Theo cơ sở dữ liệu toàn cầu mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới về an toàn truyền máu, có khoảng 112,5 triệu người hiến máu trên thế giới. Tỷ lệ hiến máu tình nguyện này tăng ổn định theo thời gian. Hàng năm có hàng triệu người được cứu sống nhờ truyền máu và các chế phẩm máu.
Tuy nhiên, ở nhiều quốc gia vẫn xảy ra tình trạng cung vượt quá cầu và ngành truyền máu phải đối mặt với vấn đề làm thế nào để cung cấp đủ máu an toàn và chất lượng.
Theo ông Junping Yu (Tổ chức Y tế thế giới), có khoảng 71 nước vẫn thu gom trên 50% nguồn máu từ người hiến máu thay thế và người bán máu. 67 nước ghi nhận chỉ có 10 người hiến máu trên 1.000 dân, chủ yếu là các nước có thu nhập thấp hoặc trung bình.
Cũng theo đánh giá của WHO, có nhiều thách thức với cả thế giới trong việc bảo đảm nguồn máu ổn định và an toàn. Trong đó, có sự thiếu hụt các đơn vị máu an toàn và tỷ lệ hiến máu thấp đặc biệt là ở các quốc gia có thu nhập thấp. Các chiến dịch vận động và cơ chế khuyến khích người hiến máu tình nguyện còn yếu kém như chủ yếu phụ thuộc vào nguồn máu từ người nhà bệnh nhân/người bán máu.
Thế giới cũng đang đối mặt với mối lo dân số già đi khiến số lượng người hiến máu giảm. Hiện nay, hệ thống tài liệu, tiêu chuẩn tuyển chọn người phù hợp hiến máu và huyết tương vẫn còn thiếu. Các dịch vụ chăm sóc và tư vấn người hiến máu nghèo nàn, thiếu thốn.
Các nước đang phát triển và phát triển đang cùng trải qua sự suy giảm số người hiến máu trẻ tuổi, do sự thờ ơ ngày càng gia tăng đối với việc hiến máu trong thế hệ trẻ, đặc biệt là những người trẻ có đủ điều kiện (độ tuổi từ 17 đến 25).
Do đó, “Be the 1” – chiến dịch toàn cầu được bắt đầu vào năm 2016 với hơn 80 Trung tâm truyền máu tham gia đã tăng cường nhận thức của người dân trên khắp thế giới về vấn đề hiến máu nhân đạo. Với nỗ lực làm gia tăng việc sử dụng các phương tiện truyền thông trên toàn thế giới, đến nay số lượng người hiến máu và người trẻ tuổi hiến máu lần đầu (ở độ tuổi từ 18 đến 25) đã gia tăng đáng kể ở khắp các châu lục và vùng lãnh thổ.
Khẳng định nguồn máu ổn định và an toàn chỉ được bảo đảm nhờ nguồn người hiến máu tình nguyện thường xuyên ổn định, đại diện cho Tổ chức Y tế thế giới, BS Hernan Montenegro cho rằng, các nước cần nhiều hơn nữa những người hiến máu tình nguyện để có thể đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng tăng trong điều trị.
Đặc biệt, trong những tình huống khẩn cấp, ngoài thiếu máu dự trữ, khó khăn lớn nhất đó là thiếu sự phối hợp của hệ thống cung cấp máu. Nếu hệ thống chăm sóc sức khỏe không được thiết lập và hệ thống truyền máu bị phân tán, có thể ảnh hưởng việc ứng phó không đầy đủ đối với quản trị thiên tai, đáp ứng nhu cầu truyền máu.
Do đó, theo bà So-Yong Kwon, Phó Chủ tịch Hội truyền máu quốc tế, dịch vụ máu được tổ chức tốt sẽ rất quan trọng trong quản lý thiên tai và an toàn truyền máu. Vì thế, dịch vụ này cần là một bộ phận của công tác chăm sóc sức khỏe nói chung dưới sự điều hành của Bộ Y tế.
“Kinh nghiệm cho thấy rằng nếu bảo đảm được nguồn máu dự trữ ổn định thường xuyên thì có thể đáp ứng được nhu cầu máu khi thảm họa lớn xảy ra. Do đó, hiến máu thường xuyên để bảo đảm luôn đủ máu quan trọng hơn là huy động và tham gia hiến máu trong trường hợp khẩn cấp khi thảm họa xảy ra. Tôi muốn khẳng định lại thông điệp của chiến dịch năm nay: Đừng chờ đến khi thảm họa xảy ra. Hãy tham gia hiến máu cứu người. Hiến máu ngay hôm nay. Xin hiến thường xuyên” – bà So-Yong Kwon truyền tải thông điệp.
Tại hội thảo, TS Ngô Mạnh Quân, Trưởng Khoa Vận động hiến máu (Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương) cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm với các chuyên gia quốc tế về việc bảo đảm máu cho vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo dựa trên lực lượng hiến máu dự bị thực chất, hiệu quả. TS Ngô Mạnh Quân cho biết, Việt Nam hiện nay có một Trung tâm truyền máu (TTTM) quốc gia, 4 TTTM khu vực, 10 TTTM vùng, 60 ngân hàng máu (Khoa HHTM các bệnh viện) và một Trung tâm Hiến máu – Hội Chữ thập đỏ TP Hồ Chí Minh. Việt Nam có 287 huyện thuộc 45 tỉnh thuộc vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo. Do đó, việc xây dựng lực lượng hiến máu dự bị an toàn và bền vững là hết sức cần thiết; bảo đảm cung cấp được những đơn vị máu an toàn, chất lượng và nhanh nhất đến người bệnh ở những vùng này. Nhờ triển khai tốt công tác vận động hiến máu tình nguyện, nhất là lực lượng hiến máu dự bị, đến nay đã có 1.606 người đăng ký tham gia lực lượng hiến máu dự bị và có 1.174 thành viên ngân hàng máu sống các địa phương. |