Những căn bệnh của “siêu đô thị”

Tình trạng kẹt xe vốn đã diễn ra liên miên tại TP Hồ Chí Minh thời gian qua càng trở nên trầm trọng hơn khi ông trời “bổ sung” những cơn mưa lớn, khiến căn bệnh của một “siêu đô thị” bộc lộ rõ hơn bao giờ hết. Điển hình là trận mưa chiều 15-9, đến tận 22 giờ 30 phút cùng ngày, hàng nghìn người dân vẫn lội nước dầm mưa trên nhiều đường phố. Ở đầu kia của đất nước, người dân Hà Nội hoàn toàn thông cảm nỗi khổ của người Sài Gòn. Đã tắc, lại còn tắc hơn - đó là câu cửa miệng của người Hà Nội mỗi khi có mưa lớn. Người Hà Nội sợ nhất những cơn mưa vào giờ tan tầm hoặc đi làm. Nhiều người đến chín giờ sáng vẫn bì bõm trong cơn mưa không đến được công sở.

Dân số Hà Nội năm 2014 là hơn bảy triệu người. Nhưng thực tế, số người cư trú tại Hà Nội là khoảng 10 triệu người, vì Thủ đô luôn có hàng triệu người ngoại tỉnh làm ăn, sinh sống. Là trung tâm kinh tế lớn nhất phía nam, TP Hồ Chí Minh là nơi đông dân nhất cả nước, với gần tám triệu người (năm 2014). Tương tự như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh luôn có hàng triệu người vãng lai và con số mà các chuyên gia ước tính, cũng hơn 10 triệu người sinh sống. Nước ta có 63 tỉnh, thành phố, nhưng hơn 20% dân số cả nước đổ dồn về hai địa phương là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Nếu tính cả số người ngoại tỉnh sinh sống, thực chất, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã trở thành những “siêu đô thị” (tức những đô thị có hơn 10 triệu dân, mật độ hơn 2.000 người/km2).

Một đô thị phình ra quá lớn, sẽ dẫn đến hàng loạt bất cập về giao thông, nước sạch, vệ sinh môi trường, nhà ở, học hành, khám, chữa bệnh... Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đều có những “siêu lớp học”. Nhiều trường tiểu học có sĩ số lên tới 50 đến 60 em một lớp. Năm nào hai thành phố cũng đều xây trường mới. Vẫn không xuể. Song biểu hiện rõ nhất, chính là lĩnh vực giao thông. Số đường mới được mở, hoặc “cơi nới” thì rất ít vì vướng giải phóng mặt bằng. Hai “đầu tàu” nam - bắc khắc phục bằng xây thêm những tuyến đường sắt, xe buýt, những cầu vượt..., nhưng hy vọng về “thanh toán” nạn ùn tắc là gần như không thể. Hà Nội hiện có 5,5 triệu chiếc ô-tô, xe máy. Mỗi ngày, thành phố "bổ sung" thêm 750 chiếc xe mới lăn bánh. Ở lĩnh vực này, TP Hồ Chí Minh vẫn là "đỉnh". Cuối năm 2014, thành phố đã có hơn bảy triệu xe (khoảng 6,4 triệu xe gắn máy). Số phương tiện cơ giới tăng trung bình lên tới 10% mỗi năm. Điều này cũng dễ hiểu, khi dân số Hà Nội mỗi năm tăng thêm khoảng 200.000 người, tương đương với một huyện. Trong đó, gia tăng cơ học là chủ yếu. Nơi người dân đổ dồn đến lại là các quận nội thành, nhất là các quận mới thành lập. Cùng một "căn bệnh", cùng nguyên nhân, nên Hà Nội sao, thì TP Hồ Chí Minh cũng tương tự và giống như giao thông, hệ thống thoát nước cũng còn lâu mới "đuổi kịp" tốc độ gia tăng này.

"Điệp khúc" tắc đường, ngập lụt còn kéo dài nếu chỉ loay hoay với những giải pháp tình thế. Dường như các nhà quản lý đã nhận ra những căn bệnh của "siêu đô thị". Một số quy hoạch đã đề cập đến xây dựng những đô thị vệ tinh, tạo nên những đối trọng, kéo giãn dân cư ở "siêu đô thị". Nhưng liệu những bản vẽ đẹp có được thực thi? Dân số đông, thành phố to đâu phải niềm tự hào. Điều quan trọng là chất lượng cuộc sống. Trong khi Hà Nội, TP Hồ Chí Minh vật vã với ùn tắc, ô nhiễm và đường ngập, người dân Đà Nẵng vẫn ung dung trên những con đường xanh, sạch ở thành phố "đáng sống" nhất Việt Nam. Năm 2014, dân số ở thành phố này là hơn 1,01 triệu người.