Những hành trình da cam

NDO -

NDĐT - “Các nạn nhân chất độc da cam là những người khổ nhất trong những người khổ nhất, nghèo nhất trong những người nghèo nhất”, đó là câu nói mà nhiều người nhắc tới mỗi khi tận mắt chứng kiến gia cảnh của họ. Nhân dịp kỷ niệm 55 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam (10-8-1961 - 10-8-2016), chúng tôi có cơ hội được gặp gỡ các nạn nhân phải hứng chịu chất độc hóa học mà quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam và càng hiểu hơn nỗi đau ẩn chứa đằng sau những phận người ấy.

Ông Cao Xuân Oanh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Thượng Vực (huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) thăm vườn nhãn gia đình.
Ông Cao Xuân Oanh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Thượng Vực (huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) thăm vườn nhãn gia đình.

Ý chí vượt qua nỗi đau da cam

Trước khi bắt đầu chuyến đi, người đồng hành của chúng tôi, ông Trịnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội, cho biết, ông sẽ đưa đoàn đến gặp những nạn nhân có hoàn cảnh khác nhau, trong đó có người được xem là “khổ nhất trong những người khổ nhất, nghèo nhất trong những người nghèo nhất”.

Gần sáu năm gắn bó với Hội, không biết từ lúc nào ông Sơn đã thuộc lòng đường tới nhà của các nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn huyện. Men theo những đồng lúa tỏa hương thơm dìu dịu, ông Sơn dẫn đoàn tới trang trại chăn nuôi, trồng trọt có hiệu quả kinh tế cao tại thôn Đồng Luân, xã Thượng Vực.

Chủ nhân của cơ ngơi này là ông Cao Xuân Oanh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Thượng Vực. Ông Oanh nhập ngũ năm 1969, tham gia chiến trường miền đông và phục viên năm 1976. Trở về quê hương khi sức khỏe đã phần nào giảm sút song ông vẫn tích cực tham gia công tác địa phương và nỗ lực phát triển kinh tế gia đình.

Đưa chúng tôi tham quan vườn bưởi trĩu quả trước sân và hơn 5.000 m2 đất nông nghiệp, ông Oanh nói: “Nhờ gia đình động viên và địa phương tạo điều kiện, tôi được giao lưu, đi thăm nhiều mô hình làm kinh tế trong và ngoài tỉnh”.

Đầu tiên, ông tiếp thu kinh nghiệm trồng cây cam canh của Hưng Yên và thu lãi trong vài năm đầu. Tuy nhiên, do giống cam này “khó tính” nên sau đó ông quyết định chuyển đổi cây trồng. Sau nhiều ngày tự tìm tòi, ông may mắn được tiếp cận nhãn chín muộn ở huyện Quốc Oai và nhận thấy triển vọng của mô hình trồng trọt này. Từ năm 2008, ông bắt tay phát triển nhãn chín muộn, tới năm 2013, vườn nhãn bắt đầu cho thu hoạch và đem lại hiệu quả kinh tế tương đối ổn định (hơn 100 triệu đồng/năm). Ngoài ra, ông còn kết hợp chăn nuôi gà, lợn để không bỏ phí dù chỉ một tấc đất. Ông Oanh cho rằng: “Điều quan trọng nhất là phải tìm ra mô hình nuôi trồng phù hợp và chịu khó học hỏi. Hằng năm, tôi đều tham gia các lớp tập huấn do xã tổ chức về ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt. Áp dụng các kiến thức được học vào thực tế, dần dần tôi có thêm nhiều kinh nghiệm”.

Khi được hỏi về động lực giúp ông quyết tâm thoát nghèo, ông Oanh cho biết: “Lúc tôi phục viên trở về địa phương, điều kiện kinh tế rất khó khăn nên chẳng có cách nào ngoài lao động để nuôi gia đình”.

Được biết, trên đôi vai người đàn ông mang trong mình chất độc da cam là một gia đình đông con. Người con gái đầu của ông từ bé đã phát triển không bình thường, da sần sùi, chị chỉ ở nhà nấu cơm giúp bố mẹ. Còn người con trai út của ông dù có khả năng lao động nhưng một năm anh phải truyền tiểu cầu hai lần, chi phí mỗi lần điều trị là 20 triệu đồng.

Là một người cha, ông Oanh luôn canh cánh trong lòng và không lúc nào hết băn khoăn về tương lai của các con vì ông từng được cảnh báo về những hậu quả khôn lường mà chất độc da cam có thể gây ra cho thế hệ mai sau. Vậy nhưng người cựu chiến binh tuổi đã ngoài 60 vẫn lạc quan động viên bản thân sống gương mẫu để làm chỗ dựa cho con cháu.

