Vô tư chiếm dụng vỉa hè, lòng đường
Tại khu vực cổng sau Bệnh viện Mắt Trung ương (phố Bùi Thị Xuân, TP Hà Nội) chúng tôi dễ dàng bắt gặp các “cò” trông giữ xe trái phép chèo kéo khách hàng. Dù đây là một đoạn đường chật hẹp, người qua lại nườm nượp và một phần đường đã được Sở Giao thông vận tải TP Hà Nội cấp phép cho Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội làm bãi trông giữ xe ô-tô và xe máy, nhưng phần hè, đường còn lại đang được một số cá nhân sinh sống trên tuyến phố “vô tư” chiếm dụng, biến thành công cụ kiếm tiền của mình. Vì là khu vực “đất vàng” nên phí trông giữ xe “chui” cũng cao hơn so với quy định, từ 50 đến 100 nghìn đồng/xe ô-tô/lượt và từ 5 đến 10 nghìn đồng/xe máy/lượt. Không chỉ vậy, do tự phát, không chấp hành quy định nên các “cò xe” vô tư “chỉ đạo” khách muốn để đâu tùy ý, khiến chỗ thò ra, chỗ thụt vào, làm đoạn phố Bùi Thị Xuân dài khoảng 300 m luôn rơi vào cảnh ùn tắc giao thông.
Anh Nguyễn Trọng T. một người dân sinh sống trên địa bàn cho biết, do vỉa hè, lòng đường thường xuyên bị chiếm dụng làm chỗ để xe, khiến người đi bộ thường xuyên phải đi xuống lòng đường, gây mất an toàn giao thông một cách nghiêm trọng. Mặc dù chưa có vụ tai nạn giao thông nặng nào nhưng những vụ va chạm nhẹ giữa các phương tiện với người đi bộ vẫn thường xuyên xảy ra. Trước tình trạng đó, người dân đã không ít lần phản ánh lên chính quyền sở tại nhưng không hiểu vì lý do gì mà điểm trông giữ xe này vẫn ngang nhiên tồn tại, dù ngày nào cũng thấy lực lượng cảnh sát trật tự của phường đi qua.
Tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, hiện có bốn khu đô thị (KĐT) gồm: bán đảo Linh Đàm, Bắc Linh Đàm, Tây Nam Linh Đàm và Pháp Vân - Tứ Hiệp với 82 tòa nhà chung cư, trong đó có 75 tòa đã đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, chỉ có hai tòa nhà có tầng hầm để xe khiến nhu cầu gửi xe ở đây trở thành vấn đề nóng trong những năm qua. Đặc biệt là KĐT Linh Đàm, càng trở nên ngột ngạt vì mật độ phương tiện dày đặc, nhất là vào buổi tối và sáng sớm. Vỉa hè, lòng đường, góc công viên, hay bất cứ khoảng đất trống nào ở đây cũng đều biến thành nơi trông giữ phương tiện. Ô-tô, xe máy đỗ la liệt ngay dưới lòng đường, khiến các bãi xe cạnh tranh nhau từng mét đất và thu phí mỗi nơi một kiểu.
Đáng ngại, các bãi xe này không có bất cứ phương tiện bảo hộ bảo đảm an toàn, phòng chống cháy nổ nào, thế nhưng phí trông giữ xe lại cao ngất ngưởng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, do nhu cầu gửi xe ở KĐT này quá lớn nên các điểm trông giữ xe thu bình quân từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng/ô-tô/tháng. Giá cao, nhưng bãi xe có sức chứa hơn 500 xe vẫn thường xuyên quá tải do khu vực này có 12 tòa nhà, khoảng 10 nghìn hộ dân với 32 nghìn nhân khẩu và hơn 1.000 xe ô-tô nhưng không có hầm để xe ô-tô.
Tương tự, KĐT Pháp Vân - Tứ Hiệp cũng xuất hiện nhiều điểm trông giữ xe ô-tô tự phát, tận dụng mọi khoảng trống trên vỉa hè, lòng đường làm nơi căng dây, kẻ vạch để trông giữ xe, kiếm tiền bất chính. Thậm chí, một số khu vực sân chơi dành cho trẻ em của các tòa nhà như NƠ 1, NƠ 2, NƠ 5, NƠ 7, NƠ 22, NƠ 23,... cũng bị xe ô-tô đậu kín. Chị Hà Thu Huyền (cư dân trú tại tòa nhà NƠ 2) bức xúc cho biết, toàn bộ sân chơi dành cho cư dân tòa nhà vui chơi đều bị chiếm dụng, làm nơi đỗ xe, khiến người già, trẻ nhỏ đi lại còn khó khăn, nói gì tới việc giải trí. Bà con cư dân cũng đã phản ánh nhiều lần tới chính quyền phường, quận nhưng không hiểu sao các điểm trông giữ trái phép này đến nay vẫn tồn tại.
