5 năm dạy “chay”
Tưởng rằng khi đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh ký hợp đồng tuyển dụng theo chính sách tuyển chọn các sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi, thạc sĩ ngành sư phạm về giảng dạy tại các trường phổ thông thì những sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi như cô giáo Tôn Thị Quỳnh Giang (Trường THPT Lê Quảng Chí) sẽ sớm có ổn định cuộc sống để toàn tâm, toàn ý “rèn chữ, dạy người”. Thế nhưng, sau gần 5 năm nhận công tác ở ngôi trường mới tại Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh), cô giáo Giang vẫn chưa một lần được xét duyệt nâng lương, không được thụ hưởng bất cứ khoản phụ cấp nào ngoài mức lương cơ sở nhân với hệ số khởi điểm của những người tốt nghiệp đại học.
Cuộc sống xa nhà vốn đã khó khăn nay càng khó khăn hơn. “Ở khu kinh tế này cái gì cũng đắt đỏi, mức thu nhập 2,6 triệu đồng/tháng không đủ trang trải cuộc sống của gia đình. Nếu không có khu nhà nội trú giáo viên của nhà trường thì gia đình em không biết sẽ như thế nào”, cô giáo Tôn Thị Quỳnh Giang cho hay.
Theo Hiệu trưởng THPT Lê Quảng Chí, Nguyễn Tiến Hòa, không riêng gì cô Giang, hiện nay đời sống của sáu giáo viên được tuyển dụng theo chính sách thu hút của tỉnh năm 2014 cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Thông qua các diễn đàn giáo dục, nhà trường cũng đã nhiều lần đề nghị có chính sách quan tâm đến đội ngũ giáo viên này, song đến nay mọi thứ vẫn chưa có gì thay đổi.
Hiệu trưởng THPT Nguyễn Thị Bích Châu, Dương Đình Thọ cho biết thêm, do thu nhập quá eo hẹp nên 2/5 giáo viên được tuyển dụng theo chính sách thu hút của năm 2014 đã bỏ việc, chuyển công tác. Qua thực tế giảng dạy tại trường, những sinh viên được tuyển dụng năm 2014 là những giáo viên có năng lực, phẩm chất tốt. Mặc dù thời gian đứng lớp chưa nhiều nhưng các thầy, cô đã là những giáo viên nồng cốt trong phong trào dạy học của nhà trường nhưng đến nay các thầy cô giáo vẫn không được hưởng phụ cấp đứng, phụ cấp thâm niên, thậm chí không có cơ hội để được cân nhắc, bố trí vào các chức danh lãnh đạo. Đây là thiệt thòi rất lớn đối với các thầy, cô.
Qua tìm hiểu được biết, năm 2014, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành quyết định 2531 quy định chủ trương hợp đồng sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi, thạc sĩ ngành sư phạm về giảng dạy tại các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Thực hiện chủ trương này, 41 sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm loại giỏi, xuất sắc tại các trường sư phạm trọng điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có tổng điểm thi vào đại học năm trúng tuyển đạt từ 18,0 điểm trở lên (chưa nhân hệ số, không tính điểm ưu tiên) hoặc có bằng thạc sĩ cùng chuyên ngành đã được tuyển dụng vào công tác tại các trường học (chủ yếu là những trường đóng ở địa bàn vùng sâu, vùng xa) trên địa bàn.
Sẽ không có gì đáng nói nếu khi ban hành chủ trương này, UBND tỉnh Hà Tĩnh tính toán, dự báo một cách căn cơ nhu cầu, thực trạng đội ngũ giáo viên trên địa bàn để xây dựng, thực hiện chế độ, chính sách hợp tình, hợp lý cho đội ngũ giáo được tuyển dụng. Đặc biệt, trong suốt 5 năm qua, với vai trò quản lý trực tiếp, nếu Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh chủ động tham mưu, đề xuất kịp thời các phương án xử lý thì các giáo viên được tuyển dụng theo chính sách “thu hút” sẽ không phải chịu thiệt thòi trong cả một thời gian dài.
Theo phản ánh của những người trong cuộc, tháng 7-2018, HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Nghị quyết về phát triển mầm giáo dục non và phổ thông tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Về sắp xếp, bố trí đội ngũ, nghị quyết nêu rõ: Tiếp tục thực hiện hợp đồng sinh viên tốt nghiệp loại giỏi tại các trường sư phạm trọng điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giáo viên hợp đồng được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách như giáo viên tuyển dụng chính sách.
Vậy là, những giáo viên được tuyển dụng sau tháng 7-2018 sẽ được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách như giáo viên tuyển dụng chính thức. Trong khi đó, cũng với chính sách tương đồng thì những giáo viên được tuyển dụng từ năm 2014 lại chỉ được hưởng duy nhất hệ số lương cơ sở từ nhiều năm nay. Có hay không sự bất cập, chồng chéo trong việc ban hành chính sách thu hút giáo viên ở Hà Tĩnh?
Trường cần nhưng ngành không vội
Năm học 2017 – 2018, Hà Tĩnh thiếu gần 1.000 giáo viên bậc tiểu học, mầm non. Để giải quyết tình trạng này, bước sang năm học 2018 – 2019, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã đồng ý chủ trương để các địa phương tuyển dụng 410 giáo viên mầm non, tiểu học. Tuy vậy, đã gần 5 tháng trôi qua, công tác tuyển dụng giáo viên vẫn chưa được hoàn thành, gây ra rất nhiều khó khăn cho các trường học.