Ông chia sẻ: “Đúng là cuộc sống của tôi từ ngày rời chiến trường về quê có chật vật nhưng tôi vẫn còn may mắn hơn nhiều đồng chí, đồng đội khác. Ngay trong xã Thượng Vực, gia đình anh Đặng Đình Vịnh có hoàn cảnh vô cùng éo le, cả năm đứa con của anh đều bị nhiễm chất độc hóa học”. Miệng nói, chân đi, ông Oanh dẫn đoàn chúng tôi tới thôn An Thượng để chứng kiến tận mắt cuộc sống của gia đình ông Vịnh.

Nỗi đau da cam đeo bám

Nhận được tin có các cán bộ địa phương và phóng viên tới thăm, vợ chồng ông Đặng Đình Vịnh vội vã chạy xe về nhà, ông vừa mở cửa vừa cho biết: “Bão số 1 làm đổ hết vườn cây trồng nên chúng tôi đang thu dọn trên vườn”. Vợ chồng ông mời khách vào thăm ngôi nhà cấp bốn đơn sơ và bắt đầu câu chuyện của gia đình mình.

Hồi tưởng những ngày chiến tranh khốc liệt, ông Vịnh kể: “Tôi lái xe trên tuyến đường Trường Sơn từ năm 1973 đến năm 1975. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in những thân cây trắng toát, tuột hết vỏ do bị rải chất độc hóa học. Có lúc tôi cảm giác chỉ cần ai đó châm một que diêm là cả cánh rừng sẽ ngay lập tức chìm trong biển lửa”.

Sau khi phục viên và kết hôn với bà Đỗ Thị Nhu vào năm 1976, ông Vịnh không ngờ màu trắng tang tóc bao phủ những tuyến đường ông lái xe qua lại đeo bám cuộc đời ông cho đến ngày hôm nay.

Năm 1977, người con đầu lòng của ông ra đời, chị bị dị tật, dị dạng, câm điếc bẩm sinh và thiểu năng trí tuệ. Vẫn nuôi hy vọng về những đứa trẻ mạnh khỏe, vợ chồng ông đặt niềm tin ở các lần sinh nở sau. Nhưng không may, tình trạng của người con thứ hai, thứ ba vẫn không khá hơn người con đầu, chỉ đến người con thứ tư và thứ năm, những ảnh hưởng của chất độc hóa học mới có biểu hiệu nhạt hơn. Không những vậy, chất độc da cam dường như còn để lại di chứng cho cháu của ông Vịnh. Đứa cháu nội mới lên bốn tuổi của ông bị nhiễm trùng máu phải điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương một năm ròng rã.

Gần 40 năm qua, vợ chồng ông đã quen với những tiếng la hét, đập phá, những lần ngược xuôi vay mượn để đưa con vào bệnh viện. Ông không dám để ở nhà bất cứ đồ đạc, giấy tờ nào có giá trị vì sợ các con đốt hết. Chỉ vào một góc được xây kín ngoài hè, ông Vịnh nghẹn ngào: “Ngày 29 Tết người ta lo mua sắm, còn tôi ở nhà quây chỗ này lại để nhốt con vì cháu quấy phá quá, không ai trông được”.

Nghe chồng giãi bày, nước mắt bà Nhu ứa ra từ lúc nào: “Cháu thứ ba nhà tôi cứ đi lang thang suốt, dân làng cho gì thì ăn nấy. Có những trưa nắng to, tôi tìm con để cho ăn mà không tìm được nên đành về để chiều còn ra vườn”.

Những hành trình da cam ảnh 1

Vợ chồng ông Vịnh đang kể về hoàn cảnh gia đình mình. (Ảnh: MINH DUY).

Hiện, gia đình ông Vịnh sống chủ yếu dựa vào trợ cấp. Trong năm người con của ông, hai người đang được chăm sóc ở trung tâm, hai người có gia đình riêng nhưng vẫn phải phụ thuộc bố mẹ. Riêng người con trai út do có khả năng nhận thức nên được tạo điều kiện cho đi học nấu ăn.

Nghĩ về tương lai của các con, ông Vịnh và bà Nhu không mong đợi gì ngoài khỏe mạnh để ông bà tiếp tục lao động, trông nom các con, các cháu. Ông Vịnh tâm sự: “Khi hai vợ chồng tôi già yếu, tôi chỉ có ước nguyện là gửi con vào trung tâm để các cháu có nơi ăn chốn ở. Những năm qua, gia đình tôi đã được nhận sự giúp đỡ, hỗ trợ từ nhiều cá nhân, tập thể nên chúng tôi không thể đòi hỏi nhiều hơn. Vợ chồng tôi lúc nào cũng bảo nhau cố gắng, được trợ cấp đến đâu thì quý đến đó vì nhiều gia đình còn khó khăn hơn mình, rất cần Nhà nước quan tâm”. Nói đến đây, trên khuôn mặt khắc khổ, chất phác của vợ chồng ông Vịnh cùng khẽ nở nụ cười hiền hậu.

