NGÀY THI ĐẤU THỨ NĂM TẠI PARALYMPIC TOKYO 2020

Đoàn Thái Lan đoạt HCV đầu tiên, xác lập kỷ lục thế giới mới

Trong ngày thi đấu 29/8, đại diện của Đông Nam Á là Đoàn thể thao người khuyết tật (NKT) Thái Lan đã đoạt Huy chương vàng (HCV) đầu tiên tại Paralympic Tokyo 2020, đồng thời xác lập kỷ lục thế giới mới.

VĐV Paeyo Pongsakorn của Thái Lan đoạt HCV, lập kỷ lục thế giới tại Paralympic Tokyo 2020. Ảnh: AP
VĐV Paeyo Pongsakorn của Thái Lan đoạt HCV, lập kỷ lục thế giới tại Paralympic Tokyo 2020. Ảnh: AP

Hôm qua, các vận động viên (VĐV) điền kinh và bơi tiếp tục lập nhiều kỳ tích. Đoàn Trung Quốc lập kỷ lục về thành tích khi giành thêm 15 HCV, trong khi đoàn Anh cũng có thêm bảy ngôi vô địch ở các nội dung.

Tiếp nối thành công đoạt hai HCV của “kình ngư” người Singapore Yip Pin Xiu và đô cử người Malaysia Bonnie Bunyau Gustin ở nội dung bơi ngửa 100 m nữ hạng S2 và cử tạ nam ở mức dưới 72 kg nam, ngày 29/8, một VĐV của đoàn Thái Lan là Paeyo Pongsakorn đã thi đấu xuất sắc ở nội dung đua xe lăn 400 m nam hạng thương tật T53, không những đoạt HCV với thành tích 46 giây 61 mà còn lập kỷ lục thế giới mới. Pongsakorn, 24 tuổi, đang là sinh viên Trường cao đẳng Kinh doanh Khon Kaen và là VĐV suy giảm thể lực do ảnh hưởng của bệnh bại liệt. Pongsakorn tham gia tập luyện thể thao từ năm 2009 ở tuổi 13 và từng đoạt hai HCV tại Paralympic Rio 2016 ở các nội dung đua xe lăn 400 m và 800 m. Một HCV tại Giải vô địch thế giới 2019 nội dung đua 400 m và bốn HCV tại Asian Para Games 2018 ở các nội dung đua xe lăn: 100 m, 200 m, 400 m, 800 m. Tại vòng chung kết đua xe lăn 400 m nam hạng T53, Pongsakorn đã vượt qua đương kim vô địch thế giới ở nội dung này là VĐV của Canada là Lakatos Brent, về đích sớm hơn kỷ lục cũ 0,21 giây. Trong các nước khu vực Đông Nam Á, với một HCV, một HCB, ba HCĐ, đoàn Thái Lan đã vươn lên vị trí thứ 34 trên bảng xếp hạng, đoàn Malaysia và Singapore cùng xếp thứ 40 khi chỉ có một HCV, đoàn Việt Nam xếp thứ 56 với một HCB.

Hôm qua, chín kỷ lục thế giới đã được xác lập trong số 20 nội dung thi đấu chung kết môn điền kinh. Yao Juan (Trung Quốc) là VĐV “mở hàng” phá kỷ lục thế giới trong ngày thi đấu. Tham gia tập luyện thể thao cách đây 21 năm và suốt từ năm 2008 đến nay, nữ VĐV sinh năm 1984 này luôn độc chiếm HCV ở hai nội dung ném lao và đẩy tạ nữ hạng F44 (VĐV thương tật một chân đến đầu gối). Trong buổi sáng 29/8, Yao Juan lập kỷ lục thế giới ném đĩa với thành tích 44,73 m, hơn 20 cm so với kỷ lục cũ của chính mình lập tại Paralympic Rio 2016. Đồng đội của chị là Zhou Xia cũng phá kỷ lục thế giới nội dung chạy 200 m nữ hạng thương tật T35 (bị suy giảm khả năng phối hợp). VĐV người Anh Cockroft Hannah trong lần thứ ba dự Paralympic đã lần đầu tiên xác lập kỷ lục thế giới mới ở nội dung chạy 100 m nữ đua xe lăn hạng T34 (nội dung giành cho các VĐV bị bại não). Cockroft Hannah chạy xe lăn 100 m hết 16 giây 39, phá kỷ lục thế giới của chính mình lập hồi tháng 5 vừa qua (16 giây 57). Đoàn Nga (trung lập) có thêm HCV và cũng là kỷ lục thế giới do VĐV Gnezdilov Denis xác lập ở nội dung đẩy tạ nam hạng F40 (VĐV có tầm vóc thấp bé) với thành tích 11,16 m (kỷ lục cũ là 11,01 m). VĐV người Ecuado là Mendes cũng phá kỷ lục thế giới sau khi đẩy thành công 14,39 m môn điền kinh kỷ lục cũ là 14,1 m ở nội dung đẩy tạ nữ hạng F20 (VĐV suy giảm trí tuệ).

