Phải chú ý tới cán bộ trẻ
Năm 1993, tôi được phân công làm trợ lý cho đồng chí Nguyễn Văn Linh, Cố vấn Ban Chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam. Anh thường nhắc: Phải hết sức chăm sóc và đào tạo cán bộ vì cán bộ là vốn quý của Đảng. Mỗi chức danh cán bộ lãnh đạo hay quản lý phải có hai đến ba cán bộ dự bị cho chức danh đó. Sau một thời gian giao việc, bồi dưỡng, nên đánh giá lại xem ai xứng đáng hơn. Việc chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế thừa phải là việc làm thường xuyên, lâu dài, chủ động có kế hoạch chớ không ngẫu hứng chờ đến đại hội mới đốt đuốc đi tìm người. Phải chú ý cán bộ trẻ, cần có cái nhìn khoáng đạt, không định kiến với họ, không nên cầu toàn, đòi hỏi phải có kinh nghiệm đầy đủ và chững chạc như người lớn tuổi. Trẻ thì bồng bột, có khi xốc nổi nhưng được học nhiều, năng nổ, táo bạo, nhạy bén với cái mới hơn. Điểm nào khiếm khuyết ở họ nên bổ sung, giúp khắc phục chứ không nên chê bai rồi không dùng...
Anh nói, trong việc bồi dưỡng cán bộ, ngoài bổ sung, rèn luyện các mặt đức tài, lý luận và thực tiễn, anh thường đặt vấn đề: Nên luân chuyển cán bộ, rút cán bộ từ địa phương về T.Ư, đưa cán bộ từ T.Ư về địa phương công tác. Một cán bộ làm bí thư, chủ tịch tỉnh này có thể đổi sang tỉnh khác cũng làm nhiệm vụ đó. Cán bộ lãnh đạo một tỉnh trong nam có thể chuyển đổi ra hoạt động ở một tỉnh miền trung hay miền bắc và ngược lại. Làm như thế, cán bộ sẽ có kiến thức toàn diện hơn, năng nổ và sáng tạo hơn trong hoạt động thực tiễn. Đây là biện pháp quan trọng để cán bộ tránh lối mòn cũ trong công tác, tránh gia trưởng, cục bộ địa phương. Từ T.Ư về địa phương, đồng chí được điều đến sẽ thông cảm địa phương hơn trong việc chấp hành các ý kiến chỉ đạo của cấp trên. Từ địa phương về T.Ư, đồng chí sẽ có cái nhìn toàn cục giúp đề ra cho cấp dưới những chủ trương và biện pháp sâu sát, thích hợp hơn.
Cũng từ quan niệm phải có cán bộ quy hoạch kế thừa, mạnh dạn trao nhiệm vụ cho cán bộ trẻ, anh thường đề nghị và nhắc cán bộ lãnh đạo và quản lý các cấp không nên đảm nhiệm quá lâu một chức vụ.
Anh đã nói và bản thân đã làm đúng như thế. Năm 1991, sau một nhiệm kỳ làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa VI, anh đã xin rút, không ứng cử làm Tổng Bí thư nhiệm kỳ nữa. Và sau đó, đến tháng 12-1997, anh đã viết thư đề nghị Hội nghị T.Ư lần thứ tư (khóa VIII) xin thôi giữ chức cố vấn.
Báo chí phải khẳng định cái đúng, vạch rõ cái sai
Nói đến tầm quan trọng của báo chí, anh thường nhắc đến Bác Hồ. Anh nói: "Bác là người thấm sâu quan điểm của Lê-nin, biết sử dụng nhạy bén báo chí cách mạng, xem đó là "người tuyên truyền, người cổ động, người tổ chức tập thể" rất quan trọng, giúp đánh thức tinh thần yêu nước, chống bất công, chống áp bức bóc lột, hướng dẫn quần chúng hành động, đấu tranh xây dựng cuộc sống mới". Vì vậy, ở chiến khu thời chống Mỹ, cứu nước, dù ở hoàn cảnh ăn, ở, làm việc rất khó khăn, thiếu thốn mọi phương tiện anh vẫn chủ trương xuất bản báo viết, báo nói. Mặt khác, anh yêu cầu tăng cường phóng viên, biên tập viên của báo viết cho đài, sử dụng trên đài tất cả những bài đã đăng hoặc chưa đăng trên báo viết.