Qua khảo sát tại các khu vực như KĐT Văn Quán (Hà Đông), KĐT Nam Trung Yên (Cầu Giấy),... tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm điểm trông giữ xe, kinh doanh trái phép cũng xảy ra. Phí gửi xe ở các khu vực này không tuân theo bất cứ quy định nào, mà được định riêng bởi các chủ bãi; dao động từ 800 nghìn đến 1,2 triệu đồng/tháng tuỳ theo giá trị của xe, xe càng đắt tiền thì phí càng cao. Gửi xe tại các điểm này, khách hàng không được ký hợp đồng, không được phát vé xe; tất cả đều thỏa thuận miệng giữa chủ xe và người trông. Mặc dù biết đây chỉ là một thỏa thuận mong manh, tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng đáng buồn khi người dân phải “cắn răng chịu đựng” vì không còn sự lựa chọn nào khác.
Khắc phục lỗ hổng
Liên quan tới công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự đô thị trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND phường Bùi Thị Xuân Đặng Anh Vũ cho biết, lực lượng chức năng phường thường xuyên kiểm tra, xử lý tình trạng trông giữ, đậu đỗ xe ô-tô, xe máy trái phép. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ dân sinh sống trên phố Bùi Thị Xuân trông giữ xe trái phép. Để ngăn chặn tình trạng này, phường đã tuyên truyền và yêu cầu các hộ dân, chủ bãi trông giữ xe viết cam kết không tổ chức trông giữ phương tiện khi chưa được các cơ quan chức năng cho phép.
Cũng theo Phó Chủ tịch Đặng Anh Vũ, trong chín tháng qua, lực lượng chức năng phường đã tiến hành xử phạt 105 trường hợp vi phạm trật tự đô thị với tổng số tiền phạt hơn 145 triệu đồng, kiểm tra, xử phạt hành chính hai hộ dân trông giữ xe trái phép tại số 25, 27 phố Tô Hiến Thành và số 18 phố Bùi Thị Xuân với số tiền 2,5 triệu đồng. Bên cạnh đó, xử phạt 283 trường hợp vi phạm về trật tự giao thông với tổng số tiền gần 66 triệu đồng.
Tương tự, Phó Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt Vũ Đức Minh khẳng định, phường đã liên tục kiểm tra xử lý các bãi trông giữ xe vi phạm, nhưng hiện nay, thực trạng không có bãi đỗ xe tại các khu chung cư ở Hoàng Liệt đang nằm ngoài tầm giải quyết của chính quyền phường. Phường đã báo cáo, đề xuất với cấp trên nhiều giải pháp xử lý tình trạng thiếu bãi giữ xe như cho để xe một chiều dưới lòng đường Linh Đường, sớm triển khai các dự án bãi đỗ xe tập trung để bảo đảm giải quyết dứt điểm tình trạng trông giữ phương tiện không phép cũng như đáp ứng đủ nhu cầu đỗ xe cho người dân trên địa bàn. Đặc biệt, để giảm áp lực không có chỗ để xe, UBND phường đang kiến nghị sở, ngành liên quan cho mở rộng bãi xe đã cấp phép và cấp phép tạm cho những vị trí đủ điều kiện. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có phương án cụ thể nào được đưa ra.
Trong những năm qua, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp giảm sức ép về nhu cầu gửi xe của người dân, tuy nhiên, bãi đỗ xe của Hà Nội mới đáp ứng khoảng 8-10% nhu cầu. Nhiều khu vực được quy hoạch làm điểm, bãi đỗ xe nhưng chậm triển khai hoặc sử dụng sai mục đích. Trước vấn đề trên, TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia nghiên cứu về giao thông khẳng định, do không tính toán, cân đối được lượng xe đi và xe đỗ khiến các quy hoạch đã bị “vỡ” và đó chính là chỗ hở, yếu kém của quy hoạch Hà Nội nói riêng và các tỉnh, thành phố khác nói chung. Mặt khác, nhiều bãi đỗ xe được lập ra theo đúng mục đích, tên gọi của nó, nhưng sau đó lại bị biến tướng thành các tòa nhà thương mại hoặc làm các dịch vụ khác.
Điều này thể hiện sự yếu kém trong tổ chức quản lý, thực hiện của Hà Nội và các sở ngành, đồng thời có khả năng xuất hiện nhiều vấn đề tiêu cực đằng sau. Để giải quyết bài toán về điểm đỗ xe, cần khuyến khích triển khai xây dựng những bãi xe ngầm, trên cao. Đồng thời, Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải cần phối hợp xây dựng kế hoạch, quy hoạch để các cơ quan, công trình,... đều có bãi trông xe, hay khuyến khích, đẩy mạnh triển khai áp dụng các mô hình đỗ xe thông minh, qua đó mới làm giảm căng thẳng về các điểm đỗ xe như hiện nay.
Tính đến hết quý I - 2019, trên địa bàn Hà Nội có gần 6,5 triệu phương tiện giao thông. Trong đó, có gần 740 nghìn xe ô-tô, gần 5,7 triệu xe máy (chiếm hơn 86%) và hơn 148 nghìn xe máy điện. Theo Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, mạng lưới bãi đỗ xe trong phạm vi đô thị trung tâm sẽ bao gồm 1.480 vị trí bãi đỗ công cộng tập trung với tổng quy mô diện tích 1.197,8 ha; trong đó, có 74 vị trí xây dựng bãi đỗ xe ngầm, 450 bãi đỗ xe cao tầng, còn lại là các bãi đỗ xe mặt đất,... |