Trong giây phút xuất hiện nụ cười hiếm hoi suốt cuộc chuyện trò, ông bà dường như tạm lắng lại nỗi đau luôn giày xéo tâm can. Không ngờ, trong hoàn cảnh bi đát như thế, ông Vịnh vẫn nghĩ và lo cho những người có hoàn cảnh khó khăn như gia đình mình. Người ta thường bảo, chỉ có những người từng đi qua tận cùng khổ đau mới có thể hiểu sâu sắc và thông cảm với nỗi đau của người khác.

Thế mới biết bản lĩnh và tinh thần của những người lính Cụ Hồ trải qua bao lần vào sinh ra tử như ông Oanh và ông Vịnh thật kiên cường và bao dung! Họ không những không ỷ lại vào cộng đồng mà còn biết chia sẻ, đồng cảm với những người cùng cảnh ngộ.

Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

Rời thôn An Thượng, xã Thượng Vực, chúng tôi tiếp tục tới thôn Hạ Dục, xã Đồng Phú thăm gia đình Thượng tá Hoàng Văn Đởn, người phục vụ liên tục trong quân đội 31 năm 3 tháng và từng tham gia chiến trường B5. Căn nhà của ông khá trống vắng vì người con thứ hai, chị Hoàng Thị Hà vừa được đưa lên trung tâm chăm sóc nạn nhân chất độc da cam vài tuần trước. Chúng tôi được biết nhiều hơn về chị Hà qua lời kể của vợ ông Đởn, bà Nguyễn Thị Thanh.

Từ khi ra đời vào năm 1977, chị Hà bị dị dạng, dị tật, trí tuệ kém phát triển. Dù không phải là người mang nặng đẻ đau chị Hà nhưng khi kể về con gái của chồng, ánh mắt bà Thanh vẫn sáng lên niềm tự hào: “Lần đầu được người bạn dẫn đến ngôi nhà này chơi, tôi nhìn thấy cháu Hà, thương cháu quá! Lúc đó mẹ cháu mất rồi, chỉ có bố chăm con. Cháu trắng trẻo, xinh và ngoan lắm. Phải có những người như bố cháu Hà cống hiến cả tuổi thanh xuân đi chiến đấu thì đất nước mới có ngày hòa bình hôm nay”.

Chính tình thương con trẻ đã đưa bà Thanh, một cô giáo đã nghỉ hưu, về chung sống với bố con chị Hà hơn năm năm nay. Nhớ lại những ngày mới sống cùng mái nhà, bà Thanh kể: “Lúc làm quen với cháu, tôi đưa tay ra dạy cháu bắt tay, hai mẹ con nắm tay nhau. Sau cháu quen dần, nghe thấy tiếng mẹ hát, nhất là bài hát về Bác Hồ là đi theo mẹ ngay”. Chị Hà xa nhà bao nhiêu ngày thì cũng từng ấy ngày bà Thanh thấp thỏm trong lòng vì lo các cô ở trung tâm chưa biết cách cho ăn làm con sụt cân.

Để vơi nỗi nhớ con, lúc rảnh rỗi bà Thanh lại đan áo cho chị Hà và các cháu cùng phòng. Hàng chục chiếc áo nhỏ nhắn được bà xếp gọn gàng trong túi nilon, đợi khi trời trở lạnh sẽ mang lên trung tâm cho bọn trẻ. Vợ chồng bà cũng đang nhờ người tìm mua giúp chiếc xe máy cũ để thỉnh thoảng bà chủ động lên thăm con.

Năm nay bà Thanh chuẩn bị bước sang tuổi 70, nhưng quãng đường dài 50 km lên trung tâm nơi chị Hà đang ở không phải là thách thức quá lớn đối với bà vì cứ nghĩ được gặp con là bà lại thấy vui hơn và khỏe ra.

Những hành trình da cam ảnh 2

Bà Nguyễn Thị Thanh tranh thủ đan áo để gửi lên trung tâm cho con và các cháu cùng phòng. (Ảnh: MINH DUY).

Tiếp lời bà Thanh và cũng để khép lại chuyến thăm các nạn nhân chất độc da cam ở huyện Chương Mỹ, ông Trịnh Văn Sơn cho biết, theo kết quả thống kê chưa đầy đủ trên địa bàn huyện, có hơn 1.500 người bị nhiễm và phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin.

