham quan, tắm biển.
Ngày 13-11-1962, tàu hải quân đưa Bác tới thăm bộ đội cảng Vạn Hoa, trên đảo Cái Bầu (nay thuộc huyện Vân Ðồn). Người thăm hỏi tình hình sức khỏe, công tác, nơi ăn, ở và chụp ảnh lưu niệm với bộ đội. Nói chuyện với bộ đội, Bác kể lại câu chuyện Trần Khánh Dư, danh tướng nhà Trần đã mưu trí đánh tan đoàn thuyền lương của quân Nguyên, chính tại vùng biển này năm 1288. Bác căn dặn cán bộ, chiến sĩ phải biết phát huy truyền thống đánh giặc giữ nước của tổ tiên ta, yêu quý đảo như nhà của mình. Trước đó, ngày 12-11-1962, Người cũng đã tới thăm đảo Ngọc Vừng, gặp gỡ và trò chuyện với nhân dân, bộ đội đóng quân trên đảo...
Vịnh Hạ Long, niềm tự hào của người dân Quảng Ninh nói riêng, Việt Nam nói chung đã ghi đậm hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Sau hai lần được UNESCO công nhận là di sản thế giới về các giá trị cảnh quan thiên nhiên và địa chất, địa mạo, Vịnh Hạ Long ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước và hiện nay đang thu hút sự quan tâm của dư luận trong việc bình chọn là một trong bảy kỳ quan thiên nhiên của thế giới.
Nhớ Bác, chúng ta nguyện sẽ làm tốt hơn nữa công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản Vịnh Hạ Long, tương xứng với những giá trị mà nó mang trong lòng.