Nhìn lại Liên hoan Sân khấu Thủ đô năm 2020

Với 13 vở diễn của các nhà hát, đơn vị nghệ thuật tham dự cùng hơn 700 nghệ sĩ, diễn viên tham gia diễn xuất, Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ tư năm 2020 là cú khởi động trở lại đầy ngoạn mục của sân khấu Việt Nam sau thời gian dài tạm nghỉ do dịch Covid-19. Tuy có nhiều vở diễn dựng lại, nhưng dưới những góc nhìn mới phù hợp hiện tại cùng sự đa dạng về đề tài, thể loại, liên hoan đã phần nào mang lại hiệu ứng lan tỏa, thu hút công chúng.

Cảnh trong vở Người tốt nhà số 5 của Nhà hát Kịch Việt Nam đoạt Huy chương vàng Liên hoan Sân khấu Thủ đô năm 2020.
Cảnh trong vở Người tốt nhà số 5 của Nhà hát Kịch Việt Nam đoạt Huy chương vàng Liên hoan Sân khấu Thủ đô năm 2020.

Sự tham dự đông đảo của các đơn vị nghệ thuật tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô đã cho thấy nhiệt huyết sáng tạo và “lửa nghề” luôn sục sôi của các nghệ sĩ, diễn viên với mong muốn mang đến công chúng những vở diễn hay, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả. Đây cũng là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước có thể nhìn nhận về thực trạng phát triển cũng như khó khăn của sân khấu để có những giải pháp hỗ trợ hiệu quả, tạo nên những tác phẩm sân khấu hấp dẫn, phản ánh sinh động đời sống xã hội, góp phần định hướng thẩm mỹ trong công chúng, thúc đẩy sự phát triển của sân khấu Hà Nội và cả nước. 

Theo đánh giá của Ban giám khảo, 13 vở diễn của các nhà hát, đơn vị nghệ thuật dự liên hoan đa dạng về thể loại (có kịch nói, cải lương, chèo) và đề tài, được đầu tư dàn dựng kỹ lưỡng, chất lượng nghệ thuật khá tốt. Có những vở diễn mới và cả nhiều vở được dựng lại hoặc khai thác từ các kịch bản cũ, song vẫn mang tính thời sự và được khán giả yêu thích bởi những giá trị nhân văn sâu sắc, vững bền khi thể hiện dưới những góc nhìn mới, đưa vào các yếu tố đương đại, tạo hiệu ứng tốt trong giới làm nghề và khán giả. Có thể thấy rõ điều đó qua một số vở diễn nổi bật, trong đó có vở Bạch đàn liễu của sân khấu Lucteam do đạo diễn NSƯT Trần Lực đạo diễn. Khai thác từ kịch bản quá nhiều truân chuyên của tác giả Xuân Trình, sau hơn một năm ra mắt, vở diễn tiếp tục chiếm trọn tình cảm của giới nghề và công chúng tại liên hoan bởi tính thời sự và những vấn đề nóng bỏng được đề cập. Không chỉ là những cảnh báo về thói lộng quyền, tham ô, mất dân chủ ở một bộ phận chính quyền nông thôn, vở diễn đã mang lại những lát cắt cơ bản, phản ánh về đời sống nông thôn hiện tại với bao khúc mắc trong cơ chế, chính sách cùng khát vọng và niềm tin hướng về tương lai trong cuộc đấu tranh vì lẽ phải và sự công bằng. 

