ND - Trong thời gian làm phóng viên báo Nhân Dân tôi thường "đụng đầu" với các bạn làm phim thời sự - tài liệu khi cùng đến một đơn vị hay cùng trao đổi ý kiến về một vấn đề thời sự của đất nước. Cho nên cũng quen biết một số anh chị đạo diễn, đặc biệt là đạo diễn, quay phim Phan Trọng Quỳ.
Quen biết nhiều, nhưng cũng thú thật là không thật thân vì mỗi người một việc, thường chỉ gặp nhau ở cơ sở hay những chuyến đi công tác chung; quen biết các anh Hồng Nghi, Quang Huy, Lê Mạnh Thích... cũng ở trong trường hợp đó. Nhưng dù sao quen nhau khi làm nghề thường rất nhớ. Tôi phải nói như thế vì làm phim có nhiều thể loại nhưng cái nghề báo viết của tôi luôn luôn gắn bó với các anh chị làm phim thời sự - tài liệu, đi tới đâu cũng gặp họ.
Như trên đã nói, quen nhau trong khi làm nghề thường rất nhớ, đặc biệt trong những lúc vào sinh ra tử, để nhớ đạo diễn, quay phim Phan Trọng Quỳ, người bạn đồng nghiệp thân thiết.
Trong cuộc chiến tranh phá hoại ở miền bắc thì Quảng Bình và Vĩnh Linh là nơi ác liệt nhất. Nhiều nhà báo, nhà làm phim đã có mặt ở vùng này. Các tòa soạn thường cử vào đây những người làm báo có bản lĩnh chính trị và nghề nghiệp vững vàng để bám trụ làm phóng viên thường trú.
Tôi không dám nói về chúng tôi như thế nhưng các cơ quan báo chí khác thì đúng là như vậy. Một trong những người tôi rất quý trọng là đạo diễn, quay phim Phan Trọng Quỳ được cử là Tổ trưởng phóng viên thường trú của Xưởng phim thời sự - tài liệu cùng với bạn quay phim trẻ Phạm Ðình Thăng và Trung Hiếu.
Tôi biết và xem phim của Quỳ từ trước khi gặp mặt, nhất là khi được xem những thước phim anh quay hình ảnh Bác Hồ đi thăm chín nước xã hội chủ nghĩa và nhiều thước phim về hoạt động của các lãnh tụ.
Tôi hiểu rằng những người cầm máy đi theo Bác Hồ phải là những người được tin cậy về chính trị cũng như nghề nghiệp. Cho nên nghe tin Phan Trọng Quỳ vào đây tôi hiểu là xưởng phim đã cử những con người vững vàng vào bậc nhất của cơ quan để không những trụ vững mà còn ghi được những hình ảnh đáng giá nhất của vùng chiến đấu ác liệt nhất này.
Làm việc ở đây, những anh em trong tổ phóng viên thường trú báo Nhân Dân chúng tôi cũng được đánh giá là những nhà báo dũng cảm, nhanh nhậy, cũng đã được nhận Huy hiệu "5-8" (ngày không quân Mỹ ném bom miền bắc), Huy hiệu "Hai giỏi" của Quảng Bình và "Cồn Cỏ" của Vĩnh Linh là những phần thưởng cao quý của địa phương trong chiến tranh. Nhưng khi cùng nhau làm nghề thì thấy rõ là những người quay phim thời sự - tài liệu thường phải nhanh nhậy và vất vả hơn những người làm báo viết chúng tôi. Ðến trận địa pháo cao xạ bắn máy bay địch, người viết báo có thể lấy tài liệu xong rồi về, khi cần quan sát cũng có thể đứng trong công sự còn người quay phim phải nhô lên trên công sự hoặc ra ngoài công sự để quay phim, chấp nhận sự nguy hiểm hơn.
Một chiếc máy bay địch bị bắn rơi, một cuộc săn đuổi tên phi công địch nhảy dù, một loạt bom tàn phá hủy diệt các ngôi làng, chúng tôi đều phải đạp xe đến tận nơi nhanh nhất để lấy tài liệu, nhưng Quỳ và các bạn quay phim phải tìm cách đến nhanh hơn khi còn khói, còn lửa để ghi lại những hình ảnh chân thật nhất. Chúng tôi đi thì nhẹ nhàng với chiếc xắc-cốt có quyển sổ và cái bút còn các bạn phải ôm máy móc và hộp phim.