Hiện, có 1.020 người được hưởng chế độ phụ cấp, trong đó người trực tiếp tham gia kháng chiến là 588 người, con đẻ của họ là 432 người. Nhìn chung cuộc sống của các gia đình nạn nhân chất độc da cam rất khó khăn.

Ông Sơn cho rằng, trong những năm tới, số nạn nhân thuộc thế hệ thứ nhất sẽ giảm nhưng tổng số nạn nhân chưa chắc giảm do ảnh hưởng lâu dài của chất độc da cam. Vì vậy, nhiệm vụ giúp đỡ các nạn nhân của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Chương Mỹ vẫn còn nặng nề, cần có sự chung tay trước mắt và lâu dài của toàn xã hội.

Nơi mái ấm Làng Hữu nghị Việt Nam

Tạm biệt huyện Chương Mỹ và những con người nồng hậu nơi đây, chúng tôi tiếp tục hành trình đến thăm thành quả của sự hợp tác giữa cựu chiến binh Việt Nam và cựu chiến binh, những người yêu hòa bình của năm nước Đức, Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Anh. Đó là Làng Hữu nghị Việt Nam (xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội), nơi thường xuyên điều dưỡng luân lưu khoảng 120 trẻ khuyết tật và 70 cựu chiến binh, thanh niên xung phong của 34 tỉnh, thành từ tỉnh Quảng Nam ra phía bắc.

Theo ông Đinh Văn Tuyên, Giám đốc Làng Hữu nghị Việt Nam, từ khi bắt đầu hoạt động vào năm 1998 đến nay, Làng đã đón hơn 600 trẻ em và 6.000 cựu chiến binh bị nhiễm chất độc hóa học về chăm sóc, chữa trị bệnh tật.

Để xây được ngôi làng bề thế làm mái nhà chung cho bao cảnh đời khó khăn như ngày hôm nay, phải kể đến sự hỗ trợ đầy tâm huyết của các cựu chiến binh đến từ Đức, Pháp, Mỹ, Nhật Bản và Anh. Dù gặp nhiều khó khăn trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng sau cuộc chiến nhưng họ vẫn cảm thấy day dứt trước mất mát to lớn của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Nhiều người luôn mặc cảm rằng, chính họ hoặc đồng đội của mình đã trực tiếp hay gián tiếp gây nên thảm họa nhân đạo quá khủng khiếp này. Do vậy, những cựu chiến binh cùng nhau mở nhiều đợt quyên góp để xây dựng một ngôi làng hữu nghị ở Việt Nam nhằm góp phần xoa dịu nỗi đau da cam. Những hình thức quyên góp rất đa đạng, từ việc trích quỹ lương hưu ít ỏi đến bán đồ lưu niệm, tổ chức các bữa ăn từ thiện để kêu gọi lòng hảo tâm của người dân sở tại.

Ý tưởng xây dựng và phát triển Làng Hữu nghị Việt Nam của các cựu chiến binh đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ cộng đồng. Bởi những người dân yêu hòa bình hiểu rằng, chỉ với một USD hay một euro là họ có thể giúp các nạn nhân chất độc da cam có thêm một bữa ăn, một viên thuốc, thêm một giấc ngủ ngon để vơi bớt nỗi đau giày vò cơ thể. Tình người lan tỏa trong những việc làm thiện nguyện ấy trở thành điểm sáng. Nhiều lãnh đạo của Làng đã được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam tặng Huân chương Hữu nghị để ghi nhận tấm lòng chia sẻ với cộng đồng và để khẳng định tình yêu thương sẽ chiến thắng sự thù hận. Rất nhiều cựu chiến binh đã quá hiểu sự thảm khốc và di chứng lâu dài của những thảm họa do bom nguyên tử gây ra trong chiến tranh thế giới lần thứ hai ở Nhật Bản. Việc xây dựng Làng Hữu nghị Việt Nam cũng là hoạt động để nhắc nhở nhân loại tiến bộ và mọi người hãy cùng nhau nỗ lực đắp xây hòa bình, đừng để những thảm họa nhân đạo như bom nguyên tử ở thành phố Hiroshima, Nagasaki ở Nhật Bản và thảm họa da cam ở Việt Nam xảy ra trong tương lai.