Số liệu từ Phòng Giáo dục và Đào tạo Cẩm Xuyên cho thấy, theo kế hoạch, năm học 2018 - 2019, bậc tiểu học ở Cẩm Xuyên sẽ có 451 lớp, tuy nhiên do thiếu giáo viên nên địa phương này phải nhập lớp, giảm lớp xuống còn 427 lớp. Chưa dừng lại ở đó, bước vào năm học mới được một thời gian, do không cân đối được giáo viên, 5 trường học trên địa bàn phải tiếp tục nhập lớp, thu gọn số lớp học bậc tiểu học ở địa phương này còn 422 lớp.
Chuyên viên phụ trách cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo Cẩm Xuyên, Nguyễn Quốc Khoan cho biết, so kế hoạch được giao, bậc mầm non còn thiếu 100 giáo viên dạy văn hóa, 100% trường học mầm non trên địa bàn thiếu giáo viên, quá tải sĩ số học sinh. Để giải quyết tình trạng này, nhiều trường học trên địa bàn phải bố trí cả hiệu trưởng, hiệu phó đứng lớp, làm giáo viên chủ nhiệm. Thậm chí, có trường còn phải vận động giáo viên đã nghỉ hưu quay trở lại “chống cháy”.
“Căn cứ vào thời gian công tác, từ nay đến hết năm học, Cẩm Xuyên sẽ có thêm 20 giáo viên đến tuổi nghỉ hưu. Hiện, địa phương vẫn chưa có phương án để giải quyết sự thiếu hụt này”, thầy giáo Nguyễn Quốc Khoan lo lắng.
Thực trạng thiếu giáo viên cũng đang diễn ra ở tất cả các huyện, thành phố, thị xã ở Hà Tĩnh, tuy vậy, việc tuyển dụng, bổ sung giáo viên ở địa phương này lại đang bị chững lại bởi những nguyên do thiếu thuyết phục.
Theo Trưởng phòng Nội vụ thị xã Kỳ Anh, Nguyễn Văn Giáp, theo định biên giáo viên được tỉnh bố trí, đến thời điểm hiện nay, địa phương thiếu 256 giáo viên ở bậc mầm non, tiểu học và THCS. Theo phân bổ, năm học này, địa phương được tuyển dụng 60 giáo viên cho hai cấp học: mầm non và tiểu học. Ngay sau khi có chủ trương tuyển dụng của tỉnh, Phòng đã tiếp nhận hồ sơ tuyển dụng, xét đặc cách tuyển dụng giáo viên theo quy định. Nhưng, gần 4 tháng kể từ ngày năm học mới bắt đầu, việc tuyển dụng giáo viên vẫn chưa được thực hiện. Nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ này là do quá trình rà soát đối chiếu các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy chuẩn chứng chỉ ngoại ngữ, tin học thì phần lớn các hồ sơ đều chưa đạt yêu cầu.
Được biết, không riêng gì thị xã Kỳ Anh, tất cả các hồ sơ dự tuyển giáo viên ở Hà Tĩnh đợt này đều không bảo đảm theo quy định về chứng chỉ tin học, ngoại ngữ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của liên bộ Giáo dục và Đào tạo, và Nội vụ, một trong những điều kiện bảo đảm để được tuyển dụng, bố trí các chức danh nghề nghiệp là phải có chứng chỉ năng lực tiếng Anh theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Trong khi đó, theo phản ánh của lãnh đạo các phòng Giáo dục và Đào tạo, hầu hết sinh viên mới ra trường đều chưa có chứng chỉ này vì Bộ Giáo dục và Đào tạo không đưa vào quy định trong đào tạo.
Ngoài ra, đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có trung tâm ngoại ngữ nào đủ năng lực để đào tạo, chuyển đổi chứng chỉ tiếng Anh theo khung năng lực mới. Vì vậy, việc đáp ứng tiêu chí này là bất khả kháng.
Theo Trưởng phòng Công chức, viên chức (Sở Nội vụ Hà Tĩnh), Cù Huy Cẩm, để tháo gỡ khó khăn, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, và Bộ Nội vụ, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành văn bản 6785 về việc công nhận loại chứng chỉ và thời gian áp dụng cho các loại chứng chỉ tiếng Anh.
Theo đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh ủy quyền cho Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện việc xem xét, quyết định chấp nhận chứng chỉ, chứng nhận năng lực ngoại ngữ và thời hạn áp dụng của chứng chỉ, chứng nhận đối với vị trí công việc của đội ngũ cán bộ, công chức và viên chức thuộc ngành giáo dục và đào tạo.
Qua tìm hiểu được biết, mặc dù văn bản hướng dẫn của UBND tỉnh Hà Tĩnh đã được ban hành từ tháng 12-2016, tuy nhiên từ đó đến nay, việc chuyển đổi, công nhận chương trình ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc vẫn chưa được thực hiện.
Thực trạng thiếu giáo viên đang từng ngày, từng giờ ảnh hưởng đến công việc, chất lượng giáo tại các trường học trên địa bàn. Trong khi các em học sinh đang phải học ghép, học chung, sinh viên ra trường mòn mỏi chờ công việc. Theo phản ánh của những người trong cuộc, lẽ nào các trường thì đang cần nhưng các ngành, địa phương lại… chưa vội?