Nhớ hôm ở trận địa pháo bảo vệ đập Cẩm Ly, một đồng chí chỉ huy cầm máy quay của Quỳ rồi nói "dễ nó nặng bằng khẩu trung liên Breno của cánh bộ binh". Tôi kể và nhận xét một cách khái quát như vậy về những chuyến đi công tác chung với nhau khi tường thuật cuộc vây bắt giặc lái ở Quảng Trạch, tường thuật vụ bom Mỹ hủy diệt làng Liêm Lấp, cũng như chiến công của các cô gái Ngư Thủy bắn cháy tàu chiến Mỹ...
Trong số những người làm phim vào làm việc ở Quảng Bình trong thời gian chiến đấu ác liệt nhất không chỉ có Phan Trọng Quỳ. Tôi còn có dịp làm việc với các anh Bành Châu, Bành Bảo, Ngọc Quỳnh, Nguyên Tự... nhưng với Quỳ thì sâu sắc hơn vì Quỳ ở lâu trong trách nhiệm thường trú do đó có một số chuyến cùng làm việc với nhau.
Quỳ hơn tuổi tôi, làm nghề lâu hơn tôi và cũng thành đạt trong nghề trước tôi nhưng tôi có cảm giác anh vẫn nể trọng tôi, có lẽ cũng phần nào do cái tính xuề xòa, không phân biệt của anh. Anh là người sống hết mình, đã mê cái gì là mê đến say đắm, đã định làm cái gì là phải làm bằng được không kể hiểm nguy, khó khăn, cho nên chúng tôi hay nói đùa là Quỳ có tính "bốc đồng".
Tuy không tường tận công việc làm phim nhưng tôi có cảm giác anh rất khắt khe với nghề nghiệp nhất là đối với bạn trẻ phụ quay cho anh. Tuy thế trong cuộc sống anh lại là người rất có tình cảm, rất dễ xúc động; khi nói tới sự gian khổ, hy sinh của đồng bào, đồng chí, đồng nghiệp là thấy mắt anh đỏ hoe. Tôi đến sau nhưng nghe nói lúc vào thôn Liêm Lấp quay phim cảnh máy bay Mỹ thả bom hủy diệt một thôn ven biển, anh vừa chỉ đạo quay phim, vừa trực tiếp quay phim vừa khóc, nước mắt nhòe ống kính cho nên phải ngưng máy một lúc cho hồi tâm mới có thể tiếp tục công việc.
Chính Quỳ vừa khóc hu hu vừa báo cho tôi tin chiếc xe chở đoàn làm phim "Lũy thép Vĩnh Linh" có ba người cùng hơn 2.000 thước phim đã quay bị bom Mỹ bỏ bom trúng ở ngầm Ðá Mài trong số đó có Khuê, Chủ nhiệm phim, rồi cùng với địa phương thu lượm xác đồng nghiệp.
Tôi viết báo, cũng đôi lần tham gia bàn bạc với đồng nghiệp một số kịch bản phim thời sự, song chưa bao giờ viết kịch bản phim, nhưng Quỳ khuyến khích tôi viết để "tận dụng cái vốn sống của ông, không thì phí", rồi bàn nhau phải tìm một khía cạnh độc đáo nào đó để phản ánh cuộc chiến đấu toàn diện của nhân dân Quảng Bình - Vĩnh Linh cho khỏi trùng lắp.
