Tòa án Tối cao Liên bang Nga cũng mới thông báo, vào ngày 10-8, sẽ xem xét và có thể hủy bỏ bản án hầu như xóa tội cho các bị can trong vụ án giết một bé gái 9 tuổi người Tajikistan mà Tòa án thành phố Saint Petersburg đưa ra ngày 30-3 theo quyết định của Hội đồng bồi thẩm nhân dân. Đây là những động thái thắp sáng niềm tin cho những người mong muốn những kẻ phân biệt chủng tộc phải hứng chịu hình phạt thích đáng.
Theo tuyên bố của Điện Kremlin, đạo luật mới chống chủ nghĩa cực đoan có những điều khoản sửa đổi so với Luật chống hành động cực đoan đã được thông qua trước đây. Luật mới này mở rộng phạm vi xác định hành động cực đoan, theo đó, các hành động gây nguy hiểm cho xã hội cũng bị coi là cực đoan.
Ngoài ra, những hành vi như xâm hại giá trị quốc gia, bôi nhọ quan chức nhà nước và cản trở các cơ quan nhà nước thi hành luật pháp cũng bị coi là tội cực đoan. Luật này đã được Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) thông qua ngày 8-7 và Hội đồng Liên bang (Thượng viện) thông qua ngày 14-7. Các nghị sĩ Quốc hội Nga khẳng định luật mới sẽ giúp nhà chức trách đối phó với các băng nhóm phân biệt chủng tộc đang hoạt động tại Nga.
Trong thời gian qua, dư luận Nga hết sức bất bình khi hàng loạt kẻ thực hiện những vụ giết người dã man với động cơ hằn thù sắc tộc được xét xử trắng án hoặc gần như trắng án. Ngày 25-7, các thành viên Hội đồng bồi thẩm nhân dân Tòa án Saint Petersburg không công nhận bốn bị cáo I-u-ri Grô-mốp, An-đrây Ghe-ra-xi-mốp, An-đrây Ô-le-nép và Đmi-tơ-ri Oóc-lốp phạm tội giết một thanh niên Congo do động cơ thù hằn dân tộc. Hội đồng đã bác bỏ tất cả những lời buộc tội và kết quả điều tra do các kiểm sát viên đưa ra.
Mặc dù thừa nhận vụ việc sinh viên Congo, Rô-lăng E-pa-xắc, 29 tuổi, sinh viên năm thứ tư Trường lâm nghiệp Saint Petersburg, bị một nhóm người lạ mặt bất ngờ tấn công đêm 11-9-2005 nhưng Hội đồng bồi thẩm phủ nhận sự có mặt của bốn bị cáo trên tại hiện trường, kế hoạch hành động của những bị cáo này cũng như động cơ phân biệt chủng tộc.
Ngày 27-7, Tòa án mới tuyên bố các bị cáo trắng án, nhưng ngay sau khi Hội đồng bồi thẩm công nhận họ vô tội thì bốn bị cáo đều đã được tự do. Viện kiểm sát tuyên bố sẽ khiếu nại lên Tòa án tối cao về phán quyết của Hội đồng bồi thẩm nhân dân vì phán quyết đó "không có cơ sở và không công bằng".
Thống đốc Saint Petersburg Matvijenko cũng đã bày tỏ sự thất vọng về quyết định của Hội đồng bồi thẩm nhân dân xóa tội cho những bị can nói trên. Theo bà Matvijenko, phán quyết đó "không dựa vào luật pháp mà dựa vào cảm xúc".
Cũng cần nhắc lại rằng, tháng 3-2006, các thành viên Hội đồng bồi thẩm nhân dân cũng không công nhận kết quả điều tra vụ sát hại một bé gái Tajikistan 9 tuổi. Đây là một vụ án rất nghiêm trọng xảy ra hồi tháng 2-2004, khi một nhóm thanh niên tấn công gia đình người Tajikistan ở Saint Petersburg, đâm chết em gái Khuseda Suntonov bằng 11 nhát dao. Vụ giết người dã man này đã gây chấn động dư luận.
Tuy nhiên, ngày 30-3-2006, Hội đồng bồi thẩm nhân dân Tòa án Saint Petersburg chỉ thừa nhận hành vi "côn đồ" của nhóm thanh niên này, không thừa nhận động cơ "thù hằn dân tộc". Do đó, các bị cáo chỉ phải chịu hình phạt tù từ 1,5 đến 5,5 năm.
Bức xúc trước những sự việc trên, Ủy ban về sự bao dung và tự do tín ngưỡng thuộc Viện Xã hội (là cơ quan tư vấn trực thuộc Tổng thống Nga) đã ra tuyên bố yêu cầu không để cho Hội đồng bồi thẩm nhân dân xét xử các vụ phạm tội trên cơ sở thù hằn sắc tộc và dân tộc.
Tuyên bố nêu rõ, các hội thẩm nhân dân lo lắng cho sự an toàn của bản thân và người thân của mình (sợ bị trả thù), trong khi Nhà nước chưa thể bảo vệ họ ở mức cần thiết. Tuyên bố khẳng định rằng những vụ án như trên chỉ có thể giao cho "những thẩm phán lành nghề" thụ lý nhằm tránh "những sai sót nghiêm trọng và những bê bối".
Cộng đồng người Việt Nam tại Saint Petersburg từng tỏ ý lo ngại phiên tòa xét xử vụ giết hại sinh viên Việt Nam Vũ Anh Tuấn cũng có thể sẽ diễn ra theo chiều hướng có lợi cho những tên "đầu trọc". Nhưng nay, với đạo luật chống chủ nghĩa cực đoan, có thể hy vọng những sát nhân sẽ phải đền tội dưới thanh gươm công lý.