Nhóm học sinh nghiên cứu thảo dược sát khuẩn và đuổi côn trùng

Nhóm học sinh Trường trung học phổ thông Lạng Giang số 1, (huyện Lạng Giang, Bắc Giang) đã nghiên cứu và chiết xuất thành công dung dịch thảo dược sát khuẩn và đuổi, diệt côn trùng với nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên, không độc hại với con người.

Dự án sản xuất dung dịch sát khuẩn và đuổi diệt côn trùng sinh học đoạt giải ba trong cuộc thi năm 2022.
Dự án sản xuất dung dịch sát khuẩn và đuổi diệt côn trùng sinh học đoạt giải ba trong cuộc thi năm 2022.

Dự án sản xuất dung dịch sát khuẩn và đuổi diệt côn trùng sinh học của nhóm học sinh nêu trên đã đoạt giải ba tại cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp lần thứ IV năm 2022, do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Học sinh Vũ Đình Trọng, lớp 11 A1 (trưởng nhóm nghiên cứu) chia sẻ, từ thực tế ngồi học bị muỗi đốt cho nên em có suy nghĩ tìm cách đuổi muỗi hiệu quả. Ban đầu, em tìm hiểu một số loại thuốc hóa học nhưng thấy không hiệu quả mà còn có hại cho sức khỏe con người, vật nuôi. Sau đó, em hỏi thầy, cô giáo xem có loại cây nào đuổi diệt muỗi tự nhiên với môi trường. Lúc đầu, có mình em tìm hiểu, nghiên cứu, sau đó có thêm các bạn khác cùng tham gia vì chung đam mê nghiên cứu. Sau khi cả nhóm thống nhất ý tưởng, phương pháp nghiên cứu đã tìm đến các hộ dân trồng cây ngũ gia bì, lên đồi gần trường học tìm cây bạch đàn... để nghiên cứu, chiết xuất. Sau nhiều lần thử nghiệm, nhóm đã chiết xuất thành công sản phẩm dung dịch thảo dược sát khuẩn và đuổi, diệt côn trùng với nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên, không độc hại với sức khỏe con người. Sản phẩm có tính chất diệt khuẩn cho nên có thể thay thế nước rửa tay khô hoặc dung dịch sát khuẩn thông thường. Bên cạnh đó, dung dịch này còn có thể thoa trực tiếp vào chỗ côn trùng đốt để giảm sưng tấy, ngứa, hạn chế nhiễm trùng. Học sinh Nguyễn Thị Thu Hiền, lớp 10 A1 (thành viên trong nhóm) cho biết thêm, khâu chiết xuất tinh dầu thì nhanh nhưng để thử nghiệm đuổi muỗi thành công thì mất nhiều thời gian. Lợi thế lớn nhất của dung dịch sát khuẩn và đuổi, diệt côn trùng sinh học nêu trên là giá rẻ hơn so với các sản phẩm khác trên thị trường.

Cô giáo Vũ Thị Huệ, người hướng dẫn dự án cho biết, khi các em chia sẻ về ý tưởng của bản thân và lợi ích của dung dịch có nguồn gốc sinh học tự nhiên, tôi đã cùng các em đưa ra mục tiêu xa hơn như làm nước sát khuẩn, chai rửa tay khô trong bối cảnh dịch Covid-19. Bởi lẽ, nguyên liệu làm ra sản phẩm rất dễ tìm kiếm và phong phú, gần gũi với người dân địa phương. Chẳng hạn, cây sả, cây bạch đàn hay cây ngũ gia bì thường được trồng làm cây cảnh, đuổi muỗi hiệu quả theo dân gian. Còn cồn ethanol thì đã sử dụng trong y tế từ lâu. Nói về khó khăn của dự án, cô giáo Huệ cho biết thêm, khâu chiết xuất dung dịch từ cây sả, lá bạch đàn và cây ngũ gia bì rất mất thời gian. Sau đó, việc tìm ra công thức, tỷ lệ các chất trong dung dịch là bao nhiêu cũng khiến cả nhóm "đau đầu" nhiều ngày. Các em đều là học sinh cho nên thời gian nghiên cứu hạn chế, nhất là thời điểm ảnh hưởng của dịch bệnh hoặc ôn thi. Dù vậy, các em đã thống nhất dành thời gian nhất định để cùng nhau họp bàn, thí nghiệm để hoàn thành dự án. Dự án này sẽ tạo cảm hứng nghiên cứu khoa học, tinh thần khởi nghiệp đến các học sinh khác. Ngoài ra, từ thành công ban đầu, nhóm sẽ mở rộng quy mô sản xuất dung dịch nêu trên dự kiến 600 lít/ngày.

Thầy giáo Nguyễn Tuấn Quảng, Phó Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Lạng Giang số 1 cho biết, dự án sản xuất dung dịch sát khuẩn và đuổi, diệt côn trùng sinh học được lấy một phần kết quả từ cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh Bắc Giang năm 2021. Sau đó, được nhóm học sinh phát triển lên theo hướng kinh doanh, khởi nghiệp. Hiện tại, các thầy, cô giáo và học sinh nhà trường đã và đang sử dụng sản phẩm này, tuy nhiên, do cách làm thủ công cho nên sản phẩm chưa đủ cung cấp ra ngoài thị trường. Nhà trường sẽ tiếp tục tạo các điều kiện thuận lợi để dự án này sớm phát triển thương mại và thúc đẩy phong trào nghiên cứu khởi nghiệp đối với học sinh trong nhà trường.