Nhớ bà Hà Thị Quế!

NDO - Với cái tên "Tướng Việt Minh đàn bà", bà Hà Thị Quế năm 24 tuổi đã nổi tiếng cả vùng Bắc Giang, làm quân lính, tổng lý thời Pháp thán phục kính nể.
Bà Hà Thị Quế (đứng giữa) trong buổi gặp mặt kỷ niệm 55 năm cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên.
Bà Hà Thị Quế (đứng giữa) trong buổi gặp mặt kỷ niệm 55 năm cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên.

Bà Hà Thị Quế là đại biểu tỉnh Bắc Giang được cử đi dự Hội nghị Tân Trào.

Là một phụ nữ nông dân trải qua nhiều công tác lãnh đạo, dù ở cương vị nào bà cũng sắc sảo, quyết đoán, đi sâu, đi sát phong trào, gần gũi nhân dân, quan tâm đến đời sống cán bộ, thẳng thắn cương trực.

Bà Hà Thị Quế sinh năm 1921 tại xã Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Chính nơi đây là cơ sở cách mạng đầu tiên của tỉnh, là căn cứ cách mạng sau này trở thành chiến khu Quang Trung.

Là hậu duệ của Trạng nguyên Lương Thế Vinh, từ bé là một cô gái thông minh, nhanh nhẹn, được ông chú họ dạy dỗ về kiến thức cũng như về lòng yêu nước và ý chí cách mạng. Từ tuổi lên chín, mười, bà Quế đã được nghe kể về Bà Trưng, Bà Triệu, chuyện Phan Ðình Phùng, Hoàng Hoa Thám, được ông dắt đi xem đền thờ Ðinh Tiên Hoàng và thuộc lòng những bài vè yêu nước đả kích tổng lý. Ði chăn trâu trên cánh đồng, bọn con trai bắt nạn bạn gái, đuổi hết trâu vào rừng; lũ con gái sợ không dám đòi lại, cô bé Quế ngày ấy đã cưỡi trâu của bọn con trai và bắt chúng phải trả trâu lại. Ði học gặp mưa có lần cô đã một mình bơi giữa đồng nước mênh mông hơn cây số đường dài về làng lấy thuyền chèo đến trường đón bạn về giữa lúc trời sắp sập tối, trong làng ai cũng khen cô bé gan dạ. Ông và bố đều là những đảng viên đầu tiên của tỉnh Ninh Bình, rất nghiêm khắc trong việc dạy dỗ con cái, rèn luyện ý chí tự lực, tự cường và nói rõ cho con cháu biết nỗi nhục của người dân mất nước. Lên chín, mười tuổi (năm 1930) cô bé Quế đã chứng kiến cảnh bố mình và các đồng chí khác thuyết phục được cả làng xông vào đánh đuổi bọn chức dịch đến thu thóc thuế.

Trong làng, thanh niên nam nữ hầu như ai cũng có võ nghệ, biết múa kiếm, đánh gậy, đánh đao... Sau này bà Quế còn nhớ lại những buổi tập kiếm luyện đao của các bác, các chú và của anh ruột. Chú ruột bà là người giỏi võ nhất làng. Năm 1931, phong trào bị khủng bố, trong họ nhiều người đi tù và người bố thân yêu cũng bị quản thúc.

Từ năm 1936 - 1937, phong trào Mặt trận Bình dân lan đến vùng Nho Quan rất mạnh. Những người hoạt động cách mạng giả danh thợ mộc, thợ nề năng lui tới nhà đưa tài liệu bàn bạc công việc với ông chú ruột, với bố thành lập Hội cứu tế. Cô Quế mười bốn, mười lăm tuổi được giao công tác giao thông, liên lạc cùng ông, cùng bố hoạt động.

Những bức thư in thạch, những tờ báo bí mật được bà dắt vào cạp quần hay dưới đáy thúng. Năm mười bảy tuổi với sức trẻ sôi nổi, bà vừa tham gia phường cấy vừa làm Bí thư Hội phụ nữ phản đế và Ðoàn thanh niên phản đế rồi Bí thư Phụ nữ cứu quốc ở xã.

Bà được cử đi học lớp quân sự của Xứ ủy mở. Bà là Tiểu đội trưởng Ðội tự vệ chiến đấu. Năm 1941, bà được kết nạp Ðảng. Lúc này phong trào cách mạng bị khủng bố nặng nề, người nữ thanh niên ấy được Trung ương điều về tỉnh Thái Bình tham gia Ban cán sự Ðảng bộ Thái Bình, phụ trách hai huyện Kiến Xương và Tiền Hải, đồng thời củng cố phong trào cả tỉnh Nam Ðịnh.

