Nhiều rào cản trong chế biến rau quả

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, hiện cả nước có khoảng 7.500 cơ sở chế biến, bảo quản trái cây, rau củ; trong đó có khoảng 150 nhà máy chế biến có dây chuyền công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, ngành chế biến mới chỉ đáp ứng 8-10% sản lượng rau quả/năm. Đến nay vẫn còn gần 80% rau quả xuất khẩu chưa qua chế biến; tổn thất sau thu hoạch cũng ở mức cao, khoảng 20%.
Đoàn công tác tỉnh Ibaraki (Nhật Bản) tìm hiểu về ngành hàng xoài của tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh HỮU NGHĨA)
Đoàn công tác tỉnh Ibaraki (Nhật Bản) tìm hiểu về ngành hàng xoài của tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh HỮU NGHĨA)

Trưởng phòng Chế biến, bảo quản nông sản (Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản) Ngô Quang Tú cho biết: Hiện nay, lĩnh vực chế biến rau quả của nước ta vẫn còn rất nhiều hạn chế. Cụ thể như, về nguyên liệu mới chỉ đáp ứng 50-60% công suất chế biến.

Những vướng mắc cần giải quyết

Nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu là do diện tích canh tác nhỏ lẻ, phân tán, không đồng nhất; sản xuất rau quả mang tính mùa vụ cao; vấn đề an toàn thực phẩm của các sản phẩm chưa đều, không ổn định về kích thước, mùi vị, mầu sắc, dinh dưỡng… Về phía doanh nghiệp, có tới 97% doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và vừa, tiềm lực tài chính, nhân lực, quản trị yếu… nên chưa đầu tư nhiều vào chế biến. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm chế biến sâu khá hẹp, lại có quy định nghiêm ngặt về dư lượng thuốc kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản, điều kiện lao động, môi trường, truy xuất nguồn gốc… Đây là những rào cản lớn đối với việc mở rộng các sản phẩm rau quả chế biến của Việt Nam.

Thực tế, tại hầu hết các địa phương có diện tích sản xuất rau quả lớn đều đang gặp phải những vướng mắc trên. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai Đoàn Ngọc Có chia sẻ: Tỉnh Gia Lai hết sức quan tâm đến phát triển sản xuất rau củ quả, với mục tiêu hình thành vùng phát triển rau củ quả lớn của cả nước. Năm 2022, Gia Lai phát triển khoảng 35.000ha diện tích trồng các loại rau ăn lá, rau ăn quả. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 mở rộng diện tích lên 52.000ha.

Đối với cây ăn quả, năm 2022, Gia Lai phấn đấu mở rộng diện tích lên 29.700ha, với các cây trồng chủ lực là chanh leo, chuối, sầu riêng, bơ. Tuy nhiên, diện tích sản xuất những sản phẩm rau củ quả đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu còn chưa cao. "Như cây ăn quả, tỉnh hiện mới có 8.500ha sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP phục vụ xuất khẩu, có 22 cơ sở và 4 nhà máy chế biến rau quả. Các loại rau ăn lá, rau ăn quả cũng mới có khoảng 1.200ha sản xuất rau theo tiêu chuẩn" - ông Đoàn Ngọc Có nhấn mạnh.

Một trong những "nút thắt" lớn nữa của lĩnh vực chế biến rau quả chính là chất lượng sản phẩm. Ông Hoàng Xuân Khang - đại diện Công ty International Fresh Group, công ty chuyên sản xuất và nhập khẩu rau, củ, quả tại thị trường châu Âu thông tin: Hiện, sản phẩm do công ty phân phối đã có mặt tại hơn 3.500 siêu thị tại nhiều nước châu Âu, nhưng lượng nông sản từ Việt Nam mới chỉ chiếm dưới 1%. Theo ông Khang, thách thức lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam

khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu là những yêu cầu khắt khe về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc... Do đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần giúp các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể đạt được các chứng nhận về tiêu chuẩn, kết cấu hạ tầng cơ bản để xuất khẩu sang thị trường châu Âu, sau đó đến chọn mặt hàng và chiến lược quảng bá phù hợp.