Trong khi đó, cùng là vở diễn đoạt Giải vàng, dựng lại từ kịch bản của tác giả Lưu Quang Vũ, vở Người tốt nhà số 5 của Nhà hát Kịch Việt Nam do đạo diễn Tạ Tuấn Minh dàn dựng lại chuyển tải thông điệp về niềm tin vào những điều tốt đẹp và sự lan tỏa đến những người chung quanh. Vở diễn được đánh giá là khó dựng bởi tính tự sự, triết lý trong lời thoại, ở đó mỗi nhân vật có một thế giới nội tâm riêng, đạo diễn đã khéo léo lồng ghép để làm nổi bật được ý nghĩa và những cách nhìn khác nhau về vấn đề. Cũng giống như vở Bạch đàn liễu, sân khấu ước lệ được khai thác triệt để với cách bài trí đơn giản, sử dụng hợp lý trong từng cảnh huống câu chuyện, góp phần khắc họa tính cách nhân vật và sự phức tạp của mối quan hệ gia đình trong một cộng đồng thu nhỏ mà rộng ra là cả xã hội một thời và cả đến hôm nay. Vở kịch Trương Chi - Mỵ Nương của Nhà hát Kịch Hà Nội, do Phùng Tiến Minh đạo diễn là tác phẩm dựng mới, thể hiện nhiều thử nghiệm khi kết hợp cả ca múa nhạc và hiệu ứng âm thanh, ánh sáng hiện đại trên nền tích truyện dân gian, mang đến những khoảng lặng trữ tình, sâu lắng, giàu cảm xúc. Cùng khai thác đề tài lịch sử, vở Tình sử Thăng Long của Nhà hát Chèo Hà Nội, NSƯT Lê Tuấn đạo diễn, lại khiến người xem thổn thức về mối tình của hai vị vua cuối thời nhà Lý, đầu thời nhà Trần là Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh, cho thấy sự hy sinh của những tình cảm và lợi ích riêng tư trước vận mệnh và lợi ích chung của dân tộc. Bên cạnh những vở diễn nêu trên, một số vở cũng để lại nhiều ấn tượng về nội dung, thiết kế sân khấu và diễn xuất như: Đợi đến mùa Xuân (Nhà hát Tuổi trẻ),  Những người ở lại (Trường đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội), Trinh Nguyên (Nhà hát Chèo Việt Nam), Người đi tìm Minh chủ (Nhà hát Cải lương Việt Nam)... 

Theo NSND Hoàng Dũng, Chủ tịch Ban giám khảo, một điều đáng ghi nhận tại liên hoan lần này là sự xuất hiện của nhiều đạo diễn trẻ có tiềm năng cùng những đạo diễn đã thành danh, đã đóng góp nhiều cho sân khấu nước nhà. Bên cạnh đó là sự kế cận của nhiều nghệ sĩ, diễn viên trẻ tài năng sẵn sàng tiếp bước các thế hệ nghệ sĩ, diễn viên đi trước. Họ không những chỉ chứng tỏ được mình ở phần kỹ thuật tâm lý mà còn điêu luyện sử dụng ngôn ngữ hình thể trong biểu diễn.Thiết kế sân khấu cũng ngày càng hiện đại, hòa nhịp xu hướng của sân khấu thế giới với nhiều trang thiết bị kỹ thuật tiên tiến, đa dạng về thể tài, góp phần làm cho liên hoan thêm phần hấp dẫn.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào kịch bản và đề tài thể hiện, Liên hoan Sân khấu Thủ đô năm nay vẫn còn những bất cập, bộc lộ phần nào khó khăn của hoạt động sân khấu khi thiếu vắng các kịch bản mới, phản ánh cuộc sống, con người của Hà Nội thời hiện tại một cách chân thực, sâu sắc, chuyển tải và tôn vinh được nét đặc trưng của vùng đất nghìn năm văn hiến. Yếu tố thử nghiệm, đổi mới tuy rõ nét, song vẫn tập trung vào các mảng miếng, trò diễn, chưa chuyển tải được đầy đủ thông điệp và ý nghĩa vở diễn. Phần nhạc cho vở diễn cũng không có nhiều những sáng tác mới, nhiều khi chưa phù hợp với nội dung và bối cảnh vở diễn, dàn nhạc và nhạc thu sẵn phối hợp không hài hòa, nhiều khi làm ngắt mạch cảm xúc của khán giả, trong khi thiết kế mỹ thuật sân khấu ở một số vở diễn còn nặng tính minh họa.

Những cánh màn sân khấu liên hoan đã khép lại, nhưng đằng sau nó đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cho sự phát triển của sân khấu nước ta. Theo Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam Trịnh Thúy Mùi, để động viên các đơn vị nghệ thuật, các nghệ sĩ, diễn viên, rất cần đến sự đồng hành, hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân nhà tài trợ để các sân khấu “sáng đèn” thường xuyên và có điều kiện đổi mới để thu hút khán giả trở lại.