Tháng 4-1944, bà được điều lên an toàn khu II gồm ba huyện Hiệp Hòa, Phú Bình, Phổ Yên. Khoảng tháng 7-1944, bà lại được điều sang hẳn huyện Yên Thế tham gia Ban cán sự tỉnh Ðảng bộ Bắc Giang, phụ trách hai huyện Yên Thế, Việt Yên và một phần huyện Lạng Giang.

Ðể đối phó với tình hình, thực dân Pháp cử đến phủ Yên Thế một tên tri phủ, vừa mới đến nơi hắn đã cho gọi chánh tổng, nha lại đến ra lệnh: "Chúng ta là đàn ông, để thua đàn bà là không được. Tôi và các ông phải cùng nhau trị cho được tên tướng Việt Minh đàn bà, nếu không trị được sẽ đưa Nhật về diệt".

Bà Hà Thị Quế vừa đi thượng Yên Thế về liền huy động anh chị em đi trinh sát. Với một khẩu súng lục và ba khẩu súng trường còn toàn súng kíp, mã tấu và kiếm, ta bố trí ở ba nơi, cách huyện gần hai cây số. Ta nổ súng chỉ thiên. Tên tri phủ xuống xe lên cò súng. Ta bắn vào tay tên tri phủ. Tất cả hạ súng, ta bắt luôn và thả lính về với vợ con rồi lập tòa án nhân dân, trị tội tên tri  phủ.

Tình hình địch rất hoang mang. Với sách lược vận động binh lính địch quay súng đánh địch, chỉ huy lực lượng tự vệ chiến đấu bao vây con đường chính cách huyện vài cây số, đích thân bà Hà Thị Quế gặp tên đội trưởng của đội lính bốn mươi tên, thuyết phục và dẫn tên đội vào cướp phủ, phá kho thóc chia cho vợ con binh lính.

Cho đến hôm nay, những người cán bộ của cơ quan Trung ương Hội ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp còn nhớ đức tính tận tụy, tháo vát của bà Hà Thị Quế đã tổ chức thành công một Ðại hội lớn gồm mấy trăm cán bộ cả nước về họp trong bốn ngày có nhiều khách mời, đặc biệt có Bác Hồ về dự.

Có hiểu được hoàn cảnh vô cùng thiếu thốn ở chiến khu Việt Bắc những năm 1949 - 1950, cơm ăn hằng ngày chỉ có dớn, rau tàu bay với măng chấm muối, thì mới thấy hết sự gian lao vất vả để tổ chức được Ðại hội lần thứ nhất như vậy giữa rừng Việt Bắc - hợp nhất hai tổ chức Phụ nữ cứu quốc và Liên hiệp phụ nữ thành một mặt trận. Ðích thân bà Hà Thị Quế làm Trưởng Ban tổ chức Ðại hội, miệng nói, tay làm, bà đã cùng một đồng chí tiếp tế đi bộ ba ngày đêm từ huyện Ðịnh Hóa (Thái Nguyên) lên tận giáp giới Bắc Cạn. Ðích thân bà dắt mười con bò vừa mua về địa điểm để có thực phẩm tổ chức Hội nghị.

Với cán bộ nữ, bà Hà Thị Quế mạnh dạn đề bạt không những với nữ nông dân mà cả đội ngũ trí thức, nhất là đối với cán bộ trẻ bà không hề hẹp hòi, thành kiến. Bà đã cùng bà Nguyễn Thị Thập và toàn thể các cấp phụ nữ tham gia các cấp ủy đảng chính quyền sao cho xứng đáng với phong trào "Phụ nữ ba đảm đang" và xứng đáng với trình độ phụ nữ ngày càng nâng cao.

Những lần đi họp phụ nữ quốc tế, bà Hà Thị Quế thay mặt đại biểu phụ nữ Việt Nam đã tỏ ra sắc sảo, khôn ngoan, khéo léo ứng xử có bản lĩnh và luôn giữ vững lập trường.

Những năm làm công tác kiểm tra, vài lần bà đã xóa án và làm nhẹ kỷ luật cho những trường hợp vợ bộ đội bị lầm lỡ khi xa chồng.

Bà Hà Thị Quế vốn là con gái vùng đồng chiêm, về làm dâu Ðình Bảng, một làng nổi tiếng làm cỗ bàn giỏi, nên lúc đầu bà cũng vất vả. Nhưng sau gia đình nhà chồng và xóm làng rất quý mến bà.

Là một người mẹ của sáu đứa con, bà đã khắc phục nhiều khó khăn gia đình để đi công tác. Trong việc nuôi dạy con, bà rất quan tâm đến việc học tập và rèn luyện các con trở thành những người cán bộ có ích cho đất nước.

Gần tuổi 80, bà sống một cuộc sống giản dị thanh bạch, giữ được đức tính năng nổ, quan tâm đến mọi người. Bà tự lo việc cơm nước hằng ngày và chăm sóc một cháu gái trong việc ăn, ngủ, học tập.

Bà ra đi nhưng tấm gương sáng ngời của bà vẫn còn mãi.