Những hồi ức chiến tranh trong triển lãm “Còn mãi với thời gian”

NDO - Những năm tháng chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc được ghi lại qua tác phẩm của các họa sĩ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nay được giới thiệu tới người xem thông qua triển lãm “Còn mãi với thời gian”, do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức, diễn ra từ nay đến hết ngày 28/7.
0:00 / 0:00
0:00
Người xem tại triển lãm tranh.
Người xem tại triển lãm tranh.

Câu chuyện của người nghệ sĩ – cựu binh lão thành

Đại tá, họa sĩ lão thành Lê Duy Ứng là một trong những tác giả có mặt tại triển lãm, được người xem và báo giới quan tâm đến nhiều nhất. Ông không giấu được sự xúc động, đứng rất lâu trước bức tượng “Bài ca người mẹ” mà ông đã tặng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ năm 1993. Bàn tay run run đặt lên những thớ gỗ, họa sĩ chia sẻ câu chuyện về bức tượng: “Tôi sáng tác bức tượng này vào năm 1992, lúc đó tôi về quê, bên nhà ông cậu có một cây mít bị bật gốc. Tôi thấy gốc cây to, đẹp, phù hợp để sáng tác cho nên đã xin về làm tượng. Cây mít này hồi đó cũng là cây khá lâu năm, chất gỗ và tạo dáng đều đẹp. Lúc ở Quảng Bình, tôi chỉ đục sơ, sau đó mới mang về Hà Nội hoàn thiện. Năm 1993, tôi có gửi bức tượng đi một triển lãm và được nhận ngay. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam năm đó cũng rất thích và có đề nghị được sưu tầm, cho nên tôi đã gửi bức tượng cho Bảo tàng”.

Những hồi ức chiến tranh trong triển lãm “Còn mãi với thời gian” ảnh 1

Họa sĩ Lê Duy Ứng cùng bức tượng của mình tại triển lãm.

Bức tượng của họa sĩ Lê Duy Ứng mang dáng vóc một người mẹ lưng đeo súng và ba lô, trên tay có cánh chim hòa bình, có cây đàn. Ông cho biết, tổng thời gian sáng tác bức tượng trong khoảng vài tuần.

“Mặc dù dạo này sức khỏe tôi không được tốt, hiện là thương binh hạng ¼, mất 40% sức khỏe, nhưng nghe nói có triển lãm nên tôi vẫn cố gắng đến bằng được để được gặp lại bức tượng sau bao nhiêu năm. Bức tượng này mô tả người mẹ, không chỉ một người mẹ cụ thể, mà là một người mẹ biểu tượng của Việt Nam, rất yêu hòa bình, yêu nghệ thuật” - họa sĩ chia sẻ.

Cuộc chiến trong quá khứ và qua góc nhìn hiện tại

Bức tượng “Bài ca người mẹ” của họa sĩ Lê Duy Ứng là một trong số 69 tác phẩm của 62 tác giả, trong đó có 17 tác giả là họa sĩ-chiến sĩ, được lựa chọn từ bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Trong số các tác phẩm được trưng bày, người xem gặp lại nhiều tác phẩm ký họa hoặc được sáng tác ngay trên chiến trường, của nhiều họa sĩ thời đó như Cổ Tấn Long Châu, Hoàng Đạo Khánh, Nguyễn Trọng Hợp, Trần Việt Sơn, Nguyễn Thị Hồng Xuân, Nguyễn Văn Đa, Trần Ngọc Hải, Trần Hữu Tê, Mai Long, Đặng Đức…

Triển lãm cũng có cả những bức tranh của các họa sĩ thời hiện đại vẽ về thời chiến, hoặc thể hiện thời chiến qua góc nhìn hiện đại, như “Quảng Trị năm 1972” của họa sĩ Phạm Ngọc Liệu vẽ năm 1999, “Đối mặt” của Nguyễn Tuấn Long vẽ năm 2009, “Bên sông Sê Đôn” của họa sĩ Nguyễn Tiến Dũng năm 2004, “Người đồng đội được tìm lại” của Nguyễn Cương vẽ năm 1994, “Không trở về” của họa sĩ Lê Quang Hà vẽ năm 1994, “Tưởng nhớ các linh hồn thời hậu chiến” của Lê Trí Dũng năm 2005, “Ký ức Điện Biên” của Nghiêm Văn Minh năm 2004…

Những hồi ức chiến tranh trong triển lãm “Còn mãi với thời gian” ảnh 2

Một góc triển lãm.

Những bức họa thời chiến cho người xem thấy được phần nào sự khốc liệt của cuộc chiến, và cả những phút bình yên hiếm hoi giữa tiếng súng, như “Đọc thư miền bắc” của Nguyễn Văn Mười, “Đêm trăng qua vọng gác” của Mai Long, “Cán bộ quân giải phóng Quảng Nam chuẩn bị đợt tấn công mới” của Trần Việt Sơn, “Xem văn công biểu diễn” của Nguyễn Văn Đa, “Đồng chí Khương y tá trong trận Bình Giã” của Cổ Tấn Long Châu…. Còn những bức tranh về thời chiến được sáng tác trong hòa bình lại ít nhiều gợi cảm giác khắc khoải, đối mặt với những mất mát, đau thương, như “Dioxin” của Nguyễn Xuân Đông, “Người đồng đội được tìm lại” của Nguyễn Cương, “Không trở về” của họa sĩ Lê Quang Hà, “Tưởng nhớ các linh hồn thời hậu chiến” của Lê Trí Dũng…

Cũng có những bức tranh cho thấy sự ấm áp, tình cảm, như niềm vui của những người cựu chiến binh gặp lại trong “Cùng chung chiến hào Điện Biên năm xưa” của Đỗ Kích, các em thiếu nhi quây quần giúp đỡ bà mẹ chiến sĩ trong “Uống nước nhớ nguồn” của Nguyễn Văn Tuyên, và chăm sóc người lính từ chiến trường về trong “Anh thương binh” của họa sĩ Phạm Việt Hải…

Triển lãm mở cửa đúng dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022) không chỉ cho người xem thấy được những lát cắt của cuộc chiến, giá trị của hòa bình, mà còn là lời tri ân, lòng biết ơn những người đã ngã xuống hay vẫn còn mang trên mình vết thương do chiến tranh để lại.