Cuốn phim "Lúa trên đất lửa" do tôi viết kịch bản, Quỳ đạo diễn và quay phim ra đời như thế. Cuốn phim được Giải Huy chương bạc trong Liên hoan phim năm 1970. Cũng trong Liên hoan này Quỳ còn được Giải Huy chương vàng cho phim "Một ngày trực chiến" do anh đạo diễn và quay phim. Phim "Một ngày trực chiến" thì tôi được xem ngay, còn phim "Lúa trên đất lửa" khi xuất xưởng (1968) và dự Liên hoan (1970) thì tôi đi công tác xa, cho nên không được xem ở trong nước nhưng lại được xem ở Bu-đa-pét trong một buổi chiêu đãi quốc tế của bạn. Khi cùng xem phim, đồng chí Gioóc Ma-tê, Chủ tịch Hội Nhà báo Hungary nói đại ý, báo chí Hungary cho rằng trường đoạn các chị phụ nữ đang cấy lúa với súng đeo vai, buông tay cấy giương súng bắn máy bay địch đang chúc xuống bỏ bom, đằng sau là khói bom ùn ùn làm nền của cánh đồng đang cấy dở là trường đoạn phim đặc sắc trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc mà chỉ riêng có ở cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở Việt Nam.
Lời khen đó của khán giả nước ngoài chắc chắn thuộc về Trọng Quỳ và Trung Hiếu khi các anh phải vất vả, chấp nhận hiểm nguy để quay cảnh này. Ðánh giá tay nghề của Phan Trọng Quỳ như thế nào thì tôi không thể có ý kiến vì là người ngoại đạo, nhưng NSƯT Lại Văn Sinh, Giám đốc Hãng phim Thời sự - Tài liệu cho rằng Phan Trọng Quỳ là "Người làm phim thời sự hay nhất" thì chắc chắn là lời đánh giá có thẩm quyền.
Phan Trọng Quỳ đã đi xa, ngày đó tôi đang công tác ở các tỉnh phía nam nên không có dịp đến viếng bạn. Anh được phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú đợt đầu cho sự nghiệp làm phim cách mạng là rất xứng đáng. Nhưng cho tới nay tôi vẫn băn khoăn khi "Người làm phim thời sự hay nhất" theo đánh giá của các bạn đồng nghiệp lại vẫn chưa nhận được giải thưởng Nhà nước về tác phẩm.
Không nói về một số bộ phim được giải vàng, giải bạc mà hãy nói về những thước phim. Ngày Hà Nội chiến đấu chống pháo đài bay B52, tôi cũng tham gia cuộc tường thuật này. Do phân công, tôi nằm phục ở Uy Nỗ cũng là nơi bị bom B52 rải thảm để viết bài. Sau đó tôi cũng được nghe kể lại những bạn đồng nghiệp hoạt động ở các trận địa khác; được biết Trọng Quỳ phục mấy đêm trên nóc nhà số 72 phố Hoàng Hoa Thám để quay phim cuộc chiến đấu chống B52, rất hả lòng hả dạ khi được xem những thước phim quay máy bay B52 bị bắn cháy, đặc biệt được xem cảnh B52 rực cháy trên bầu trời Hà Nội và thầm cảm ơn các bạn đồng nghiệp làm phim, nhưng cũng không biết những thước phim đó của ai...
Nhưng cũng nghệ sĩ Lại Văn Sinh nói rõ: "Hình ảnh máy bay B52 cháy rực như một quầng lửa rơi trên bầu trời Hà Nội được đánh giá là đẹp nhất và được sử dụng rất nhiều trong phim của các đồng nghiệp trong và ngoài nước là của Phan Trọng Quỳ". Vậy thì tác phẩm của Quỳ không chỉ ở những bộ phim giải vàng, giải bạc mà còn ở những thước phim thời sự thực ra còn có giá trị hơn các giải vàng, giải bạc.
Phan Trọng Quỳ đã xa chúng ta 26 năm. Nhưng năm 2002 trong một dịp được xem lại phim của anh quay trên đất lửa Quảng Bình năm 1966 - 1968 sau hơn 30 năm ghi hình, và sau 27 năm hòa bình, không phải chỉ tôi xem lại để nhớ về những kỷ niệm một thời mà nhiều bạn trẻ hôm đó có dịp hiểu thêm cuộc chiến đấu gian khổ và thắng lợi vẻ vang của dân tộc ta và cũng cảm thông và ghi nhận công lao của những người làm báo trong đó có những người làm phim thời sự - tài liệu trong thời gian khổ đó.