Nhiều người trở thành "bình phong" cho các vụ lừa đảo của Trần Ngọc Tín

Trao đổi ý kiến về vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản do Trần Ngọc Tín thực hiện, cán bộ Đội CSĐT tội phạm về TTXH Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết: CQĐT đã cho Nguyễn Bá Mạnh (28 tuổi), trú tại tổ 20, phường Định Công, đối tượng giúp sức cho Tín, được tại ngoại, đồng thời tiếp tục củng cố chứng cứ. Đến nay, đã có 21 người là nạn nhân của Tín đến cơ quan Công an trình báo.

Một trong những nạn nhân đó là chị Nguyễn Thị Bích Vân, trú tại ngõ 11, phố Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa, Hà Nội. Chị Vân kể lại: Lần đó, chị Vân cùng cháu gái đi trên đường Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội thì bị hai đối tượng cướp giật túi xách, bên trong có khoảng 30 triệu đồng cùng toàn bộ giấy tờ... Trong lúc hoang mang nhất, chị Vân gặp Tín tại khu vực đường Nguyễn Du, nơi làm giấy chứng minh nhân dân.

Tại đây, Tín chủ động gặp chị gợi chuyện và giới thiệu là Công an. Sau khi nghe câu chuyện của chị Vân, Tín tỏ ra quan tâm và cho biết anh ta có mối quan hệ với Công an nên sẽ nhờ lực lượng Công an tìm cho chị số tài sản đã bị cướp. Tín còn giới thiệu có thể làm được các giấy tờ về đất đai, xin việc... Lúc đó, chị Vân đang có nhu cầu làm giấy tờ nhà nên đã đưa cho Tín toàn bộ số tiền mà anh ta yêu cầu là 4 triệu đồng và hẹn 10 ngày sau sẽ nhận giấy tờ.

Khoảng 5 ngày sau đó, Tín đến nhà chị trên một chiếc xe ôtô sang trọng. Tại đây, Tín nhờ chị Vân vay hộ 100 triệu đồng để đổi ôtô. Chị Vân đã đứng ra bảo lãnh cho Tín vay số tiền trên của một người bạn... Thời gian về sau này, chị mới biết đã bị Tín lừa.

Một trong những thủ đoạn của Tín là sau khi chiếm đoạt được tài sản của những người nhẹ dạ, anh ta thường tìm cách trì hoãn. Khi không thể trì hoãn, anh ta cho "đệ tử" là Mạnh đến trả tiền nhỏ giọt để những người bị hại chờ đợi được trả tiền, không đến cơ quan Công an trình báo. Ngoài ra, Tín còn triệt để sử dụng chiêu bài làm quen với những cán bộ trong các cơ quan Nhà nước rồi bố trí những cuộc gặp gỡ và cho các nạn nhân cùng ngồi với những vị cán bộ này trong các bữa ăn, những buổi chơi thể thao... để tạo lòng tin.

Tín thường mua nhà ở những địa điểm khác nhau và ở trong thời gian ngắn. Ở đâu, Tín cũng tìm cách thân quen và tạo những mối quan hệ gần gũi với những người chung quanh. Thông qua những lần đi lễ, Tín có quen biết với chị Nguyễn Thị Lân, ở thị xã Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên. Qua vài lần xuống nhà chơi, Tín chủ động hỏi vay chị 27 triệu đồng, sau đó tìm cách trả luôn để lấy lòng tin của người bị hại.

Khi biết chị Lân có người em họ đang tìm việc làm, Tín giới thiệu có quen với con ông Trưởng phòng Tổ chức Huyện ủy tỉnh Hưng Yên, do trước đây cùng đi quân ngũ (nhưng thực chất, anh ta chỉ biết được tên của người này). Sau đó, Tín dẫn một người bạn là Khôi, theo chị Lân thì người này đưa ra thẻ Công an và một giấy tờ xe ôtô 4 chỗ để vay tiền nên chị đã tin ngay.

Qua xin việc, Tín đã chiếm đoạt của chị 2.000 USD. Theo nội dung được những người bị hại trình báo thì có rất nhiều vụ án khác mà người bị hại đều tin tưởng khi có một số cán bộ đi cùng. Trong thời gian tới, cơ quan điều tra sẽ làm rõ vai trò của những cán bộ trên.