Trên đường đua xanh, các VĐV bơi lội cũng xác lập năm kỷ lục thế giới mới trong số 14 nội dung thi đấu chung kết. Trong đó, VĐV Malyar Mark (Israel) phá kỷ lục thế giới 400 m nam hạng S7, VĐV người Nhật Bản Naohide phá kỷ lục thế giới 100 m bơi ếch nam hạng SB14, VĐV người Tây Ban Nha Michelle phá kỷ lục thế giới 100 m ếch nữ hạng SB14, VĐV người Nga phá kỷ lục thế giới nội dung 100 m bơi ếch nam hạng SB4, trong khi VĐV người Trung Quốc phá kỷ lục thế giới 50 m tự do nữ hạng S11.

VĐV cử tạ người Mexico Amalia Perez trước đó từng giành được bốn HCV qua các kỳ Paralympic. Cô đã 20 năm liên tục giành huy chương và trở thành một huyền thoại trong làng thể thao NKT. Kể từ khi ra mắt ở Thế vận hội NKT Sydney 2000 với HCB và một màn trình diễn lặp lại tại Athens 2004, Amalia Perez đã vươn lên số một thế giới, lập kỷ lục Paralympic mới với mức nâng 128 kg để giành HCV đầu tiên tại Paralympic Bắc Kinh năm 2008. Đến Thế vận hội NKT London 2012, Amalia Perez không chỉ giành HCV mà còn lập kỷ lục mới Paralympic ở hạng 60 kg. Bốn năm sau tại Paralympic Rio 2016, Perez lại vô địch hạng 55 kg sau màn thi đấu đầy tự tin. Việc giành HCV tại Thế vận hội lần này ở Tokyo càng khó khăn hơn khi nữ VĐV của Mexico đã bước sang tuổi 48. Thi đấu ở hạng 61 kg nữ, Perez nâng thành công 131 kg, trong khi đối thủ người Nigeria Ejike Lucy (vốn đang giữ kỷ lục thế giới 142 kg) chỉ đạt mức 130 kg và không thành công ở cả hai lần sau khi cố gắng chinh phục mức tạ 135 kg. Đối với Amalia Perez, đây là HCV thứ năm của cô ở môn cử tạ Paralympic, nhưng quan trọng hơn, cô đã chứng tỏ sự cống hiến hết mình cho bản thân và đất nước trong hơn 20 năm qua.

Một điểm nhấn của ngày thi đấu hôm qua là việc đội Anh giành HCV môn bóng bầu dục trên xe lăn tại Paralympic với chiến thắng 54 - 49 trước đội Mỹ trong trận chung kết ở kỳ Thế vận hội lần này. Đây cũng là HCV đầu tiên của một nước châu Âu trong suốt lịch sử thi đấu tại Paralympic. Trận đấu diễn ra quyết liệt ngay từ đầu với cuộc rượt đuổi tỷ số giữa hai đội trong suốt các hiệp đấu. Tuy nhiên, trong bốn phút cuối cùng của trận đấu, đội Anh đã làm nên lịch sử khi cầu thủ Stuart Robinson thực hiện ba nỗ lực liên tiếp để giúp đội bóng xứ sương mù dẫn trước ba điểm và đoạt ngôi vô địch.

Sáng nay, 30/8, hai VĐV bơi lội của Việt Nam sẽ tiếp tục tranh tài. Trịnh Thị Bích Như thi đấu 50 m bơi bướm nữ hạng S6 còn Võ Thanh Tùng thi đấu 50 m ngửa nam hạng S5 ■