Đổi mới chính sách, đầu tư công nghệ

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La Cầm Thị Phong, toàn tỉnh Sơn La hiện có hơn 82.800ha cây ăn quả. Tỉnh được cấp 241 mã số vùng trồng (diện tích hơn 3.800ha), 37 mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu, xây dựng 242 chuỗi cung ứng nông sản an toàn, 24 sản phẩm nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ...

Từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh đã tiêu thụ được hơn 135.000 tấn quả các loại, thị trường tiêu thụ chủ yếu là trong nước với hơn 131.900 tấn; xuất khẩu hơn 1.600 tấn xoài, 20 tấn chuối. Để đạt được những kết quả này, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Sơn La đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản. Cụ thể, trong niên vụ nhãn 2021, tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh phí xây dựng lò sấy nông sản, container lạnh.

Nhờ đó, toàn tỉnh đã chế biến được 65.000 tấn nhãn, giải tỏa áp lực tiêu thụ trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển chuỗi liên kết, xây dựng các cơ sở chế biến trên địa bàn như Công ty cổ phần Nafoods Group, Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO)... Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hình thành nhiều cơ sở chế biến, bảo quản nông sản, trái cây sấy dẻo.

Bên cạnh việc đổi mới chính sách thì đầu tư công nghệ được coi là "chìa khóa vàng" phát triển sản phẩm chế biến. Ông Nông Ngọc Trung, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Nông lâm nghiệp Cánh Đồng Vàng cho biết: Công ty đang có công nghệ sấy đa năng, cho thuê với chi phí tiết kiệm, được chở bằng container, có thể lưu động qua các khu vực, đến được các vùng sâu, vùng xa. Theo đó, hàng nông sản thu hoạch đến đâu có thể được chế biến tại chỗ đến đó. Thí dụ như với công nghệ sấy tách nước khử khuẩn tiên tiến, Công ty Cánh Đồng Vàng có thể sấy được 5-7 tấn nông sản trong một mẻ.

Hiện, công ty nhận ổn định các đơn hàng chế biến, như ớt khoảng 100.000 tấn/năm; mít, xoài khoảng 20.000 tấn/năm mỗi loại; vải thiều Lục Ngạn hiện nhận đơn hàng 7.000 tấn từ thị trường Đài Loan (Trung Quốc). Thời gian tới, doanh nghiệp sẽ phổ biến, chuyển giao, đẩy mạnh công nghệ chế biến sâu cho các cơ sở sản xuất thanh long tại Bình Thuận, xoài tại Đồng Tháp.

Giám đốc Kinh doanh thương hiệu máy sấy lạnh đa năng thông minh Sasaki (Công ty CP Đầu tư và Phát triển thương mại quốc tế Orgen) Đặng Trần Việt cho biết: Hiện các công nghệ sấy bằng điện lạnh đang là xu hướng mới mang lại chất lượng sản phẩm cao hơn với chi phí thấp và thân thiện với môi trường. Thời gian qua, Sasaki đã hỗ trợ hợp tác xã, nông dân, doanh nghiệp vừa nhỏ phát triển các sản phẩm phù hợp, tập trung đáp ứng nhu cầu thị trường.

Để chuyển giao công nghệ với khách hàng, Sasaki nắm bắt thông tin hiện trạng sản xuất, mong muốn của khách hàng; phân tích kỹ thuật đặc điểm lý hóa để vạch ra kế hoạch sơ chế; cung cấp quy trình sấy thử nghiệm để đưa ra phương án tối ưu cho khách hàng. Từ đó cung cấp thiết bị sấy, thiết bị nằm trong dây chuyền sản xuất để cho ra sản phẩm chế biến tốt nhất. Các sản phẩm chế biến điển hình là bột nêm, bột rau quả dinh dưỡng, sấy lạnh; sản phẩm trà, trái cây sấy..., đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, kể cả xuất khẩu sang các thị trường chất lượng cao.