Nhiều ý kiến tranh luận về hình thức thi hành án tử hình

Nhiều ý kiến tranh luận về hình thức thi hành án tử hình

Theo báo cáo Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Lê Thị Thu Ba, về hình thức tử hình, có ba quan điểm khác nhau: thứ nhất, đề nghị quy định hình thức thi hành án tử hình bằng bằng tiêm thuốc độc; loại ý kiến thứ hai đề nghị dự thảo Luật quy định hình thức thi hành án tử hình bằng xử bắn; loại ý kiến thứ ba đề nghị quy định cả hai hình thức thi hành án.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc thi hành án tử hình bằng hình thức xử bắn như hiện nay đã bộc lộ nhiều bất cập, như về pháp trường tổ chức thi hành án, về áp lực tâm lý đối với cán bộ, chiến sĩ trực tiếp thi hành án và thân nhân người bị thi hành án… Việc thay đổi hình thức thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc đã được Bộ Công an nghiên cứu và xây dựng Đề án trình cấp có thẩm quyền.

Tại kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho quy định trong dự thảo luật một hình thức thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc, quy trình thực hiện do Chính phủ quy định.

Tuy nhiên, tại phiên thảo luận, bên cạnh nhiều ý kiến đồng tình với quan điểm này vẫn còn không ít đại biểu băn khoăn.

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái) ủng hộ hình thức thi hành án tử hình thực hiện bằng tiêm thuốc độc. Hiện nay trên thế giới sử dụng nhiều cách để thực hiện hình thức tử hình. Xét về mặt khách quan, phương pháp tiêm thuốc độc sẽ tránh được nhiều khía cạnh tiêu cực của phương pháp hành quyết khác.

Đại biểu Nguyễn Hữu Nhơn (Đồng Tháp) đề xuất sử dụng thêm hình thức tử hình bằng điện, và người bị thi hành án có quyền lựa chọn. Cho rằng hình thức xử bắn vẫn có giá trị răn đe trong công tác phòng chống tội phạm, đại biểu Đặng Văn Xướng (Long An) đề xuất vẫn nên có hai hình thức, vừa tiêm vừa bắn.

Đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) cũng cho rằng, vẫn nên duy trì hình thức xử bắn. Bởi theo ông, gần đây, tình hình tội phạm rất nghiêm trọng, nhất là các vụ án giết người, ma túy. Nếu như chúng ta thay đổi hình phạt xử bắn thì có thể nó sẽ tác động tiêu cực đến công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Mặt khác, theo đại biểu Phạm Xuân Thường, chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm, thời gian thực hiện hình thức xử bắn, vì thế vẫn duy trì. Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng khó khăn về trường bắn, về tâm lý người bắn, ông đề nghị bắn tập trung tại một số trường bắn và sử dụng hình thức bắn tự động.

Khác với ý kiến trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga (đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên), cho rằng, phòng ngừa của hình phạt tử hình được quyết định chủ yếu bởi bản chất của hình phạt này. Đó là việc Nhà nước tước quyền sống của người phạm tội, không phải là được quyết định bởi cách thức thi hành hình phạt tử hình.

Hình thức xử bắn thời gian trước đây có phát huy tác dụng răn đe, giáo dục trong một số trường hợp phạm tội đặc biệt nguy hiểm, xâm phạm an ninh quốc gia, thí dụ tội phản bội Tổ quốc, tội hoạt động gián điệp v.v... Khi đó chúng ta tổ chức xử bắn công khai và thông báo rộng rãi cho nhân dân đến chứng kiến. Còn khoảng vài chục năm gần đây, để bảo đảm an toàn, thường tổ chức xử bắn trước khi trời sáng, không thông báo cho nhân dân đến xem, do đó tính răn đe giáo dục của hình thức xử bắn không còn đáng kể. Vì vậy, việc chuyển sang hình thức tiêm thuốc độc không ảnh hưởng gì đến phòng ngừa chung của hình phạt tử hình.

Đồng  ý với hình thức tiêm thuốc độc, song đại biểu Trần Thị Quốc Khánh đề nghị không nên giao cho bác sĩ hay nhân viên y tế làm việc này, vì y bác sĩ là những người chuyên trị bệnh cứu người.

Việc giải quyết việc xin nhận hài cốt của người bị thi hành án tử hình cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc cho thân nhân của người bị thi hành án tử hình được nhận tử thi dễ gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự an toàn xã hội và làm phát sinh các vấn đề cần phải giải quyết như việc bảo quản tử thi, việc tổ chức mai táng. Do đó, dự thảo luật không quy định việc cho nhận tử thi.

Nhưng trên thực tế, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có địa phương tỷ lệ lấy trộm tử thi sau khi thi hành án tử hình đến 90%. Vì thế, nhiều đại biểu cho rằng, nên cân nhắc kỹ việc có nên cho thân nhân người bị thi hành án nhận tử thi hay không.

Theo ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Tuyết, nếu thực hiện theo dự thảo luật gây khó khăn trong công tác quản lý phần mộ của người bị thi hành án tử hình, nhất là trách nhiệm giải quyết trong trường hợp người thân của người bị thi hành án tử hình có yêu cầu nhận hài cốt mà hài cốt không còn thì khi đó sẽ giải quyết thế nào. Và đặt ra là sẽ phải có một lực lượng bảo vệ hài cốt trong vòng 3 năm vì theo dự thảo luật, ở điều 57 quy định: “Việc nhận hài cốt chỉ được giải quyết sau ba năm kể từ ngày an táng”. Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết cho rằng nên bỏ quy định này.

Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng (đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) đề nghị nên để cho thân nhân nhận xác về mai táng, vì “nghĩa tử là nghĩa tận”.

Luật gia Phạm Quốc Anh (đại biểu tỉnh Đồng Nai) thì cho rằng nên hỏa táng theo khu vực và cho nhận tro cốt. Nhiều đại biểu cũng thống nhất nên cho nhận tử thi và tro cốt, nhưng nên quy định rõ ràng các điều kiện để bảo đảm trật tự an toàn xã hội, không cho phép tổ chức tang lễ đình đám.

Kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, nên thay thế hình thức xử bắn bằng hình thức tiêm thuốc độc. Tất nhiên là phải có những điều kiện cụ thể nữa, thí dụ như trình tự thủ tục của việc thi hành tiêm thuốc độc này theo dự thảo là giao cho Chính phủ quy định.

Về vấn đề nhận tro cốt, hài cốt, hầu hết đại biểu Quốc hội đều đồng tình. Tất nhiên điều kiện cho nhận thi thể phải được quy định rõ trong Nghị định hướng dẫn thi hành Luật này. Thân nhân người tử tù phải có đơn, không được vi phạm đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Dự án Luật Thi hành án hình sự sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại cuối kỳ họp và theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2011, thay vì 1-1-2011 như dự thảo trước đây, để có thời gian chuẩn bị các điều kiện thi hành luật.