Hiện nay, Làng Hữu nghị Việt Nam tổ chức 10 lớp học (sáu lớp giáo dục đặc biệt và bốn lớp dạy nghề, dạy thêu, làm hoa lụa) nhằm từng bước phát triển kỹ năng sống, văn hóa và hướng nghiệp, giúp trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng. Với sự hướng dẫn của ông Tuyên, chúng tôi được tham dự một buổi học thêu do cô giáo Vũ Thị Ngọc Loan đứng lớp. Về công tác tại Làng từ năm 1999, cô Loan đã gặp gỡ và dạy dỗ trẻ khuyết tật thuộc nhiều độ tuổi (từ sáu đến 30 tuổi), có hoàn cảnh gia đình và mang dị tật khác nhau, đòi hỏi phải có cách tiếp cận riêng.

Với những trẻ bị thiểu năng trí tuệ, vừa được dạy xong đường nét cơ bản nhưng lại quên ngay, cô giáo Loan càng phải kiên trì và yêu thương các em hơn. Cô Loan tâm sự: “Lúc nào tôi cũng muốn mang tâm huyết và lòng nhiệt tình vào bài giảng, giúp các em nắm bắt kỹ thuật thêu nhanh nhất. Tôi chỉ hy vọng sau khi rời khỏi Làng, các em có thể làm nghề để nuôi chính bản thân mình cho cuộc sống đỡ vất vả”.

Sau 17 năm gắn bó với Làng, phần thưởng quý giá nhất mà cô Loan nhận được chính là những tiếng gọi mẹ, xưng con của của các em. Một thành viên trong lớp học thêu của cô, em Nguyễn Đức Mỵ (SN 1990) dù chỉ nói bập bẹ nhưng vẫn cố diễn đạt cho chúng tôi biết, em rất thích học thêu và em yêu quý cô giáo Loan nhiều lắm! Nhìn ánh mắt trìu mến, cử chỉ âu yếm của cô Loan và khuôn mặt ngây ngô, háo hức được học như những trẻ em bình thường, bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được tình yêu thương có sức mạnh như thế nào đối với những đứa trẻ phải hứng chịu hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh ác liệt.

Những hành trình da cam ảnh 3

Cô giáo Vũ Thị Ngọc Loan ân cần dạy các em học thêu. (Ảnh: MINH DUY).

Khi đang tham quan khuôn viên rợp bóng cây xanh của Làng, chúng tôi tình cờ gặp ba nữ cựu chiến binh của của huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Các cô trông thật duyên dáng trong bộ quân phục. Hỏi ra mới biết, đằng sau những khuôn mặt rạng rỡ kia là những nỗi khổ tột cùng.

Các cô kể cho chúng tôi nghe về những lần thai chết lưu ở tháng thứ tám, thứ chín, về những đứa bé sinh ra không mang hình thù con người khiến ngay cả những người ruột thịt cũng phải khiếp sợ, về những đứa con hằng ngày đi lang thang khắp thôn xóm. Dẹp sang một bên nỗi bất hạnh của cuộc đời người phụ nữ, các cô bảo: “Dù cuộc sống thế nào chăng nữa, chúng tôi cứ phải yêu đời! Ở đây, chúng tôi được chăm sóc chu đáo và ăn nghỉ điều độ. Làng tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn nghệ, thể dục thể thao vui lắm!”.

Cô cháu trò chuyện một lúc thì cũng đến giờ ăn trưa, các cựu chiến binh và trẻ em trong Làng cùng ra nhà ăn. Tất cả sinh hoạt với nhau như những thành viên trong một gia đình lớn, những tiếng cười và lời hỏi thăm nhau vang lên không ngớt.

Chúng tôi kết thúc hành trình của mình tại Làng Hữu nghị Việt Nam, một biểu tượng cao đẹp của hòa bình và nhân ái. Khi ra về, trong tâm trí tôi cứ hiện lên hình ảnh những con người đã ngoài 40 tuổi nhưng mang dáng vẻ của trẻ lên 10, những cựu chiến binh đang vật lộn từng ngày để nuôi dưỡng những đứa con kém may mắn của mình, những người phụ nữ sớm hôm chăm sóc trẻ em tật nguyền và những câu hát khắc khoải mà GS. TS. Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương trao tặng Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam vào tháng 7 vừa qua:

“Có một nỗi đau dài theo thời gian, lẫn trong nhân gian

Nỗi đau da cam!

Tổn thương dài lâu, ngấm vào rất sâu, càng ngấm càng đau

Xót xa biết bao!

…Hãy nhìn đây những tấm thân héo hon!

Hãy xem đây những di chứng tâm hồn!

Có mất mát nào nhiều hơn, nhiều hơn!

Có nỗi đau nào sâu hơn, sâu hơn!

Xin đừng lãng quên!

Xin đừng lặng im!

Hãy nói lên lời của trái tim, lời của yêu thương!”