Anh chỉ đạo các bài báo nên viết phải dễ hiểu. Chữ in nên to, dễ đọc. Bài viết phải ngắn gọn để bà con hiểu được, làm được. Các vấn đề viết ra nên xác thực, cụ thể, có địa chỉ hẳn hoi, không được bịa ra và phải có chọn lọc. Dân đọc thấy đúng thì sẽ tin chúng ta, từ đó củng cố lòng tin ở cách mạng, ở Đảng. Tin phát trên đài cũng thế, phải ngắn gọn. Ngoài ra cần chọn người đọc rõ ràng, chậm rãi để bà con dễ nghe. Đừng vì sợ tốn giấy lo không đăng hết tin, bài hay sợ không phát hết tin trong thời lượng quy định rồi in chữ nhỏ, dày đặc hay phát thanh quá nhanh, bà con khó đọc, khó nghe. Thà tin ít, bà con đọc được, nghe được, hiểu được tốt hơn là phải đọc nhiều, nghe nhiều nhưng không hiểu được ý của ta. Anh tâm tình!
Theo anh, báo đài cách mạng không những đưa tin, triển khai chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, phát huy gương người tốt, việc tốt mà còn phải phê phán những việc làm không đúng, những người làm sai, vạch rõ những tệ nạn quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, hối lộ, ức hiếp dân lành... Chống tiêu cực, phê phán việc làm sai trái phải đúng người, đúng tội, có chứng cứ rõ ràng, không nên quy chụp, suy đoán. Để tờ báo đứng vững và phát huy đúng vai trò của mình, điều cốt yếu của báo là phải có nhiều người đọc. Để được nhiều người chịu mua về đọc, báo phải nâng cao chất lượng của mình bằng nội dung phong phú, tin tức xác thực. Bài vở phải hấp dẫn ở tính giáo dục sâu sắc chứ không phải chạy theo thỏa mãn thị hiếu tò mò ở một số người. Tuyệt đối không đưa tin "giật gân", tin nội bộ, làm lộ bí mật của Đảng và Nhà nước, xâm phạm đến đời tư người khác nhằm lôi kéo người mua báo.
Viết, nói, làm theo gương Bác Hồ
Trong loạt bài "Những việc cần làm ngay" đăng trên Báo Nhân Dân, anh ký tên N.V.L. Anh bảo, đã nói phải làm, và phải làm đúng như đã nói. Nên nói ít, làm nhiều chớ nói ba hoa rồi không làm, nói nhiều làm ít, hứa hươu hứa vượn để lấy tiếng... Những bài viết ngắn gọn này, viết dễ hiểu, nêu vấn đề rõ ràng, cách giải quyết cụ thể rất hấp dẫn người đọc và được rất nhiều người hoan nghênh. Về nói, anh thường nói nôm na, dễ hiểu, có những thí dụ cụ thể, có hình tượng để minh chứng những lời diễn giải của mình.
Thời anh làm Tổng Bí thư, khi tiến hành đổi mới bắt đầu bằng đổi mới tư duy, trước hết trong kinh tế, chống cơ chế tập trung, quan liêu bao cấp... tôi hỏi anh sao đã thấy rõ nguyên nhân trì trệ, chủ quan, bảo thủ, ta không đổi mới triệt để, giải quyết tận gốc vấn đề, đưa kinh tế -xã hội nước ta phát triển nhanh hơn. Anh trả lời phải đi từng bước vững chắc. Con bệnh nằm liệt giường đang điều trị, chưa ăn được, phải bón từng thìa súp. Sau đó khá lên sẽ ăn cháo rồi ăn cơm. Khi ngồi dậy được rồi cũng phải đi từng bước. Làm sao có thể bắt một người bệnh đang ốm nặng ngồi dậy và chạy ngay được.
Về các bài phê phán tiêu cực trong mục "Những việc cần làm ngay", tôi hỏi sao trong các bài này anh thường nêu những việc tiêu cực, anh trả lời: các báo cáo và báo chí ta thường xuyên nêu những việc làm được, làm tốt, có khi còn tô hồng, ít nói và chưa dám nói thẳng các tiêu cực. Cái tốt cần phải phát huy, những cái xấu cũng phải phê phán. Trồng lúa phải bón phân nhưng cũng phải nhổ cỏ dại. Chỉ có bón phân, không nhổ và diệt cỏ dại, cỏ dại phát triển mạnh lấn át cây lúa.
Cuối cùng năng suất sẽ giảm sút. Việc bón phân của ta sẽ trở thành vô bổ... Trong quá trình đổi mới, trước băn khoăn của một số đồng chí. Anh nói: Mở cửa để tránh ngột ngạt, nóng bức thì được gió mát. Tất nhiên khi mở cửa, ruồi muỗi cũng theo đó mà tràn vào. Vấn đề không phải là đóng cửa trở lại mà là ngăn chặn, diệt ruồi muỗi. Phải có lưới để vừa có gió mát, vừa cản được ruồi muỗi.
Những cách giải thích có thí dụ, có hình ảnh minh họa cụ thể như thế chính là phong cách anh đã học ở Bác Hồ.